Việt Nam đang tích cực hưởng ứng Ngày Thalasemia thế giới 8/5 năm nay với việc lựa chọn chủ đề “Thực hiện tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn vì hạnh phúc gia đình, vì sự phồn vinh của đất nước”, nhằm kêu gọi người dân đặc biệt là các bạn trẻ trong độ tuổi kết hôn thực hiện khám sức khỏe tiền hôn nhân, đẩy lùi những bệnh lý di truyền như Thalasemia. Bởi thực tế hiện nay, dù ngành y tế đã nỗ lực thực hiện các giải pháp cho việc khám sức khỏe tiền hôn nhân, song kết quả là giới trẻ vẫn chưa thật sự quan tâm đến vấn đề này.

Phía sau cánh cửa phòng bệnh
Với dân số 1,3 triệu người của tỉnh Thái Nguyên, số người mang gen bệnh Thalassemia khoảng 160 nghìn người.

Tùng và Kiên là 2 anh em ruột - cả hai em đều mắc bệnh thiếu máu huyết tán - một bệnh lý nghiêm trọng khiến bệnh 2 em phải truyền máu cả cuộc đời. Gần 10 năm nay, phòng bệnh như ngôi nhà thứ 2 của các em khi mà tháng nào 2 anh em cũng phải nhập viện để truyền máu.

Ngay cạnh giường bệnh của Tùng Và Kiên, cô bé Lý Thị Hồng mới 12 tuổi cũng đang phải chống chọi với căn bệnh Thiếu máu huyết tán.

Chị Trần Thị Dung, xã Nam Hòa, huyện Đồng Hỷ, mẹ bé Hồng chia sẻ về những dấu hiệu của bệnh: “Da xanh, kém ăn, hay ốm yếu. Phát hiện như thế nên đưa cháu đi khám. Bác sĩ bảo cháu bị bệnh thiếu máu huyết tán. Mỗi tháng phải truyền máu 1 lần, truyền 250ml máu”.

Tích cực tuyên truyền các chính sách dân số đến với người dân ở địa phương, cán bộ chuyên trách dân số Nguyễn Thị Hòa, xã Nam Hòa, Huyện Đồng Hỷ đặc biệt quan tâm tới việc vận động các cặp nam nữ chuẩn bị kết hôn tham gia khám sức khỏe tiền hôn nhân, tuy nhiên công tác này cũng gặp nhiều khó khăn. Chị Nguyễn Thị Hòa chia sẻ: “Nói chung, tổ chức vấn đề này rất khó khăn, về kinh phí bọn em không có. Hỗ trợ từ xã không có, nên mình chỉ có thể lồng ghép sinh hoạt đoàn viên thanh niên, vừa vui chơi giải trí kết hợp tuyên truyền thôi”.

Phòng khám Tiền hôn nhân được đặt tại Khoa Hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện A Thái Nguyên được thành lập hơn 2 năm nay. Tuy nhiên, đối tượng đến khám lại chủ yếu là những trường hợp đã kết hôn và gặp những dấu hiệu bất thường về chức năng sinh sản, tỷ lệ cặp nam nữ chuẩn bị kết hôn chủ động tiếp cận dịch vụ rất hạn chế.

Phía sau cánh cửa phòng bệnh
Tăng cường tuyên truyền cho đối tượng thuộc diện dân số trẻ trước khi kết hôn cần khám tầm soát.

Bác sĩ Hứa Minh Tuân, Trưởng khoa Hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện A Thái Nguyên cho biết: “Các bạn trẻ hiện nay ít quan tâm đến khám sức khỏe tiền hôn nhân. Khi mà chưa quan tâm thì sau khi kết hôn rồi sẽ dễ xảy ra tình trạng nhiều khi 2 vợ chồng cùng mang gen bệnh lý đến đây tìm hỗ trợ sinh sản, gặp rất nhiều khó khăn”.

Theo thống kê, tại Thái Nguyên, tỷ lệ mang gen bệnh Thalassemia ở người Tày, Nùng, Dao, Mông từ 9,09% đến 12,2%. Như vậy với dân số 1,3 triệu người hiện nay của tỉnh Thái Nguyên, số người mang gen bệnh Thalassemia khoảng 160 nghìn người.

Kinh nghiệm của thế giới cho thấy, có thể phòng bệnh hiệu quả tới 90-95% bằng các biện pháp như khám sức khỏe trước hôn nhân để xác định xem cá nhân có mang gen bệnh hay không, từ đó giúp cho họ có sự lựa chọn đúng đắn về hôn nhân cũng như quyết định mang thai và sinh đẻ, giúp các cặp vợ chồng sinh ra những đứa con không mắc bệnh tan máu bẩm sinh, song việc thực hiện cũng đòi hỏi giải pháp cụ thể hơn.

Bà Hồ Thị Thanh Thủy, Chi cục trưởng Chi cục Dân số Kế hoạch hóa gia đình tỉnh Thái Nguyên khẳng định: “Ngành Y tế sẽ tiếp tục triển khai và tham mưu với tỉnh để triển khai đề án Tầm soát nâng cao chất lượng dân số. Trong đó, tập trung nâng cao chất lượng dân số cho nhóm dân số trẻ là các cặp sắp kết hôn. Có đề xuất các cặp dân số trẻ trước khi kết hôn đi tầm soát sức khỏe”.

Hiện nay, có rất nhiều dịch vụ tại các cơ sở y tế để thực hiện việc khám sức khỏe tiền hôn nhân, rất mong các bạn trẻ trong độ tuổi kết hôn sẽ quan tâm hơn đến vấn đề này để có thể loại trừ những bệnh lý mang gen di truyền./.