Du lịch tâm linh hiện nay được thể hiện trên nhiều cung bậc, nhiều dạng. Dạng thứ nhất, đó là những hoạt động tham quan, vãn cảnh tại các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng. Đây cũng là hoạt động phổ biến nhất hiện nay. Thứ hai, đó là việc tìm đến các địa điểm, cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo bên cạnh tham quan vãn cảnh thì còn để cúng bái, cầu nguyện. Thứ ba, đó là tìm hiểu các triết lý, giáo pháp tại các cơ sở tín ngưỡng khiến cho con người trầm tĩnh, để tâm hồn thư thái, cải thiện sức khỏe và cảm nhận chính bản thân mình.

Phát huy lợi thế sẵn có để phát triển du lịch tâm linh
Chùa Ha xã Nhã Lộng, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên

Du lịch tâm linh gắn với tôn giáo, trong đó Phật giáo có số lượng lớn nhất ở Việt Nam nói chung và Thái Nguyên nói riêng. Về chiến lược phát triển của ngành này, Tổng cục du lịch Việt Nam cũng đã công bố các thông tin về du lịch tâm linh, theo đó “Du lịch tâm linh lấy yếu tố văn hóa tâm linh làm mục tiêu nhằm thỏa mãn nhu cầu tâm linh của con người trong đời sống tinh thần. Do đó, việc sử dụng có trách nhiệm và bền vững các giá trị văn hóa và tự nhiên trong phát triển du lịch tâm linh sẽ mang lại cơ hội việc làm, tạo thu nhập cho người dân địa phương, góp phần thúc đẩy giao lưu văn hóa, tăng cường tình đoàn kết giữa các dân tộc, tôn giáo, khôi phục và bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của mỗi quốc gia cũng như toàn nhân loại”.

Phát triển du lịch tâm linh, Thái Nguyên có lợi thế với trên 800 di tích – danh thắng, hơn 500 di sản văn hóa phi vật thể, trong đó có 17 di sản của người thiểu số được vinh dự công nhận là di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Khai thác hiệu quả lợi thế này chính là cách tốt nhất để không chỉ thúc đẩy phát triển du lịch tâm linh mà còn góp phần phát triển ngành kinh tế du lịch, đem lại nguồn thu ngày càng lớn cho địa phương.

Chùa Ha tại xã Nhã Lộng, huyện Phú Bình là một trong những địa điểm du lịch tâm linh hấp dẫn với những du khách khi đến với Thái Nguyên. Chùa Ha có tên chữ là Bà Ha tự tọa lạc trên quả đồi thoải khoảng 2,5ha, địa thế đẹp, thoáng mát, bao quanh có nhiều cây cổ thụ tạo cho chùa thêm tĩnh mịch, cổ kính. Là ngôi chùa cổ có niên đại sớm của tỉnh Thái Nguyên, lưu giữ được kiểm dáng kiến trúc cổ thời Lê thế kỷ XVIII. Chùa Ha có tổng diện tích xây dựng 735m2, kiến trúc chùa kiểu chữ công, với 7 gian tiền đường và 4 gian thượng điện, có khu nhà thờ tổ, thờ Mẫu nằm gọn trong khuôn viên khép kín. Kết cấu bộ vì kèo kiểu chồng rường, quá giang, kẻ chuyền. Tam quan chùa Ha có kiến trúc chồng diêm, 2 tầng khá độc đáo, tầng trên nhỏ hơn có tám mái lợp ngói mũi hài, có góc mái bằng gỗ tạo thành đầu đao nhọn, cong vút. Trải qua thời gian, đến ngày hôm nay, chùa Ha vẫn giữ nguyên được dáng vẻ phong rêu, cổ kính và trở thành một điểm sinh hoạt tín ngưỡng và điểm đến hấp dẫn trong hành trình khám phá Thái Nguyên.

Đại đức Thích Viên Tiến trụ trì chùa Ha, Phú Bình cho biết:" Đây là nơi bà con đến sinh hoạt văn hóa tâm linh, mang đến cho bà con sự an yên và giải thoát"

Phát huy lợi thế sẵn có để phát triển du lịch tâm linh
Đền Lục Giáp, thị xã Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên

Đền Lục Giáp tại thị xã Phổ Yên. Đây là một địa điểm du lịch tâm linh của tỉnh Thái Nguyên. Thời xa xưa, đền là ngôi miếu nhỏ thờ thần linh của dân làng vùng Sơn Cốt. Sau để tưởng nhớ công lao người anh hùng dân tộc Dương Tự Minh (thời Lý) và tướng Lưu Nhân Chú (thời Lê), nhân dân ở đây đã lập đền thờ hai ông. Đền Lục Giáp là công trình cổ đời Lê, nhà tiền tế và hậu cung đều mang nét chung của kiến trúc đền miếu: cầu kỳ nhưng gọn, đẹp xây dựng theo kiểu “tiền kẻ hậu bẩy” tiền kẻ đỡ mái ngói và hậu bẩy chống từ cột giữa ra hiên rất chắc chắn. Cả hai nhà tiền tế hậu cung đều làm ba gian, hai trái, hậu cung hiện mái vẫn lợp ngói mũi, bốn góc mái cong vút, các cột đều làm bằng gỗ lim qua nhiều thế kỷ vẫn giữ được màu đen bóng. Tất cả các đấu trụ, câu đầu, ván lát phía trước hậu cung đều chạm khắc nổi tinh tế, công phu, đạt trình độ mỹ thuật truyền thống tinh xảo. Lễ hội Đền Lục Giáp được tổ chức chính vào ngày 15/3 âm lịch hằng năm và từ nhiều năm nay đã trở thành điểm đến văn hóa thu hút đông đảo nhân dân trong vùng và du khách thập phương tham dự.

Ông Lê Văn Bảy, chủ tịch UBND xã Đắc Sơn, thị xã Phổ Yên cho biết: " Theo nhiều sử sách ghi chép lại thì Đền Lục Giáp được xây dựng thế kỉ 15 thời Tiền lê. Hàng năm lễ hội tổ chức 15/3 âm lịch thu hút hành nghìn phật tử đến cầu lễ cầu tài"

Đền Đuổm nằm trên địa bàn huyện Phú Lương cũng là một trong những điểm đến tâm linh trong hành trình khám phá Thái Nguyên. Tuy quy mô không lớn nhưng đền Đuổm là một quần thể kiến trúc đẹp, uy nghiêm, là danh thắng hàng đầu của vùng đất trung du Thái Nguyên. Đền là nơi thờ danh tướng Dương Tự Minh- Thủ lĩnh Phủ Phú Lương dưới ba đời Vua triều Lý (thế kỷ XII). Lễ hội Đền Đuổm vào ngày chính lễ mùng 6, tháng Giêng. Đến với lễ hội Đền Đuổm du khách còn được trải nghiệm các trò chơi dân gian như: kéo co, đẩy gậy, tung còn, bịt mắt đập niêu, bắn nỏ và thưởng thức các sản vật đặc sản đặc trưng nhất của địa phương. Những năm gần đây, lễ hội Đền Đuổm còn tổ chức nhiều hoạt động quảng bá tiềm năng du lịch của huyện Phú Lương. Do thuận tiện về giao thông và nằm trên tuyến du lịch nối Thành phố Thái Nguyên với An toàn khu Định Hoá, lễ hội Đuổm mỗi năm thu hút hàng chục vạn du khách thập phương về dự hội chiêm bái và ngưỡng vọng cầu an.

Ông Nguyễn Thế Hiệp, trưởng Ban quản lý di tích Đền Đuổm, Phú Lương, Thái Nguyên cho biết: " Nơi đây nhân dân đến lễ đền cầu mong cho đất nước thanh bình phát triển. Thể hiện truyền thống ngàn đời của dân tộc Việt Nam.."

Ngoài các địa danh đã kể trên, không thể không kể đến những địa danh như chùa Phù Liễn, chùa Hang, chùa Đán tại thành phố Thái Nguyên… Những địa chỉ đó từ nhiều năm nay đã trở thành một điểm đến không thể không nhắc đến khi nói về du lịch tâm linh của tỉnh.

Trong quy hoạch phát triển du lịch tổng thể, gồm bốn nội dung: du lịch sinh thái, du lịch thành thị, du lịch biển đảo và du lịch văn hóa - tâm linh – lịch sử, thì dòng thứ tư này có vị trí đặc biệt quan trọng. Tâm linh và các giá trị di sản văn hóa tín ngưỡng gắn bó và tồn tại song hành cùng dân tộc từ hàng ngàn năm nay. Các di sản văn hóa, tín ngưỡng thuần Việt không chỉ được thể hiện qua các loại hình nghệ thuật, lễ hội dân gian, bài học lịch sử, mà còn ăn sâu vào đời sống dân gian của người Việt. Truyền thống và tín ngưỡng sẽ thổi hồn vào di sản văn hóa. Du lịch tâm linh hay bất cứ loại hình du lịch nào khác sẽ vững chắc hơn nếu lấy các giá trị cốt lõi, trong đó có di sản văn hóa và tín ngưỡng truyền thống làm bản lề, và dựa vào người dân của chính dân tộc mình.