Nâng cao nhận thức an toàn thực phẩm trong sản xuất nông nghiệp
Gia đình ông Nguyễn Văn Tuyên luôn quan tâm ứng dụng khoa học kỹ thuật, đảm bảo an toàn thực phẩm. |
Gia đình ông Nguyễn Văn Tuyên là hộ chăn nuôi gà lớn và lâu năm ở xã Tân Khánh, những năm qua, bên cạnh việc ứng dụng khoa học kỹ thuật thì vấn đề an toàn thực phẩm được gia đình luôn quan tâm và chú trọng. Hàng năm, được Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật và những quy định của pháp luật về đảm bảo an toàn thực phẩm đã giúp cho gia đình ông có thêm được nhiều kiến thức, kinh nghiệm, từ đó giúp chăn nuôi hiệu quả, tạo ra những sản phẩm an toàn, chất lượng.
Ông Nguyễn Văn Tuyên, xã Tân Khánh, huyện Phú Bình chia sẻ: "An toàn thực phẩm đóng vai trò rất quan trọng đối với người chăn nuôi, với người sử dụng các sản phẩm. Nhận thức được những việc đấy, chúng tôi tuân thủ tất cả các quy định trong chăn nuôi, sản xuất các thực phẩm từ chăn nuôi, chúng tôi làm và kiểm soát rất nghiêm ngặt khi sản phẩm đưa ra thị trường".
Huyện Phú Bình tổ chức các lớp tập huấn công tác đảm bảo an toàn thực phẩm tại các xã nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao. |
Xã Tân Khánh là vùng chăn nuôi gà trọng điểm của huyện Phú Bình với trên 200 trang trại, gia trại. Những năm qua, xác định sản phẩm “Gà đồi Phú Bình” đã được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cấp Giấy Chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể và là một trong những sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao, xã đã phối hợp với các ngành, đơn vị tổ chức các buổi tập huấn, tuyên truyền, phổ biến pháp luật về an toàn thực phẩm; phối hợp với Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản thực hiện thành lập điểm tổ cộng đồng tự quản về vệ sinh an toàn thực phẩm. Sự ra đời của các tổ giám sát cộng đồng đã huy động được sự vào cuộc tích cực của chính người dân để thực hiện việc kiểm tra, giám sát trên địa bàn, góp phần thực hiện tốt công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn.
Ông Nguyễn Đình Hoài, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Khánh, huyện Phú Bình cho hay: "Chúng ta cần nhân rộng và duy trì phát huy để làm sao giám sát được các hộ sản xuất, kinh doanh các hàng hóa liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp. Sang năm với mô hình này chúng tôi sẽ ra mắt các tổ ở địa phương và sẽ ban hành quy chế hoạt động; thực hiện ngay nhiệm vụ an toàn vệ sinh thực phẩm ngay trong dịp Tết Nguyên đán".
Là địa phương có tiềm năng, thế mạnh về sản xuất nông nghiệp, thời gian qua, công tác đảm bảo an toàn thực phẩm đã được huyện Phú Bình triển khai với nhiều giải pháp trọng tâm như: Tổ chức các lớp tập huấn tại các xã nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao về các quy định, điều kiện để đảm bảo an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh, truy xuất nguồn gốc sản phẩm; áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp an toàn, nông nghiệp hữu cơ. Từ đó, đã giúp nâng cao nhận thức, tạo sự chuyển biến trong công tác đảm bảo an toàn thực phẩm tại địa phương, từ đó góp phần giữ vững tiêu chí an toàn thực phẩm trong xây dựng nông thôn mới.
Bà Trần Thị Tuyên, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phú Bình cho biết: "Chúng tôi sẽ tăng cường công tác kiểm tra, giám sát về lĩnh vực an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp và phối hợp với các đơn vị của tỉnh để tăng cường công tác kiểm tra, giám sát; tiếp tục mở các lớp tuyên truyền, tập huấn chuyên sâu về lĩnh vực an toàn thực phẩm. Bằng nhiều kênh quảng bá cũng như cho hợp tác xã, doanh nghiệp đi tham quan những mô hình đảm bảo an toàn thực phẩm tiêu biểu từ đó định hướng trong thời gian tới phát triển ra một tầm lớn hơn".
Với sự phối hợp các ngành, các cấp phối hợp cùng chính quyền địa phương; cùng những giải pháp đồng bộ đã giúp huyện Phú Bình triển khai hiệu quả công tác đảm bảo an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp, nâng cao nhận thức cho người sản xuất về sản phẩm sạch, an toàn, chất lượng… Qua đó, góp phần nâng cao giá trị, sức cạnh tranh cho nông sản địa phương; thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển; đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng./.