Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo thăm và làm việc tại Thái Nguyên
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ phát biểu tại buổi làm việc.

Thái Nguyên hiện có gần 700 cơ sở giáo dục với trên 323.000 học sinh, toàn ngành có hơn 21.500 biên chế, với trên 82% cán bộ quản lý, giáo viên có trình độ đào tạo đạt chuẩn. Để triển khai thực hiện việc dạy và học trong thời gian học sinh tạm dừng đến trường để phòng, chống dịch COVID-19 theo chỉ đạo của tỉnh, ngành giáo dục đã phân công giáo viên hướng dẫn học sinh tự học, lựa chọn công cụ dạy học phù hợp với nhu cầu và điều kiện thực tế của từng nhà trường, nội dung học tập trung vào triển khai kiến thức mới theo tiến độ chương trình. Việc dạy và học trực tuyến được triển khai liên tục, để đảm bảo công tác phòng chống dịch, cụ thể đã có trên 82% học sinh được tiếp cận tham gia học trực tuyến với hơn 84 nghìn tiết học.

Đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thái Nguyên đã thông tin nhanh về công tác phòng, chống dịch của tỉnh Thái Nguyên, trên quan điểm kiên trì thực hiện mục tiêu kép, vừa phòng, chống dịch, vừa đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội. Trải qua 3 đợt dịch, Thái Nguyên đã không ghi nhận trường hợp lây nhiễm trong cộng đồng. Bên cạnh những kết quả về phát triển kinh tế, đồng chí nhấn mạnh Thái Nguyên đặc biệt quan tâm tới phát triển giáo dục đào tạo, coi đây là vấn đề then chốt của phát triển bền vững. Tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo ngành thực hiện nghiêm các quy định về phòng dịch khi học sinh quay trở lại trường.

Đồng chí Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đánh giá cao sự phát triển của tỉnh Thái Nguyên, đặc biệt là mạng lưới trường học ngày càng khang trang, chất lượng giáo dục không ngừng được nâng lên. Biểu dương sự chủ động, sáng tạo và triển khai hiệu quả của tỉnh Thái Nguyên trong việc triển khai dạy và học trực tuyến, đồng chí cũng mong muốn các phương pháp dạy học trực tuyến hiệu quả sẽ tiếp tục được sử dụng như một phương pháp bổ trợ tích cực cho dạy học truyền thống. Với việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới lớp 1, ngành giáo dục tỉnh sẽ sớm rà soát, đánh giá sau 1 năm thực hiện để có những tham mưu, đề xuất cụ thể với Bộ, đồng thời sẵn sàng nhân lực, kế hoạch để tiếp tục tham gia góp ý vào chương trình sách giáo khoa mới đảm bảo chất lượng và hiệu quả./.