Thái Nguyên: Nỗ lực đẩy lùi bệnh Lao
Bệnh nhân điều trị lao tại bệnh viện Phổi Thái Nguyên.

Cách đây không lâu ông Hà Công Luận, xã Mỹ Yên, huyện Đại Từ có triệu chứng: ho kéo dài, đau ngực, khó thở, gầy sút cân. Được cán bộ y tế xã tuyên truyền, ông Luận nhận biết được đó là biểu hiện của bệnh lao, nên đã đến Bệnh viện Bệnh phổi Thái Nguyên để khám và chữa trị. Sau thời gian điều trị tại viện, sức khỏe của ông đã dần ổn định.

Ông Hà Công Luận, xã Mỹ Yên, huyện Đại Từ cho biết: "Từ khi điều trị đến nay sức khỏe của tôi khá lên nhiều. Khi nhập viện cơ thể rất yếu, sau khi được các bác sĩ điều trị kết hợp chế độ ăn uống, nghỉ ngơi sức khỏe đã ổn định".

Bệnh lao vẫn được xem là 1 bệnh mang tính chất xã hội do nguy cơ lây lan và có tỷ lệ tử vong cao. Vì vậy để phòng ngừa lây lan cho những người xung quanh và có thể điều trị hiệu quả, người mắc bệnh lao không nên dấu bệnh khi mắc lao, đồng htời người bệnh cần kiên trì điều trị theo phác đồ để tránh nguy cơ kháng thuốc dẫn đến hậu quả nặng nề.

Bác sĩ CKI Dương Văn Sòi - Bệnh viện Phổi Thái Nguyên cho biết: "Điều trị bệnh lao có nguyên tắc và theo phác đồ điều trị mới nhất thì thời gian tối thiểu là 6 tháng, người bệnh phải dùng thuốc theo cân nặng và đúng liều".

Thái Nguyên: Nỗ lực đẩy lùi bệnh Lao
Bệnh nhân phải tuân thủ đúng phác đồ điều trị.

Mỗi năm toàn tỉnh thu nhận trên 500 bệnh nhân lao các thể tỷ lệ bệnh nhân lao tái phát thất bại và đặc biệt là lao kháng thuốc ngày càng tăng. Theo thống kê từ đầu năm đến nay toàn tỉnh đã điều trị cho trên 150 bệnh nhân lao trong đó có gần 10 bệnh nhân mắc lao kháng thuốc, điều nguy hiểm là khi mắc lao kháng thuốc bản thân người bệnh trở thành nguồn lây lan vi khuẩn lao kháng thuốc cho cộng đồng.

Bác sĩ CK II Ngô Thị Thu Tiền - Phó Giám đốc Bệnh viện Phổi Thái Nguyên cho biết: "Để phòng tránh mắc lao cũng như lao kháng thuốc thì mỗi bệnh nhân cần phải tuân thủ nghiêm ngặt chế độ điều trị người bệnh, phải có ý thức phòng tránh lây truyền ra xung là khi mà ho hoặc hắt hơi phải che miệng, đặc biệt khi tiếp xúc với người khác người bệnh cần phải đeo khẩu trang để tránh tán ra vi khuẩn lao ra môi trường xung quanh.

Bệnh lao là bệnh có thể phòng tránh, chữa khỏi nếu được phát hiện sớm và điều trị đúng thuốc, đúng phương pháp. Do vậy để góp phần thực hiện mục tiêu Chương trình phòng, chống lao Quốc gia, nỗ lực chấm dứt bệnh lao vào năm 2030, ngoài sự nỗ lực của các cấp, ngành, đoàn thể thì mỗi người dân cũng cần trang bị những kiến thức cho bản thân, chủ động hơn trong việc phát hiện, phòng chống bệnh lao, cùng chung tay đẩy lùi nguồn lây mới trong cộng đồng./.