Các khu vực có mưa dông, đề phòng khả năng xảy ra lốc, sét, gió giật mạnh

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, chiều tối và đêm 4/9, các khu vực có mưa, dông, đề phòng khả năng xảy ra lốc, sét, gió giật mạnh. Trên biển, khu vực Nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa), khu vực từ Bình Thuận đến Cà Mau, từ Cà Mau đến Kiên Giang và Vịnh Thái Lan đang có mưa rào, dông mạnh. Dự báo, từ đêm 4 - 5//9, khu vực Nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa), khu vực từ Bình Thuận đến Cà Mau, từ Cà Mau đến Kiên Giang và Vịnh Thái Lan có mưa rào, dông mạnh, trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc xoáy, gió giật mạnh cấp 7. Khu vực Nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa) và khu vực từ Bình Thuận đến Cà Mau, gió tây nam mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7; sóng biển cao từ 2 - 3m; biển động. Chiều tối và đêm 4/9, phía Tây Bắc Bộ đêm có mưa rào, dông vài nơi, trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, gió giật mạnh. Gió nhẹ. Nhiệt độ thấp nhất 24 - 27 độ C, có nơi dưới 23 độ C. Phía Đông Bắc Bộ đêm có mưa rào, dông vài nơi, trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, gió giật mạnh. Gió nhẹ. Nhiệt độ thấp nhất 25 - 28 độ C, vùng núi có nơi dưới 24 độ C. Thủ đô Hà Nội đêm có mưa rào vài nơi, gió nhẹ. Nhiệt độ thấp nhất 26 - 28 độ C. Các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên - Huế đêm có mưa rào và dông rải rác, trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, gió giật mạnh. Gió nhẹ. Nhiệt độ thấp nhất 25 - 28 độ C. Các tỉnh, thành phố từ Đà Nẵng - Bình Thuận đêm có mưa rào, dông vài nơi, trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, gió giật mạnh. Gió Tây Nam cấp 2 - 3. Nhiệt độ thấp nhất 25 - 28 độ C. Khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa rào, dông vài nơi, trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, gió giật mạnh. Gió Tây Nam cấp 2 - 3. Nhiệt độ thấp nhất tại Tây Nguyên 20 - 23 độ C. Nhiệt độ thấp nhất tại Nam Bộ 23 - 26 độ C. Trước những hình thái thời tiết nguy hiểm trên, Trưởng Phòng Dự báo khí hậu, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia Nguyễn Văn Hưởng cảnh báo, hiện tượng dông, lốc, sét, gió giật mạnh tiềm ẩn mạnh nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng, tài sản của người dân. Lốc xoáy thường xảy ra cùng với những cơn dông mạnh. Khi có các thông tin cảnh báo mưa dông, người dân cần tránh trú ở những nơi an toàn tại các công trình xây dựng kiên cố. Người dân lưu ý theo dõi chặt chẽ cảnh báo trên các phương tiện truyền thông để có biện pháp đề phòng thiệt hại do dông, lốc gây ra. Theo hướng dẫn của Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai, trước tình hình gió mạnh, sóng lớn và mưa dông trên các vùng biển phía Nam, các cơ quan chức năng cần thông báo cho các phương tiện, tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết diễn biến trên để chủ động phòng tránh, bảo đảm an toàn và có kế hoạch sản xuất phù hợp; duy trì thông tin liên lạc, sẵn sàng lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn khi có tình huống phức tạp.

Sợ trách nhiệm, hệ luỵ và kẽ hở

Gần đây, việc thiếu vật tư y tế và vật liệu thi công dự án cao tốc Bắc - Nam đang được dư luận quan tâm chú ý. Trong khi hệ thống y tế đóng vai trò trụ cột quan trọng về an sinh xã hội, cao tốc Bắc – Nam được ví như “xương sống” mới của đất nước, cho nên, một khi gặp khó khăn thì hệ quả sẽ rất nghiêm trọng. Theo Bộ Y tế, báo cáo từ các địa phương, đơn vị cho hay có 28/34 sở y tế và 12/21 bệnh viện tuyến trung ương báo cáo có tình trạng thiếu thuốc. Các loại thuốc thiếu gồm thuốc kháng sinh dự trữ dùng để điều trị bệnh nhân nặng, thuốc gây nghiện, thuốc hướng tâm thần, một số thuốc tim mạch, điều trị tăng huyết áp, thuốc điều trị sốt xuất huyết, thuốc nhãn khoa, vị thuốc cổ truyền. Bên cạnh đó còn có 26/34 sở y tế và 15/21 bệnh viện tuyến trung ương báo cáo có tình trạng thiếu vật tư tiêu hao, hóa chất. 14/34 sở y tế và 8/21 bệnh viện tuyến trung ương báo cáo có tình trạng thiếu trang thiết bị y tế. Hệ thống y tế đóng vai trò là một trụ cột quan trọng về an sinh xã hội, một khi gặp khó khăn thì hệ quả rất nghiêm trọng. Trong đó, bệnh nhân, đặc biệt là những bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn, là đối tượng chịu tác động nặng nề nhất. Chủ trì cuộc họp của Thường trực Chính phủ với các bộ, ngành về các giải pháp bảo đảm cung ứng thuốc, vật tư y tế và bảo đảm nguồn nhân lực cho ngành y tế mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế là vấn đề nghiêm trọng, đang diễn ra tại nhiều nơi, khiến người dân lo lắng. Cao tốc Bắc – Nam được ví như “xương sống” mới của đất nước, kết nối thủ đô Hà Nội và trung tâm kinh tế TP Hồ Chí Minh, mở ra cơ hội phát triển 4 vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, miền Trung, phía Nam và vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Nhiều chuyên gia chỉ rõ một trong những nguyên nhân khiến Việt Nam không được đánh giá cao về khả năng cạnh tranh là sự yếu kém về cơ sở hạ tầng kéo theo sự gia tăng về chi phí logistics. Chính vì thế, giao thông đường bộ là một đột phá quan trọng cần được ưu tiên hàng đầu để nâng cao năng lực cạnh tranh và Dự án Cao tốc Bắc – Nam được kỳ vọng sẽ góp phần thực hiện mục tiêu đó. Tuy nhiên, theo báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải, tính đến cuối tháng 7/2022, trong tổng số 10 dự án thành phần đang thi công, có tới 5 dự án chậm tiến độ từ 1,7% đến gần 5%. Về nguyên nhân, đối với vấn đề thiếu thuốc và vật tư y tế, Bộ Y tế cho rằng tình trạng này xuất phát từ tâm lý lo ngại, sợ sai, sợ thanh tra, kiểm tra. Cho nên, một số địa phương, đơn vị không dám làm, không dám đấu thầu, mua sắm, mặc dù Bộ Y tế và UBND các tỉnh, thành phố đã thực hiện việc phân cấp thẩm quyền mua sắm, giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các đơn vị. Dẫu vậy, bữa tiệc linh đình nhằm chia tay nghỉ hưu đối với ông N.V.C, nguyên Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Quảng Ninh lại khiến người ra đặt câu hỏi lớn. Bởi bữa tiệc này được một công ty có tỷ lệ trúng thầu thiết bị, vật tư y tế cao ngất ngưởng đứng ra tổ chức còn dư luận vốn tin rằng “không có bữa tiệc nào là miễn phí”. Trong khi đó, một trong những nguyên nhân chính khiến các dự án thành phần Cao tốc Bắc - Nam bị chậm tiến độ là do biến động giá vật liệu xây dựng. Nói cách khác là việc nhà thầu đang phải đối diện với tình trạng khó khăn về nguồn cung đất đắp mà đằng sau nó là do tư vấn khảo sát và đưa vào hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng rất nhiều mỏ chưa có giấy phép khai thác; thủ tục để xin cấp phép khai thác mỏ vật liệu kéo dài… đã đẩy giá vật liệu tại chân công trường lên rất cao. Đại diện Hiệp hội các nhà thầu thi công Cao tốc Bắc - Nam lo ngại: Sắp tới, nếu không có giải pháp kịp thời của các cấp có thẩm quyền, nguy cơ vỡ tiến độ tại các dự án thành phần Cao tốc Bắc - Nam là hiện hữu. Để giải quyết tình trạng thiếu nguồn cung đất đắp, cát san nền, chính phủ đã ban hành 02 Nghị quyết về cơ chế đặc thù trong cấp phép mỏ vật liệu xây dựng cho Cao tốc Bắc – Nam, tuy nhiên, một số địa phương vẫn cho rằng họ đang giải quyết việc cấp phép mỏ vật liệu đúng thẩm quyền, đúng quy định và đúng quy trình. Dẫu vậy, không thể phủ nhận thực tế rằng mỏ vật liệu là tài sản quốc gia, nhưng lâu nay được các địa phương bán, đấu giá hoặc giao cho tư nhân khai thác. Việc giá vật liệu thực tế cao hơn nhiều so với giá bỏ thầu khiến nhà thầu hoàn toàn bị động, méo mặt “bù lỗ”, dự án Cao tốc Bắc – Nam đối mặt nguy cơ vỡ tiến độ, còn các chủ mỏ lại thu lời lớn. Trong khi đó, nếu giao mỏ vật liệu cho chủ đầu tư, nhà thầu quản lý, tiến độ dự án sẽ được bảo đảm, chi phí cũng giảm đáng kể so với việc bán đấu giá… Rõ ràng, cả trong vấn đề thiếu thuốc, vật tư y tế và thiếu đất đắp, cát san nền cho Cao tốc Bắc – Nam, tình trạng sợ trách nhiệm, giữ an toàn cho bản thân đang gây ra nhiều hệ lụy. Nhưng xem ra không chỉ có vậy, trong công tác đấu thầu vẫn còn những “khoảng trống”, “kẽ hở” và “bất cập”, cần phải “bịt kín” để tham nhũng, tiêu cực không có đất “nảy nở”, “sinh sôi”.

Đồng Nai: Giăng lưới bắt cá trên hồ Trị An, một người đuối nước tử vong

Chiều 4/9, Công an huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai cho biết đơn vị đã bàn giao thi thể nạn nhân tử vong trong khi giăng lưới bắt cá trên hồ Trị An cho gia đình về lo hậu sự. Nạn nhân là anh T.Đ.C (sinh năm 1988, ngụ xã Cẩm Bình, huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa, phụ xe cho Công ty cổ phần vận tải Ba Son, Thành phố Hồ Chí Minh). Trước đó, ngày 3/9, anh T.Đ.C cùng 5 người bạn đến nhà người quen gần khu vực lòng hồ Trị An, thuộc ấp 94, xã Túc Trưng chơi. Đến khoảng 16 giờ 30 phút cùng ngày, anh T.Đ.C cùng 2 người bạn lấy ghe của người quen ra lòng hồ Trị An giăng lưới cá. Trong quá trình giăng lưới, anh T.Đ.C nhảy xuống hồ, hai người đi cùng chèo ghe thả lưới. Khi nhìn lại không thấy anh T.Đ.C đâu, hai người bạn liền tri hô người dân gần đó ra ứng cứu. Nhận được tin báo, lực lượng tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ Công an huyện Định Quán đã có mặt, triển khai các biện pháp tìm kiếm. Tuy nhiên, do trời tối, thời tiết xấu, cuộc tìm kiếm gặp rất nhiều khó khăn. Lực lượng chức năng còn huy động nhiều ngư dân đánh bắt thủy sản thuộc 2 xã Túc Trưng và Phú Cường xuyên đêm tìm kiếm anh T.Đ.C. Đến 23 giờ 30 phút ngày 3/9, lực lượng chức năng và ngư dân mới phát hiện thi thể anh T.Đ.C.

5 ô tô đâm liên hoàn, cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ ùn tắc kéo dài

Do 5 ô tô va chạm liên hoàn trên tuyến Pháp Vân - Cầu Giẽ nên lực lượng CSGT tạm thời cấm xe đi vào cao tốc này từ phía Hà Nam hướng về Hà Nội để tránh ùn tắc kéo dài. Chiều 4/9, trao đổi với báo chí, đại diện Chi cục Quản lý Đường bộ I.6 (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) cho biết, Thanh tra của đơn vị đang kết hợp với lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT) phân luồng sau sự cố 5 ô tô va chạm trên cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ - Ninh Bình. Theo đó, vào khoảng 14 giờ 45 phút, 5 chiếc ô tô gồm 2 xe ô tô khách (BKS 17B-019.35; 35F-002.96) và 3 xe ô tô con (BKS 30G-026.56; 30F-729.24; 30F-340.69) di chuyển trên cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ - Ninh Bình hướng Ninh Bình - Hà Nội, khi tới Km220+400, thuộc địa phận xã Tiên Nội, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam đã bất ngờ xảy ra va chạm. Vụ việc không gây thiệt hại về người nhưng khiến 5 phương tiện hư hỏng. Giao thông qua khu vực gặp nhiều khó khăn, hàng dài các phương tiện nối đuôi nhau nhích từng chút một trên tuyến cao tốc cho phép chạy 100km/h này. Ngay sau va chạm, lực lượng chức năng phụ trách tuyến đã có mặt để bảo vệ hiện trường, phân luồng từ nút giao Liêm Tuyền đi quốc lộ 1 về Hà Nội; tạm thời cấm xe đi vào cao tốc này từ phía Hà Nam để tránh lượng phương tiện lớn đổ về gây ùn tắc kéo dài. Tính đến 16 giờ 50 phút cùng ngày, hiện trường vụ tai nạn đang được khẩn trương khắc phục, các phương tiện bắt đầu di chuyển chậm qua đây, nguyên nhân vụ tai nạn đang được điều tra làm rõ.

Cháy xe ô tô liên hoàn giữa trung tâm thành phố Đà Nẵng

Trưa 4/9, trên Đường 2 Tháng 9 (phường Hòa Cường Bắc, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng), ô tô 16 chỗ biển số tỉnh Quảng Nam đang đỗ trong bãi xe nhà hàng tiệc cưới thì bất ngờ bốc cháy phía trước ca-bin; sau đó cháy liên hoàn sang xe kề bên. Theo người dân có mặt tại hiện trường, sau khi phát hiện sự việc, tài xế cùng một số người dân dùng bình chữa cháy dập lửa nhưng bất thành. Do gặp gió lớn và nắng nóng nên ngọn lửa nhanh chóng cháy lan sang ô tô 16 chỗ khác đang đỗ bên cạnh. Nhận tin báo, 2 xe chữa cháy và hàng chục cán bộ, chiến sĩ Công an phòng cháy, chữa cháy được huy động đến hiện trường, khống chế đám cháy sau hơn 30 phút. Ghi nhận tại hiện trường, hai ô tô 16 chỗ bị lửa thiêu rụi trơ khung sắt; một ô tô 5 chỗ đỗ gần đó bị cháy sém.

Quảng Ninh: Khai trừ ba đảng viên vi phạm ra khỏi Đảng

Ngày 4/9, thông tin từ thành phố Cẩm Phả (Quảng Ninh) cho biết, ngày 29/8, Ban Thường vụ Thành ủy Cẩm Phả đã quyết định thi hành kỷ luật đối với ba đảng viên vi phạm pháp luật. Cụ thể gồm: ông Lương Ngọc Thế, Ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ phường Cẩm Thủy khóa XII, nhiệm kỳ 2020 - 2025, Phó Chủ tịch UBND phường Cẩm Thủy nhiệm kỳ 2021 - 2026 bị kỷ luật bằng hình thức khai trừ ra khỏi Đảng do bị Tòa án nhân dân thành phố Cẩm Phả xử phạt 6 tháng tù cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 12 tháng về tội đánh bạc. Các ông: Khổng Văn Thiện, Ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ xã Cẩm Hải khóa XI nhiệm kỳ 2020 - 2025, Chủ tịch Hội Nông dân xã Cẩm Hải; Phó Chủ tịch xã Cẩm Hải nhiệm kỳ 2016 - 2021; ông Khổng Xuân Hậu, Ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ xã Cẩm Hải khóa XI nhiệm kỳ 2020 - 2025, Bí thư Đoàn thanh niên xã Cẩm Hải, cán bộ địa chính xã Cẩm Hải giai đoạn 2014 - 2016 bị kỷ luật bằng hình thức khai trừ ra khỏi Đảng do bị Cơ quan Cảnh sát Điều tra - Công an Thành phố Cẩm Phả khởi tố bị can, bắt tạm giam về tội "Vi phạm quy định về bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi nhà nước thu hồi đất", quy định tại khoản 3, Điều 230 Bộ Luật Hình sự.

Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản chuẩn bị ứng phó với siêu bão Hinnamnor

Giới chức tỉnh Chiết Giang, miền Đông Trung Quốc, đã phát đi các cảnh báo bão Hinnamnor, yêu cầu các tàu đánh cá trở về cảng và sơ tán người dân ở những khu vực có thể gặp nguy hiểm. Từ ngày 3/9, Cơ quan Phòng chống bão lũ tỉnh Chiết Giang đã nâng mức phản ứng khẩn cấp với bão lên cấp độ II, cao thứ 2 trong thang cảnh báo. Theo Sở Nông nghiệp và Nông thôn Chiết Giang, mọi tàu đánh cá trong tỉnh (hơn 11.600 chiếc) đều phải trở về cảng trong chiều 4/9 và trên 1.600 ngư dân cũng đã được yêu cầu về bờ. Trong khi đó, trên 2.300 người được sơ tán tới 170 địa điểm tạm trú an toàn trong tỉnh. Tính đến 14h ngày 4/9, bão Hinnamnor được xác định đang ở vị trí cách đảo Chu Sơn, tỉnh Chiết Giang, 395 km về phía Đông Nam. Dự báo, bão sẽ tiếp tục di chuyển về phía Tây Bắc với tốc độ 15 km/h. Theo Cơ quan Khí tượng tỉnh Chiết Giang, dù nguy cơ bão gây sạt lở đất hầu như không có, nhưng cần đề phòng gió giật và mưa lớn gây ra những thảm họa thứ phát. Từ ngày 3/9, mưa lớn đã đổ xuống nhiều vùng ở tỉnh Chiết Giang, trong đó có các thành phố như Ninh Ba, Thiệu Hưng và Gia Hưng. Trong khi đó, Cơ quan Khí tượng Hàn Quốc (KMA) cũng dự báo bão Hinnamnor sẽ đổ bộ vùng biển ngoài khơi đảo Jeju trong tuần tới, gây mưa lớn trên cả nước và gió mạnh ở những vùng thấp. Đây là cơn bão số 11 ảnh hưởng đến nước này trong năm nay. Bão ở cấp độ "siêu mạnh" sẽ quét qua vùng biển cách Đài Bắc của Đài Loan (Trung Quốc) khoảng 480 km về phía Đông Bắc vào sáng sớm 5/9 trước khi suy yếu thành bão cấp độ "rất mạnh" khi di chuyển tới vùng biển cách đảo Jeju của Hàn Quốc 340 km về phía Nam - Tây Nam vào chiều cùng ngày. Hàn Quốc phân loại bão gồm 4 cấp độ: trung bình, mạnh, rất mạnh và siêu mạnh. Theo KMA, sau khi quét qua Jeju, sáng 6/9, bão Hinnamnor có thể sẽ gây lở đất phía Tây- Tây Bắc của thành phố cảng Busan, miền Nam Hàn Quốc. Dù được dự báo sẽ hạ xuống cấp độ "mạnh" nhưng Hinnamnor vẫn là cơn bão mạnh nhất có thể gây lở đất tại Hàn Quốc. Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol đã tổ chức cuộc họp tại trung tâm ứng phó khủng hoảng thuộc Văn phòng Tổng thống để kiểm tra hệ thống ứng phó, chỉ đạo các bộ/ngành hữu quan triển khai các biện pháp ưu tiên phòng chống bão. Các cảnh báo thời tiết sơ bộ đã được ban bố tại các thành phố ở miền Nam gồm Gwangju, Busan, Daegu và Ulsan cũng như các tỉnh lân cận. Từ chiều 4/9, Trung tâm Ứng phó thảm họa và đảm bảo an toàn đã nâng cấp độ phản ứng khẩn cấp lên mức 3, mức cao nhất, lần đầu tiên được kích hoạt cho hoạt động ứng phó bão trong vòng 5 năm qua. Chính phủ cũng khuyến nghị các trường học cho học sinh nghỉ hoặc chuyển sang học trực tuyến, các công ty tư nhân điều chỉnh giờ làm trong sáng 6/9 khi bão có thể gây sạt lở đất. Nhiều vùng ở Hàn Quốc đã bắt đầu có mưa trong ngày 4/9 khi bão tiến đến. Lượng mưa cộng dồn đo được tại một số vùng trên đảo Jeju từ ngày 2 - 4/9 đã vượt 300 mm. Hiện chưa ghi nhận thiệt hại gì về người và tài sản do ảnh hưởng của bão. KMA dự báo bão có thể gây mưa lớn với lượng mưa có thể lên đến từ 100 - 300mm trong các ngày từ 4 - 6/9, trong đó các vùng núi ở đảo Jeju có thể sẽ ghi nhận lượng mưa hơn 600 mm. Giới chức Hàn Quốc đã yêu cầu đóng các tuyến đường tham quan các công viên quốc gia trên cả nước từ chiều 4/9, tạm hoãn vận hành 52 phà chạy trên 37 tuyến trong khi chính quyền đảo Jeju, tỉnh Nam Jeolla và một số vùng lân cận đã yêu cầu khoảng 33.000 tàu thuyền tìm nơi trú ẩn an toàn. Tổng cộng 198 người ở các vùng nguy hiểm tại Busan đã được sơ tán tới nơi an toàn, 12 chuyến bay đã bị hoãn. Hàn Quốc nâng cảnh báo bão từ mức "xanh" lên "vàng" từ ngày 3/9. Cùng ngày 4/9, Cơ quan Khí tượng Nhật Bản (JMA) dự báo bão Hinnamnor có thể sẽ đổ bộ đảo chính Kyushu ở miền Tây Nam nước này trong ngày 6/9, đồng thời cảnh báo nguy cơ sóng cao, gió giật mạnh và lở bùn. Đây cũng là cơn bão số 11 đổ bộ Nhật Bản trong năm nay. Ngày 3/9, Nhật Bản đã khuyến cáo sơ tán 109.500 người dân tại các vùng Ishigaki, Miyako và các vùng khác ở Okinawa. Một số vùng tại tỉnh này đã xuất hiện gió mạnh 72 km/h và mưa 64 mm/h. JMA khuyến cáo người dân ở các vùng phía Tây và Đông Nhật Bản cảnh giác mưa lớn và lở bùn, ngập lụt. Theo cơ quan này, dự báo trong 24 giờ tính đến trưa 5/9, mưa lớn có thể xảy ra ở nhiều nơi như Okinawa, đảo Kyushu và quần đảo Amami, với lượng mưa lên tới 180 mm/h.

Pháp chặn hàng trăm người vượt Eo biển Manche sang Anh

Cơ quan chức năng Pháp đã tiến hành nhiều đợt ngăn chặn người di cư trái phép trên Eo biển Manche giữa Pháp và Anh. Toàn bộ số người di cư này đã được đưa trở lại Pháp sau đó. Premar - cơ quan an ninh bờ biển Pháp - cho biết sáng sớm 3/9, tàu hải quân tuần tra của Pháp đã chặn 60 người lênh đênh trên biển và tiếp tục thêm 50 người khác sau đó. Cùng ngày, lực lượng hiến binh bán quân sự của Pháp đã tiến hành 2 đợt tương tự với tổng số người di cư là 76 người. Như vậy trong 24 giờ, cơ quan chức năng Pháp đã chặn gần 190 người di cư trái phép trên Eo biển Manche. Eo biển Manche là một trong những tuyến đường vận tải đông đúc nhất thế giới và hoạt động vượt biên qua đường biển này rất nguy hiểm. Tuy nhiên, người di cư trái phép bất chấp nguy hiểm khi sử dụng thuyền thô sơ để vượt biển, trong bối cảnh giới chức Pháp tăng cường an ninh tại cảng Calais và đường hầm xuyên Eo biển Manche. Bộ Nội vụ Pháp ước tính trong 6 tháng đầu năm nay, có khoảng 20.000 người đã cố gắng vượt biển, tăng 68% so với cùng kỳ năm ngoái. Chính phủ Anh đã công bố số liệu tương tự vào tháng trước và đến cuối tháng 8 thông báo kỷ lục trong 1 ngày ghi nhận 1.295 người di cư tìm cách vượt biển từ Pháp sang Anh.

Trung Quốc cấp phép sử dụng khẩn cấp vaccine phòng COVID-19 dạng xông hơi

Ngày 4/9, Công ty dược phẩm sinh học CanSino (Trung Quốc) thông báo vaccine phòng COVID-19 dạng xông hơi - sử dụng đường mũi và họng - của hãng đã được cơ quan quản lý nước này cấp phép sử dụng khẩn cấp. Theo đó, loại vaccine sử dụng công nghệ vector virus của CanSino đã được Cơ quan Quản lý các sản phẩm y tế quốc gia Trung Quốc cấp phép sử dụng cho các liều tăng cường. Thông báo từ CanSino nêu rõ quyết định trên sẽ có tác động tích cực tới kết quả kinh doanh của công ty nếu vaccine được các cơ quan chính phủ đặt mua và sử dụng. Tuy nhiên, CanSino cũng lo ngại sẽ chịu sự cạnh tranh mạnh mẽ từ các vaccine khác đã được cấp phép hoặc đang trong giai đoạn thử nghiệm. Trước đó, ngày 2/9, tập đoàn dược phẩm Livzon cũng cho biết cơ quan quản lý Trung Quốc đã cấp phép sử dụng vaccine phòng COVID-19 của tập đoàn này để tiêm mũi bổ sung. Đây là 2 loại vaccine phòng COVID-19 mới nhất được Trung Quốc cấp phép trong hơn 1 năm qua. CanSino cũng cho biết không chắc chắn liệu khi nào vaccine của hãng sẽ được đưa ra thị trường vì vẫn cần thêm giấy phép từ cơ quan quản lý trong khi doanh số bán hàng cũng phụ thuộc vào tình hình dịch bệnh trong và ngoài nước cũng như tỷ lệ tiêm phòng trong nước. Gần đây, Trung Quốc liên tục phát hiện các ổ dịch mới. Thành phố Thâm Quyến, trung tâm công nghệ phía Nam nước này, đã triển khai biện pháp phong tỏa ở hầu hết các khu vực nội đô trong dịp cuối tuần này. Trong khi đó, ngày 1/9, đại đô thị Thành Đô cũng triển khai biện pháp tương tự, với 21 triệu người chịu ảnh hưởng. Ngày 3/9, Trung Quốc đại lục ghi nhận 1.848 ca mắc mới, trong đó có cả những ca không triệu chứng, giảm nhẹ so với mức 1.988 ca ghi nhận 1 ngày trước đó.