phu binh no luc trien khai thuc hien du an canh dong mau lon
Phú Bình là địa phương đầu tiên trên địa bàn tỉnh đang xây dựng, triển khai Dự án cánh đồng mẫu lớn với quy mô trên 220ha

Về Tân Đức những ngày này, câu chuyện được bà con nơi đây nhắc đến nhiều nhất đó chính là việc thực hiện chủ trương dồn điền, đổi thửa. Ai cũng hy vọng chủ trương này sẽ giúp địa phương hình thành được vùng sản xuất hàng hóa tập trung với quy mô lớn để tạo ra những sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao, đưa đời sống của nhân dân ngày càng đi lên. Và rồi, câu chuyện và hy vọng đó của bà con đang dần trở thành hiện thực.

Tuy là vụ đầu tiên thực hiện sản xuất thí điểm việc dồn điền, đổi thửa nhưng hiệu quả bước đầu đã thấy rõ trên cánh đồng mẫu xã Tân Đức. Từ việc triển khai sản xuất lúa theo hướng hữu cơ cho thấy, việc chăm sóc đã dễ dàng hơn, tiết kiệm công lao động, vật tư nông nghiệp, sản lượng thì tăng lên, cùng với môi trường đã từng bước được cải thiện...

Bà Đào Thị Anh, người dân xóm Ngoài, xã Tân Đức phấn khởi cho biết: “Trước đây, nhà tôi có 4 thửa ruộng nhỏ nên sản xuất khó khăn, vì các ruộng ở xa, khó dẫn nước và chăm sóc lúa sau cấy. Nay được dồn điền đổi thửa, bà con thấy sản xuất rất thuận lợi và yên tâm”.

Xã Tân Đức được huyện chọn làm điểm trong việc thực hiện dự án Cánh đồng mẫu lớn do huyện triển khai với tổng diện tích 59,59 ha thuộc 6 xóm: Diễn Cầu, Diễn, Ngoài, Trại Vàng, Lềnh, Quại…Do làm tốt công tác tuyên truyền nên đa số người dân đều đồng tình ủng hộ.

Cũng giống như Tân Đức, Xuân Phương là xã thứ 2 được chọn để triển khai dự án. Tiếp nối kết quả bước đầu, nông dân xã Xuân Phương đã xuống đồng để triển khai liên tục ngay ở vụ mùa 2018. Vụ mùa cuối năm nay, bà con Xuân Phương cấy sớm bởi chủ động được nguồn nước, máy móc cũng tới ruộng hết sức dễ dàng vì những trục bờ thửa chính đã được quy hoạch lại, còn những bờ thửa manh mún cũng đã san gạt, mặt ruộng cũng không còn chỗ cao, chỗ thấp…

phu binh no luc trien khai thuc hien du an canh dong mau lon
Việc dồn điền đổi thửa mang lại rất nhiều lợi ích cho bà con nông dân

Bà Đồng Thị Tuyết, xóm Hòa Bình, xã Xuân Phương chia sẻ: “Nhà nước có chính sách dồn điền đổi thửa tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong sản xuất. Gia đình tôi có hơn 4 sào ruộng, như mọi năm phải vài ngày mới cấy xong nhưng năm nay chỉ mất hơn 01 ngày. Nhất là hiện nay, có một con đường thẳng như này, chúng tôi đi kéo phân hay cày, bừa rất dễ dàng, đường cứ theo một băng. Việc lấy nước hai bên đường có hai mương, cũng rất dễ vì không phải lấy qua nhà nào cả, vì đầu mương nhà nào là lấy qua nhà đấy”.

Bắt đầu thực hiện xây dựng mô hình từ năm 2016, Phú Bình đã tham khảo, học tập cùng với xây dựng hết sức nhanh chóng, chi tiết Đề án “Dồn điền đổi thửa”, cùng với việc chủ động thực hiện sáng tạo cách làm huy động doanh nghiệp, sức dân, đến nay, Phú Bình đã thực hiện việc dồn điền tại 3 xã với diện tích trên 135 ha, đạt 60% kế hoạch. Đảng bộ, chính quyền ở cơ sở cũng thực hiện ký kết với Công ty TNHH Một thành viên Quế Lâm Phương Bắc sản xuất lúa hữu cơ. Qua thực hiện gieo cấy lúa trong vụ xuân 2018 bước đầu cho thấy, năng suất tăng 5,5 tạ/ha, năng suất bình quân đạt trên 60 tạ/ha, giá trị sản xuất tăng gần 42 triệu đồng/ha, giá trị sản xuất sau dồn điển đổi thửa đạt 140 triệu đồng/ha, tiết kiệm được 50% giống, giảm được chi phí khâu làm đất và thu hoạch, nâng cao thu nhập cho nhân dân trong vùng dự án từ 7 - 10%. Bên cạnh đó, hình thành được vùng sản xuất tập trung có quy mô lớn, tăng tỷ lệ cơ giới hóa, góp phần tăng cường sự gắn kết, liên kết sản xuất giữa người dân trong xã với các tổ chức hợp tác xã, doanh nghiệp, bảo vệ môi trường sản xuất.

Chia sẻ kinh nghiệm trong việc triển khai thực hiện, ông Hoàng Xuân Phương, Chủ tịch UBND xã Xuân Phương cho biết: “Để nâng cao giá trị sản phẩm, cần phải có sự liên kết, đó là mức tiêu thụ hoặc khâu đầu vào xem gieo trồng loại cây gì, giống gì để đem lại hiệu quả cao nhất, trong khi đó, kỹ thuật của bà con còn hạn chế. Khi đó, chúng tôi mở rộng hướng hợp tác với doanh nghiệp, họ vào để chuyển giao khoa học công nghệ và đưa khoa học công nghệ vào sản xuất”.

“Còn đối với Tân Đức, Đảng bộ, chính quyền sở tại đã luôn chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền để bà con thấy quyền, nghĩa vụ và tác dụng của dồn điền đổi thửa, để bà con đồng tình ủng hộ. Thứ 2, cần phát huy tính tiền phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên từ cấp xã, xóm phải đặt quyền lợi của mình sau quyền lợi của bà con” - Ông Dương Văn Hậu, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Tân Đức cho biết.

Dồn điền đổi thửa để hình thành cánh đồng mẫu lớn là việc làm chưa từng có tiền lệ trên địa bàn tỉnh, do vậy, khó khăn trong quá trình triển khai là không tránh khỏi. Thực tế ở cả ba xã điểm của huyện Phú Bình, vấn đề kinh phí đang là rào cản lớn nhất. Mặt khác, việc xác lập cơ chế hỗ trợ cụ thể vẫn chưa thống nhất nên việc triển khai vẫn còn nhiều khó khăn.

Ông Đinh Hồng Thanh, Bí thư Huyện ủy huyện Phú Bình cho biết: “Để làm tốt, làm rộng, làm có hiệu quả, tỉnh cần sớm ban hành hệ thống văn bản về quy chế, chính sách hỗ trợ các nguồn cho từng địa phương cho phù hợp bài bản thì tiến độ mới được triển khai tốt”.

Từ việc quyết tâm thực hiện chủ trương ở cơ sở, đến nay, sản lượng lương thực có hạt bình quân của Phú Bình đã đạt 80.000 tấn, tăng 4.600 tấn so với kế hoạch. Giá trị sản phẩm/ha đất trồng trọt đạt 88 triệu đồng. Có thể thấy rằng, việc hình thành cánh đồng mẫu lớn ở Phú Bình là chủ trương đúng và tất yếu, nhưng thực tế nếu chỉ có nỗ lực của huyện thì chưa đủ mà đi kèm với đó phải cần thêm sự chỉ đạo, hỗ trợ của tỉnh và nhiều nguồn lực khác nữa mới có thể thành công./.