Để thực hiện theo đúng lộ trình chấm dứt hoạt động các cơ sở sản xuất gạch đất sét nung bằng lò thủ công, thủ công cải tiến, huyện Phú Lương đã tập trung tuyên truyền, vận động các hộ xóa bỏ lò gạch thủ công theo chủ trương của tỉnh tại các xã, thị trấn có lò gạch thủ công. Sau khi được tuyên truyền hướng dẫn, nhiều hộ dân đã cam kết và nghiêm chỉnh thực hiện dừng hoạt động ở các lò gạch thủ công. Từ năm 2013 đến 2015 ,sau gần 2 năm thực hiện Quyết định 164, từ trên 400 lò gạch thủ công, trên địa bàn huyện đã giảm xuống còn 79 lò gạch tiếp tục sản xuất với cam kết đầu tư lắp đặt hệ thống công nghệ xử lý khí thải, đáp ứng các quy định về môi trường theo Công văn số 2237 ngày 18/8/2015 của UBND tỉnh.

Là một người đã nhiều năm gắn bó với nghề sản xuất gạch, anh Dương Văn Hoạt, xóm Làng Phan, xã Cổ Lũng, huyện Phú Lương chia sẻ: “Chúng tôi cũng biết sản xuất gạch thủ công là không tốt, nhưng những người dân ở đây từ xưa cũng chỉ biết đến làm gạch, giờ xóa bỏ lò gạch thủ công này thì chúng tôi cũng không biết làm gì, chỉ mong các cấp, ngành quan tâm sau khi xóa bỏ lò gạch thì tạo điều kiện để người dân có công ăn việc làm hay chuyển đổi mô hình sản xuất để đảm bảo đời sống hằng ngày”.

phu luong no luc xoa bo lo gach thu cong
Hiện nay, trên địa bàn huyện Phú Lương vẫn còn 17 lò gạch hoạt động sau khi áp dụng công nghệ “xử lý khí thải” của Trung tâm Khoa học công nghệ mỏ và luyện kim

Còn đối với gia đình anh Phạm Ngọc Hưng, ở xóm Bún Một ,xã Phấn Mễ, đã có truyền thống làm gạch được gần 18 năm. Sau khi có Công văn số 2237 ngày 18/8/2015 của UBND tỉnh về việc áp dụng công nghệ xử lý khí thải để điều chỉnh thời hạn chấm dứt hoạt động sản xuất gạch nung thủ công đến hết năm 2017. Gia đình anh cũng mạnh dạn đăng ký theo lộ trình, đầu tư gần 300 triệu xây dựng hai lò gạch với công suất 8 vạn gạch/lò có áp dụng công nghệ “xử lý khí thải” của Trung tâm Khoa học công nghệ mỏ và luyện kim (thuộc Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật Việt Nam) với một số ưu điểm như: thu được toàn bộ khí thải độc hại phát sinh trong quá trình hoạt động, sản xuất, giảm thiểu tối đa về ô nhiễm môi trường. Công trình mới đi vào hoạt động từ cuối năm 2016, nhưng đến nay thời hạn xóa bỏ lò gạch thủ công, thủ công cải tiến đã gần kề mà số vốn bỏ ra để đầu tư thì chưa hề thu lại được. Anh Hưng lo lắng: “Nếu thời gian tới cấm sản xuất thì gia đình cũng phải chấp nhận thôi, nhưng tôi cũng rất mong các cấp có thể tạo điều kiện để gia đình chúng tôi nói riêng và những chủ lò đã đầu tư ra có thể thu hồi lại vốn của mình, sau đó sẽ chuyển dần sang các ngành nghề khác..”

phu luong no luc xoa bo lo gach thu cong
Huyện Phú Lương đang kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư dây chuyền sản xuất gạch không nung, gạch tuynel tại địa phương

Thực hiện chương trình xóa bỏ lò gạch thủ công, lò đứng liên tục, các phòng ban của huyện Phú Lương và các xã trên địa bàn huyện đã nhiều lần tổ chức tuyên truyền, vận động, kiểm kê hiện trạng, đối thoại, ký cam kết, yêu cầu các hộ dừng sản xuất gạch thủ công. Với việc bám sát cơ sở, tuyên truyền cho người dân hiểu, chấm dứt hoạt động sản xuất gạch theo hình thức thủ công, chuyển đổi nghề nghiệp đã đem lại nhiều hiệu quả. Đến nay, các chủ lò gạch đã cơ bản chấp hành, không sản xuất thêm gạch mộc; có người đã bắt đầu chuyển sang sản xuất nông nghiệp. Bên cạnh đó, nhiều hộ cũng cam kết và đề nghị được xử lý số gạch mộc còn tồn lại để có thể bù lại số vốn đã đầu tư. Từ 79 cơ sở đăng ký, đến thời điểm này, trên địa bàn huyện Phú Lương chỉ còn 17 cơ sở đang hoạt động, đây là nỗ lực hết sức đáng khen ngợi ở địa phương. Không thể phủ định sự tàn phá môi trường từ các lò gạch thủ công, song thực tế nó lại đang ngày ngày nuôi sống hàng nghìn người dân đặc biệt là người dân nông thôn.

Do vậy, để đảm bảo thực hiện đúng lộ trình cũng như đảm bảo cuộc sống người dân sau khi xóa bỏ các lò gạch thủ công, huyện Phú Lương cũng đã đề ra nhiều giải pháp thiết thực để cải thiện đời sống cho các chủ hộ và người lao động khi xóa bỏ các mô hình sản xuất gạch. Ông Hoàng Duy Hưng, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Lương cho biết: “Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để đến hết năm 2017 chấm dứt toàn bộ việc sản xuất tại các lò gạch thủ công, thủ công cải tiến trên địa bàn huyện. Bên cạnh đó, huyện cũng sẽ tạo điều kiện để tạo việc làm khác cho người dân. Hiện tại, chúng tôi cũng đã và đang kêu gọi các doanh nghiệp về đầu tư dây chuyền sản xuất gạch tuynel, gạch không nung tại các địa phương có nhiều lò gạch thủ công trên địa bàn. Khi các công trình này đi vào hoạt động sẽ ưu tiên lấy lao động tại địa phương đó, qua đó giải quyết việc làm cho các lao động này”.

Với sự chỉ đạo sát sao của UBND huyện Phú Lương, sự phối hợp chặt chẽ của các đoàn thể, các xã, thị trấn cùng sự đồng thuận của nhân dân, chắc chắn, Phú Lương sẽ hoàn thành kế hoạch xóa bỏ lò gạch thủ công, qua đó tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện.