Người nuôi vẫn lo dù giá cá tra tăng cao
Giá tăng do thiếu nguồn cung Mới bắt tay nuôi cá tra vụ đầu tiên, những ngày này gia đình chị Nguyễn Thị Sáu ở xã Tân Phong, huyện Cai Lậy (tỉnh Tiền Giang) vui mừng vì sắp thu hoạch lứa cá này, trong khi giá đang nhích dần lên, lại được thương lái săn đón. "Giá cá tra tăng và đang ở mức cao hơn so với trước đó, từ 21.000 - 22.000 đồng/kg. Chỉ tính riêng trong tuần này, giá cá đã tăng thêm từ 500 - 800 đồng/kg so với cuối tuần trước. Do tận dụng được lượng lao động nhàn rỗi và phế phẩm thủy sản, với giá cả như vậy thì có lời nhiều rồi", chị Sáu cho hay.
Các nhà nhập khẩu tăng cường gom hàng đã góp phần đẩy giá thu mua nguyên liệu cá tra trong nước tăng cao. Ảnh: Huy Hùng - TTXVN |
Theo Hiệp hội Cá tra Việt Nam, giá cá tra tăng mạnh trở lại là do nguồn cung bị giảm sút nặng nề, đặc biệt là nguồn cá nuôi trong dân. Ngoài ra, các doanh nghiệp đang bị áp lực giao hàng phục vụ các ngày lễ lớn cuối năm trong khi nhiều đơn hàng từ các nước đang tăng mạnh ở hầu hết các thị trường như Mỹ, EU, Mexico… "Thời gian qua giá cá tra luôn ở mức thấp, người nuôi bị thua lỗ nên rất nhiều hộ đã bỏ cá tra chuyển sang nuôi những loại thủy sản khác. Trong khi đó, hiện không ít doanh nghiệp đã tăng được đơn hàng từ 10-20% so với 2 - 3 tháng trước. Khi thấy nguồn nguyên liệu trong nước bị giảm mạnh, nhiều nhà nhập khẩu đã tăng giá mua, tranh mua hàng đã làm cho thị trường cá tra sôi động trở lại. Với tình hình thị trường có nhiều tích cực như hiện nay, kết thúc năm 2016, kim ngạch xuất khẩu cá tra có thể sẽ tăng khoảng 5 - 7% so với kế hoạch, đạt doanh thu hơn 1,5 tỷ USD", ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (Vasep), nhận định.
Nhưng chưa bền vững Khảo sát của phóng viên cho thấy, mặc dù giá cá tra tăng mạnh nhưng tình trạng bỏ trống ao vẫn đang diễn ra mạnh. Tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long, nhiều tỉnh có tỷ lệ ao nuôi giảm cao như Trà Vinh (giảm hơn 50%), Đồng Tháp (khoảng 40%), An Giang (20%)... Nguyên nhân được cho là do giá cá tra thời gian qua liên tục giảm, trong khi giá nhiều loại nguyên liệu đầu vào lại tăng cao đã tác động không nhỏ đến giá trị lợi nhuận của nhà nông. Ông Dương Ngọc Minh, Phó Chủ tịch Vasep, cho biết năm nay cá tra vẫn là mặt hàng xuất khẩu có mức tăng trưởng ấn tượng nhất trong ngành thủy sản về giá trị lẫn sản lượng. Dù vậy, ngành cá tra vẫn đang phải đối mặt với việc thiếu nguyên liệu chế biến và tình hình càng ngày càng trầm trọng hơn. 9 tháng đầu năm 2016 số liệu xuất khẩu cá tra đã tăng trưởng gần 7% về sản lượng và trị giá xuất khẩu đạt gần 1,2 tỷ USD. Thời gian tới nhu cầu nhập khẩu cá tra sẽ tăng ở hầu hết các thị trường và kéo dài cho đến quí I/2017 với mức tăng khoảng 20%. "Nguồn cá giống năm nay đã giảm hơn 30% so với năm 2015 đã dẫn đến lượng cá giống cung ứng ra thị trường cũng giảm nhanh hơn so với dự kiến. Những năm trước lượng cá giống mới thường gối đầu, kéo dài cho đến tháng 3 năm sau nhưng năm nay tình hình hoàn toàn khác. Ngay từ tháng 9 cá giống đã không còn và người nuôi cá phải chạy đôn chạy đáo tìm cá giống. Hiện cá giống đã tăng thêm tới 7.000 đồng/kg, lên 26.000 đồng/kg nhưng người nuôi vẫn khó mua", ông Minh lo lắng. Theo các chuyên gia kinh tế, con cá tra ở đồng bằng sông Cửu Long đang nằm trong thế bị động khi người nuôi lo ngại không dám mạnh dạn đầu tư, diện tích thả nuôi liên tục sụt giảm. Trong khi đó, chất lượng con cá tra chưa ổn định, chưa xây dựng được thương hiệu, mức độ cạnh tranh giữa các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra lại cao với cùng một dạng sản phẩm fillet. Trước xu hướng các nước tăng cường bảo hộ sản xuất trong nước cho nên dù được giá xuất khẩu nhưng hiện các doanh nghiệp vẫn nơm nớp lo ngại nguy cơ bị kiện chống bán phá giá. Vì vậy dưới tác động từ giá mua của các nhà nhập khẩu, giá thu mua có tăng nhưng về lâu dài người nuôi cá vẫn sẽ trong trạng thái lo âu khi chẳng biết giá cá có thể lại giảm lúc nào.