Thái Nguyên đẩy mạnh thực hiện chuỗi liên kết để ngành chăn nuôi phát triển bền vững
Tham gia chuỗi liên kết, người chăn nuôi được cung cấp con giống, thức ăn, được hướng dẫn cách chăm sóc, phòng dịch bệnh cho đàn vật nuôi và bao tiêu sản phẩm.

Chăn nuôi theo chuỗi liên kết, gia đình ông Tạ Đức Tình được công ty cung cấp con giống, thức ăn và hướng dẫn cách chăm sóc, phòng dịch bệnh cho đàn vật nuôi và bao tiêu sản phẩm. Điều gia đình yên tâm nhất chính là hạn chế được rủi ro trong chăn nuôi, không lo về đầu ra, chất lượng giống cũng như dịch bệnh. Hơn 2 năm nay, bình quân mỗi năm, gia đình ông xuất bán trên 1.000 con lợn thịt, lợn nái sinh sản.

Ông Tạ Đức Tình, xã Đông Cao, thị xã Phổ Yên cho biết: “Theo hướng chăn nuôi như thế này an toàn và sự bền vững được nâng cao hơn”.

Thái Nguyên đẩy mạnh thực hiện chuỗi liên kết để ngành chăn nuôi phát triển bền vững
Người chăn nuôi thay đổi nhận thức để tạo ra sản phẩm đạt chất lượng, đáp ứng nhu cầu thị trường.

Với hình thức này, người chăn nuôi xây dựng chuồng trại, hệ thống xử lý chất thải và sử dụng thức ăn chăn nuôi theo yêu cầu của doanh nghiệp. Qua đó, người nông dân đã thay đổi nhận thức chăn nuôi theo hướng an toàn, tạo ra sản phẩm đạt chất lượng, đáp ứng nhu cầu thị trường.

Ông Hoàng Văn Phúc, xã Đông Cao, thị xã Phổ Yên chia sẻ suy nghĩ: “Người nông dân dù sao kiến thức cũng ít. Nên công ty cử cán bộ kỹ thuật xuống tham vấn, hướng dẫn mình nắm bắt được chắc hơn. Về đầu ra của sản phẩm gia đình rất yên tâm, đảm bảo an toàn thực phẩm”.

Hiện Phổ Yên là địa phương có số lượng trang trại chăn nuôi theo chuỗi liên kết nhiều nhất trên địa bàn tỉnh với gần 100 trang trại. Những năm qua, thị xã đã chỉ đạo các địa phương kết nối với đơn vị, doanh nghiệp liên kết với các hộ chăn nuôi, nhằm ổn định đầu ra và nâng cao chất lượng sản phẩm. Tuy nhiên, so với những lợi thế và tiềm năng của địa phương về chăn nuôi, số lượng trang trại này vẫn còn hạn chế. Ông Dương Văn Hiến, Trưởng phòng kinh tế, thị xã Phổ Yên nói về hướng đi tiếp theo trong thời gian tới: “Chúng tôi sẽ tiếp tục tuyên truyền, quảng bá và tạo mọi điều kiện cho các doanh nghiệp ký kết với các hộ chăn nuôi để đầu tư đảm bảo có sản phẩm chất lượng tốt hơn, phát triển bền vững hơn. Và cùng với đó, các doanh nghiệp đầu tư hỗ trợ liên kết nên đầu tư hỗ trợ sâu hơn”.

Còn tại huyện Phú Bình, địa phương có số lượng trang trại chăn nuôi lớn nhất trong tỉnh với trên 200 trang trại nhưng đến nay, chỉ có duy nhất một hợp tác xã chăn nuôi theo chuỗi liên kết. Các chuỗi liên kết này lại chưa đồng bộ, khép kín từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, mới chủ yếu liên kết một số khâu trong quá trình sản xuất.

Ông Nguyễn Văn Hòa, Trưởng phòng Nông nghiệp, huyện Phú Bình chia sẻ về khó khăn của quá trình thực hiện: “Khó là đầu ra của sản phẩm. Ví dụ như gia cầm là gà, khi xuất chủ yếu chỉ bán buôn là chính”.

Thái Nguyên đẩy mạnh thực hiện chuỗi liên kết để ngành chăn nuôi phát triển bền vững
Do còn nhiều khó khăn, hạn chế nên huyện Phú Bình mới chỉ có duy nhất một hợp tác xã chăn nuôi theo chuỗi liên kết.

Hiện toàn tỉnh chỉ có gần 340/700 trang trại chăn nuôi theo chuỗi liên kết. Để thực hiện được theo hình thức này, đòi hỏi các trang trại phải nguồn vốn đầu tư lớn, trong khi đó nông nghiệp là ngành có nhiều rủi ro. Cùng với đó, vướng mắc trong chính sách để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này cũng là những nguyên nhân khiến việc thực hiện chăn nuôi theo chuỗi liên kết còn nhiều khó khăn.

Bà Lê Thị Quỳnh Hương, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi Thú y Thái Nguyên cho biết về giải pháp trong thời gian tới: “Với vai trò là Chi cục Chăn nuôi Thú y, chúng tôi sẽ tập trung vào mấy khâu hỗ trợ. Đó là hỗ trợ chứng nhận sản phẩm, hỗ trợ các cơ sở giết mổ, hỗ trợ đối với lại các cơ sở xây dựng theo mô hình vùng an toàn dịch bệnh”.

Để chăn nuôi phát triển bền vững theo chuỗi liên kết, nhà nước cần có thêm cơ chế hỗ trợ để đảm bảo lợi ích của các bên tham gia chuỗi, trong đó có gắn kết chặt chẽ hơn giữa doanh nghiệp và hộ chăn nuôi. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh tuyên truyền để người tiêu dùng sử dụng những sản phẩm chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm để doanh nghiệp yên tâm đầu tư chuỗi giá trị với nông dân./.