Bản tin dự báo thời tiết khu vực tỉnh Thái Nguyên ngày 10 tháng 8 năm 2022

Thành phố Thái Nguyên: Mây thay đổi, đêm nay và chiều tối mai có lúc có mưa rào và dông. Gió nhẹ. Nhiệt độ từ 24 – 33 độ. Độ ẩm không khí trung bình 80 - 85%. Khu vực phía Tây (gồm các huyện Đại Từ, Định Hóa, Phú Lương): Mây thay đổi, đêm nay và chiều tối mai có mưa rào và rải rác có dông. Gió Đông Nam cấp 2. Nhiệt độ từ 24 – 33 độ. Độ ẩm không khí trung bình 83 - 88%. Khu vực phía Nam (gồm huyện Phú Bình, TP Sông Công, TX Phổ Yên): Mây thay đổi, đêm nay và chiều tối mai có mưa rào và rải rác có dông. Gió Đông Nam cấp 2. Nhiệt độ từ 24 – 33 độ. Độ ẩm không khí trung bình 83 - 88%. Khu vực phía Đông (gồm các huyện Võ Nhai, Đồng Hỷ): Mây thay đổi, đêm nay và chiều tối mai có mưa rào và rải rác có dông. Gió Đông Nam cấp 2. Nhiệt độ từ 24 – 33 độ. Độ ẩm không khí trung bình 83 - 88%.

Bỏ phương án chia cả nước thành 7 vùng: Lâm Đồng vẫn ở Tây Nguyên

Đầu năm 2019, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề xuất phân chia cả nước thành 7 vùng kinh tế - xã hội, thay vì 6 vùng như lâu nay. Sau thời gian bàn thảo, kết quả là giữ nguyên 6 vùng.

Sau khi Luật Quy hoạch được Quốc hội thông qua, Chính phủ đã chỉ đạo nghiên cứu phương án phân vùng để triển khai lập quy hoạch các vùng và làm cơ sở để phân vùng trong Quy hoạch tổng thể quốc gia.

Tại dự thảo quy hoạch tổng thể quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Sau nhiều lần thảo luận, xem xét, Chính phủ đã chỉ đạo sử dụng phương án phân vùng theo 06 vùng kinh tế - xã hội hiện hành để thực hiện Luật Quy hoạch.

Sáu vùng kinh tế - xã hội gồm:

(1). Vùng Trung du và Miền núi phía Bắc gồm 14 tỉnh: Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Giang, Phú Thọ, Thái Nguyên, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái, Lai Châu, Sơn La, Điện Biên và Hòa Bình.

(2). Vùng Đồng bằng sông Hồng gồm 11 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Thái Bình, Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình và Quảng Ninh.

(3). Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung gồm 14 tỉnh, thành phố: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Thuận.

(4). Vùng Tây Nguyên gồm 5 tỉnh: Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng.

(5). Vùng Đông Nam Bộ gồm 6 tỉnh, thành phố: Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh.

(6). Vùng Đồng bằng sông Cửu Long gồm 13 tỉnh, thành phố: Thành phố Cần Thơ, Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long, An Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, phương án phân vùng hiện nay có tính kế thừa qua nhiều lần phân vùng khác nhau trước đây, đồng thời là cơ sở cho việc xây dựng các chính sách phát triển vùng, quy hoạch vùng trong 20 năm qua. Hiện đây là phương án phân vùng trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021-2030. Theo phương án phân vùng hiện hành các địa phương trong mỗi vùng cơ bản tương đồng về điều kiện tự nhiên, lịch sử, văn hóa, dân cư…, các địa phương có mối liên kết khá chặt chẽ về kinh tế, văn hóa, xã hội, kết cấu hạ tầng... Phương án phân vùng hiện nay cũng còn có mặt chưa phù hợp như khoảng cách vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung quá dài. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng: Vấn đề bất cập này có thể khắc phục trong quá trình lập quy hoạch vùng thời kỳ 2021-2030 khi định hướng tổ chức phát triển vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung theo hai tiểu vùng: Tiểu vùng Bắc Trung Bộ và Tiểu vùng Duyên hải Nam Trung Bộ. Hồi đầu năm 2019, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề xuất phân chia cả nước thành 7 vùng kinh tế - xã hội để triển khai kịp thời, đồng bộ các quy định của Luật Quy hoạch, thay vì 6 vùng như lâu nay. So với phương án 6 vùng như hiện nay, thì tại phương án 7 vùng kinh tế xã hội khi đó, có vùng Đồng bằng sông Hồng và Đồng bằng sông Cửu Long là giữ nguyên. Còn vùng Trung du miền núi phía Bắc tách thành hai vùng Đông Bắc và Tây Bắc; tách vùng Bắc Trung Bộ từ Thanh Hóa đến tỉnh Quảng Trị. Nhập các tỉnh Lâm Đồng (của Tây Nguyên), Bình Thuận, Ninh Thuận ở duyên hải Nam Trung Bộ vào vùng Đông Nam Bộ hiện nay. Thành lập vùng Nam Trung Bộ bao gồm: Thừa Thiên - Huế, các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ từ Đà Nẵng đến Khánh Hòa và 4 tỉnh Tây Nguyên (Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông).

Xảy ra động đất ở Điện Biên

Trận động đất xảy ra rạng sáng nay (10/8), có độ lớn 3.6, đang tiếp tục được Viện Vật lý Địa cầu theo dõi.

Trung tâm Báo tin động đất và cảnh báo sóng thần ghi nhận một trận động đất xảy ra 3 giờ 29 phút 17 giây (giờ Hà Nội) rạng sáng nay 10/8.

Trận động đất có độ lớn 3.6, xảy ra tại vị trí có tọa độ (22.241 độ vĩ Bắc, 102.262 độ kinh Đông), độ sâu chấn tiêu khoảng 12 km, trên khu vực huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên, đoạn giáp biên giới Việt - Lào.

Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần - Viện Vật lý Địa cầu cho biết, đang tiếp tục theo dõi trận động đất này.

Theo TS Nguyễn Xuân Anh, Giám đốc Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần, khu vực Tây Bắc là nơi có nhiều đứt gãy hoạt động mạnh như đứt gãy Điện Biên - Mường Lay, đứt gãy Sông Mã - Tuần Giáo - Lai Châu. Nơi đây từng ghi nhận nhiều trận động đất có cường độ mạnh như trận động đất năm 1935 có cường độ 6.9 độ tại lòng chảo Điện Biên, trận động đất 6.7 độ xảy ra tại thị trấn Tuần Giáo vào năm 1983 và trận động đất mạnh 5.3 độ tại thành phố Điện Biên Phủ năm 2001. Mới đây nhất, vào ngày 27/72020, một trận động đất có cường độ 5.3 đã xảy ra tại huyện Mộc Châu, Sơn La gây rung chấn cho một khu vực rộng lớn, bao gồm cả Thủ đô Hà Nội. Ông Xuân Anh đề nghị người dân nơi đây cần đề phòng các trận động đất lớn có thể xảy ra, việc xây dựng các công trình, nhà ở cần đáp ứng yêu cầu về kháng chấn đã được Viện Vât lý địa cầu xây dựng và khuyến cáo. Ông Xuân Anh cũng cho rằng, tới đây cần có các nghiên cứu sâu hơn và cập nhật hơn về phân vùng rủi ro động đất cho các địa phương nhằm cập nhật và bổ sung bản đồ kháng chấn trên cả nước. Từ đó, có khuyến cáo mới nhất cho các địa phương trong vấn đề xây dựng công trình. “Động đất là vấn đề chưa thể dự báo, có những khu vực địa chất, đứt gãy ngủ yên rất lâu sau đó hoạt động mạnh trở lại. Vì vậy các địa phương cần tuân thủ yêu cầu về kháng chấn đã được cảnh báo để hạn chế thấp nhất hậu quả nếu xảy ra”.

Khánh Hòa: Chiếm đoạt tiền tỷ, một Tổng Giám đốc lãnh án 12 năm tù

Trong vòng 6 tháng, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP đầu tư và phát triển Locus ở Khánh Hòa đã chiếm đoạt công quỹ hơn 5,6 tỷ đồng nên dính vào vòng tố tụng hình sự với tội danh 'Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản'.

Tại phiên tòa hình sự sơ thẩm ngày 9/8, TAND tỉnh Khánh Hòa đã tuyên xử hình phạt 12 năm tù về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” đối với bị cáo Vũ Văn Duẫn (SN 1978, trú ở thôn Bái, xã Dân Chủ, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình). Theo hồ sơ vụ án, Công ty CP đầu tư và phát triển Locus, có trụ sở giao dịch tại 26 Lương Thế Vinh, phường Phước Long, TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) thành lập từ tháng 3/2014 và hành nghề kinh doanh bất động sản và một số ngành nghề khác. 4 cổ động sáng lập doanh nghiệp đã bầu Vũ Văn Duẫn giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng quản trị kiểm Tổng giám đốc Công ty CP đầu tư và phát triển Locus. Trong 6 tháng đầu năm 2015, với tư cách là chủ tài khoản doanh nghiệp, Vũ Văn Duẫn không thực hiện đúng điều lệ hoạt động Công ty CP đầu tư và phát triển Locus, tự ý viết phiếu thu tiền mặt do khách hàng, kế toán và giám đốc sàn giao dịch bất động sản giao nộp rồi ký tên, đóng dấu doanh nghiệp, nhưng không nộp vào công quỹ mà đã chiếm đoạt hơn 5,6 tỷ đồng để sử dụng cá nhân.

Giá xăng, dầu trong nước sẽ tiếp tục giảm lần thứ 5 liên tiếp

Trường hợp cơ quan điều hành ngưng trích lập Quỹ Bình ổn, giá xăng dầu có thể được điều chỉnh giảm tiếp từ 800 – 1.200 đồng/lít.

Theo chu kỳ điều hành 10 ngày, từ ngày 11/8, liên Bộ Công Thương – Tài chính sẽ tiếp tục điều chỉnh giá bán lẻ xăng, dầu trong nước. Hiện nay, do lo ngại suy thoái kinh tế có thể làm giảm nhu cầu năng lượng, giá dầu thô Brent ngày 9/8 đã bị “đẩy” xuống còn hơn 93 USD/thùng, dầu thô WTI cũng đang lùi xa khỏi mốc 90 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giao tháng 10 đang ở mức 96,65 USD/thùng; Giá dầu thô WTI tháng 10 chỉ ở mức 90,76 USD/thùng. Dữ liệu của Bộ Công Thương tính đến ngày 8/8 cũng cho thấy, giá xăng thành phẩm tại Singapore sau những ngày tăng trên 110 USD/thùng nay đã quay đầu giảm giá. Cụ thể, giá xăng RON92 chỉ còn 102,48 USD/thùng; xăng RON95 đang là 106,1 USD/thùng. Trong khi trước ngày 1/8 (kỳ điều chỉnh giá gần nhất), giá xăng RON92 tại Singapore là 110,631 USD/thùng; xăng RON95 là 114,456 USD/thùng. Với mức giá xăng thành phẩm tại thị trường Singapore như hiện nay đang thấp hơn giá bán lẻ hiện tại trong nước. Nhận định từ một số DN đầu mối kinh doanh xăng dầu, nếu giá dầu thô tiếp tục xu hướng giảm và căn cứ vào giá thành phẩm tại thị trường nhập khẩu, giá xăng dầu trong nước sẽ tiếp tục giảm trong kỳ điều hành ngày 11/8. Mức giảm sẽ tùy thuộc vào việc cơ quan điều hành trích lập và chi Quỹ Bình ổn giá xăng dầu. Trường hợp cơ quan điều hành ngừng trích lập Quỹ Bình ổn giá, giá các mặt hàng xăng có thể giảm tiếp từ 900 – 1.200 đồng/lít; giá các mặt hàng dầu có thể giảm thêm từ 800 – 1.100 đồng/lít. Nếu cơ quan điều hành tiếp tục duy trì mức trích lập 800 - 950 đồng/lít như các kỳ trước, giá xăng dầu sẽ giảm ít hơn. Với những nhận định trên, giá xăng dầu trong nước sẽ có kỳ giảm giá lần thứ 5 liên tiếp tính từ đầu tháng 7/2022. Từ đầu năm đến nay, cơ quan điều hành đã có 20 kỳ điều hành giá xăng dầu trong nước với 13 kỳ tăng giá và 7 kỳ giảm giá. Đặc biệt, với 4 kỳ điều chỉnh giảm liên tiếp gần đây, giá mỗi lít xăng E5RON92 đã giảm 6.680 đồng/lít RON95-III giảm 7.279 đồng/lít; dầu diesel giảm 6.110 đồng/lít so với đỉnh điểm hồi tháng 6 vừa qua. Trong kỳ điều hành gần nhất vào ngày 1/8, cơ quan điều hành đã giảm giá xăng E5RON92 444 đồng/lít; xăng RON95-III giảm 462 đồng/lít; dầu diesel 0.05S giảm 950 đồng/lít; dầu hỏa giảm 713 đồng/lít; riêng mặt hàng dầu mazut giữ nguyên mức giá so với điều chỉnh ngày 21/7. Thời điểm hiện tại, giá xăng E5RON92 đang là 24.629 đồng/lít; xăng RON95-III là 25.608 đồng/lít. Giá dầu diesel 0.05S tại các cửa hàng là 23.908 đồng/lít; dầu hỏa có giá bán 24.533 đồng/lít và dầu mazut 180CST 3.5S chỉ ở mức 16.548 đồng/lít/kg. Nhờ việc điều chỉnh thuế bảo vệ môi trường và giá dầu thế giới hạ nhiệt, trong hơn 1 tháng qua, giá xăng dầu trong nước đã có sự giảm sâu, kịp thời đáp ứng nhu cầu hoạt động sản xuất kinh doanh và tiêu dùng của doanh nghiệp và người dân sau dịch Covid-19. Xăng dầu trong nước tới đây còn tiếp tục có thêm đa dạng nguồn cung khi từ ngày 8/8, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 51/2022/NĐ-CP sửa đổi mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi (MFN) đối với mặt hàng xăng thuộc nhóm 27.10 tại Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi.

Theo đó, Chính phủ điều chỉnh giảm mức thuế suất thuế nhập khẩu đối với mặt hàng xăng động cơ, không pha chì (thuộc mã HS từ 2710.12.21 đến 2710.12.29) từ 20% xuống 10%. Nghị định có hiệu lực từ ngày 8/8/2022.

Dự báo mưa lớn khu vực tỉnh Thái Nguyên

Theo Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Thái Nguyên:

Hiện nay (10/8), dải hội tụ nhiệt đới có trục đi qua khu vực Bắc Bộ nối với cơn bão số 2. Dự báo: Chiều tối và đêm nay (10/8), các khu vực trong Tỉnh có mưa mưa vừa, mưa to và dông với lượng mưa phổ biến 20-40mm, có nơi trên 70mm. Trong ngày và đêm mai (11/8), có mưa to đến rất to và dông với lượng mưa phổ biến 70-120mm, có nơi trên 150mm.

Cảnh báo:

- Đợt mưa lớn này còn có khả năng kéo dài đến ngày 12/8.

- Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.

- Nguy cơ cao xảy ra lũ, lũ quét, sạt lở đất các khu vực vùng núi và ngập úng các khu vực trũng, thấp.

Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai: Cấp 1.

Bộ Công an đang điều tra vụ rao bán 30 triệu dữ liệu nghi lấy từ nguồn Bộ GD&ĐT

Sáng 10/8, tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đăng đàn trả lời chất vấn.

Một nội dung đáng chú ý, nhiều ĐB đã chất vấn Bộ trưởng Bộ Công an về vấn đề bảo vệ thông tin cá nhân. ĐB Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) chất vấn hiện nay các thông tin cá nhân được rao bán tại các hội nhóm trên mạng xã hội và không khó để truy cập vào các hội, nhóm này. Công an các địa phương đã triệt phá nhiều đường dây mua bán thông tin trên mạng xã hội nhưng vẫn còn nhiều đối tượng đang hoạt động chưa phát hiện, xử lý. “Đề nghị Bộ trưởng cho biết những giải pháp mà Bộ sẽ triển khai trong thời gian tới để phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý hiệu quả, để người dân an tâm thông tin cá nhân của mình sẽ không bị trôi nổi trên các nền tảng mạng xã hội”- ĐB Thủy hỏi. Trả lời, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho rằng vấn đề lộ lọt dữ liệu cá nhân đang “rất đáng báo động”, không chỉ ở nước ta mà trên thế giới cũng vậy. Đề cập đến các giải pháp, theo ông Tô Lâm, Bộ Công an đã triển khai nhiều giải pháp. Thứ nhất là hoàn thiện hành lang pháp lý. Bộ Công an đã trình Chính phủ ban hành Nghị định về bảo vệ dữ liệu cá nhân. “10 lần trình rồi, hiện đang vào giai đoạn chót. Chính phủ sẽ sớm ban hành nghị định này để có căn cứ pháp lý tiến hành các biện pháp để bảo vệ dữ liệu cá nhân”- ông Tô Lâm nói. Lộ trình tiếp theo, Bộ Công an dự kiến năm 2024 sẽ nghiên cứu, tham mưu Chính phủ trình Quốc hội xem xét ban hành Luật bảo vệ dữ liệu cá nhân. Ngoài ra, Bộ trưởng cũng lưu ý việc tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân trong bảo vệ dữ liệu cá nhân, nhất là khi tham gia vào môi trường mạng. Giải pháp khác, Đại tướng Tô Lâm nhấn mạnh việc xử lý nghiêm các trường hợp làm lộ lọt, giao bán dữ liệu cá nhân theo quy định của pháp luật. “Chúng tôi đang điều tra đối tượng rao bán 30 triệu dữ liệu được cho là lấy từ nguồn Bộ GD&ĐT”- Bộ trưởng Công an nói và cho biết một số cơ sở dữ liệu của các ngành khác như Y tế cũng có nguy cơ bị lộ lọt, sẽ được tập trung để xử lý. Theo ông Tô Lâm, Bộ Công an xác định cơ sở dữ liệu cá nhân trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là tài nguyên của quốc gia, được bảo đảm an ninh an toàn về mức độ 4. Quy trình thu thập, cập nhật, bổ sung thông tin… được thực hiện nghiêm ngặt.

“Chúng tôi coi đây là mệnh lệnh trong lực lượng vũ trang để quản lý”- ông Tô Lâm nhấn mạnh. Ngoài ra, ngành cũng thường xuyên thực hiện kỹ thuật chuyên biệt 24/24 với hệ thống ngăn chặn việc tấn công xâm nhập lấy cắp dữ liệu. Ông Tô Lâm cho hay hàng ngày Bộ phải đối phó hàng nghìn cuộc tấn công vào cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. “Nếu không hệ thống bảo đảm an toàn thì nguy cơ này rất lớn”- ông Tô Lâm nói và cho biết thêm nhiều cuộc tấn công xuất phát từ nước ngoài.