Sum họp ngày Tết Hàn thực
Ngoài bánh trôi, bánh chay, nhiều gia đình làm thêm nhiều món xôi, bánh màu sắc có nguyên liệu từ thiên nhiên để mâm cơm thêm phần bắt mắt và sinh động

Năm nay, Tết hàn thực đúng vào ngày cuối tuần vì thế nhiều gia đình cũng nhân dịp này để về sum họp, quây quần bên nhau. Không chỉ cùng nhau vào bếp để làm bánh trôi, bánh chay - món bánh đặc trưng của ngày tết Hàn thực mà các bà, các mẹ cũng sẽ bảo ban lại cho con cháu mình về cách nặn bánh sao cho đẹp, cho ngon và những ý nghĩa của ngày tết này.

Em Nguyễn Phan Trang Anh, phường Phan Đình Phùng, TP Thái Nguyên sau khi được bà hướng dẫn nặn bánh cảm thấy rất vui, em chia sẻ: “Hàng năm bà đều dạy cho con làm”.

Mặc dù có nguồn gốc từ Trung Quốc, nhưng Tết Hàn thực của người Việt vẫn mang những sắc thái riêng. Điều đặc biệt, người Việt còn sáng tạo nên bánh trôi, bánh chay là những thức ăn nguội tượng trưng cho Tết Hàn thực. Ngoài 2 loại bánh này, nhiều năm gần đây, các gia đình cũng biến tấu thêm nhiều món xôi, bánh màu sắc có nguyên liệu từ thiên nhiên để mâm cơm thêm phần bắt mắt và sinh động.

Bà Hoàng Thị Oanh, phường Hoàng Văn Thụ, TP Thái Nguyên cho biết: “Năm nay gia đình tôi làm bánh trôi, bánh chay, bánh trứng kiến và cả xôi ngũ sắc… mình dâng lên tổ tiên, sau đó để con cháu sum vầy, nhớ về truyền thống của dân tộc, nhớ về những người đã khuất”.

Dâng lên tổ tiên những đĩa bánh trôi bánh chay ngon và đẹp nhất… Quây quần bên mâm cơm gia đình… Có lẽ với ý nghĩa tốt đẹp là ngày tết tưởng nhớ đến tổ tiên, là ngày con cháu đi xa có dịp trở về sum họp mà ngày Tết Hàn thực được lưu truyền gìn giữ từ đời này sang đời khác và trở thành nét văn hóa ý nghĩa trong mỗi gia đình người Việt.