Tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh
Điểm cầu hội nghị tỉnh Thái Nguyên

Hiện nay tình hình bệnh truyền nhiễm trên thế giới đang diễn biến phức tạp, nhất là do đại dịch COVID-19 trong những năm qua đã ảnh hưởng đến tỷ lệ tiêm chủng các vắc xin cho trẻ em, một số bệnh có vắc xin phòng bệnh đã có xu hướng gia tăng. Tại Việt Nam, các bệnh truyền nhiễm lưu hành cơ bản vẫn đang được kiểm soát, tuy nhiên một số bệnh truyền nhiễm bắt đầu có xu hướng tăng như sởi; ho gà... một số bệnh lưu hành vẫn ghi nhận số mắc ở mức cao như: tay chân miệng, sốt xuất huyết. Đặc biệt nước ta đã ghi nhận ca mắc cúm A/H9 đầu tiên trên người, trước đó vào cuối tháng 3/2024 tại Khánh Hòa đã ghi nhận 1 trường hợp tử vong do mắc cúm A/H5N1.

Tại Thái Nguyên, trong năm 2023 một số bệnh truyền nhiễm có xu hướng tăng. Cụ thể như bệnh sốt xuất huyết ghi nhận 415 ca, tăng 285 ca so với cùng kỳ; bệnh tay chân miệng ghi nhận 501 ca, tăng 205 ca so với năm 2022; bệnh thủy đậu ghi nhận trên 750 ca,... Trong quý I/2024, bệnh sốt xuất huyết ghi nhận 11 ca mắc mới, tăng so với cùng kỳ năm 2023; các bệnh thủy đậu, tay chân miệng; rubela đều tăng so với cùng kỳ. Công tác tiêm chủng mở rộng đạt trên 85,6%, cao hơn so với năm 2022; quý I năm 2024 đạt 13,8%...

Kết luận hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh, trong thời điểm chuyển mùa hiện nay, nguy cơ gia tăng các bệnh truyền nhiễm là rất cao, diễn biến khó lường, nhất là trong bối cảnh nhu cầu giao thương, du lịch tăng cao. Đồng chí đề nghị các địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm; tăng cường công tác thông tin, truyền thông nhằm khuyến cáo, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp phòng bệnh cá nhân và thay đổi hành vi để nâng cao sức khỏe, phòng chống bệnh tật; triển khai thực chất và hiệu quả các biện pháp chuyên môn về phòng, chống dịch bệnh./.