Cần phát huy lợi thế nuôi trồng thủy sản
Nhiều hộ dân trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã mở rộng và khai thác hiệu quả nghề nuôi thủy sản. |
Trước đây, phần lớn hoạt động chăn nuôi thủy sản của gia đình ông Hà Sĩ Tung, xóm Nong Nia, xã Định Biên, huyện Định Hóa là tự phát, với quy mô nhỏ lẻ. Mục đích chính của gia đình chăn thả một số loại cá là để cải thiện bữa ăn gia đình, nhiều hơn thì đem ra chợ truyền thống để bán. Tuy nhiên, những năm gần đây, nhận thấy tiềm năng phát triển của lĩnh vực này và được sự hỗ trợ về con giống cũng như định hướng của cơ quan chức năng, gia đình ông đã phát triển chăn nuôi thủy sản tập trung hơn, với quy mô ngày càng được mở rộng. Ông Hà Sĩ Tung chia sẻ: "Chúng tôi nắm được khoa học kỹ thuật, hằng năm thả cá và thu hoạch, năng suất gấp nhiều lần so với trước đây".
Ngoài các loại cá được chuyển giao, nhiều mô hình nuôi các giống cá có năng suất, chất lượng cao đã ngày càng phát triển, gia đình anh Dương Văn Cương, xóm Cổ Dạ, xã Bảo Lý, huyện Phú Bình là một trong những hộ đã mạnh dạn đi đầu trong mở rộng quy mô cũng như đầu tư các thiết bị hiện đại để chăn nuôi cá thương phẩm. Với quy mô gần 8.000m², gia đình anh đã đầu tư nuôi cá thâm canh với các giống cá như trắm đen kết hợp với cá rô phi.
Anh Dương Văn Cương cho hay: "Tôi áp dụng theo phương thức chăn hướng công nghiệp. Chúng tôi thấy trọng lượng, sản lượng đạt cao hơn, bán ra thị trường cũng dễ hơn".
Bà Trần Thị Tuyên, Giám đốc Trung tâm dịch vụ Nông nghiệp huyện Phú Bình cho biết: "Sản phẩm cá rô phi là một trong những sản phẩm có lợi thế của huyện được ban hành trong đề án và triển khai mô hình tăng giá trị của cá rô phi; là một trong 9 dự án ưu tiên của ngành Nông nghiệp triển khai trong giai đoạn 2021-2025".
Trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên hiện có trên 7.000ha diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản. Nhằm hỗ trợ cho người dân phát triển chăn nuôi thủy sản, hàng năm, ngành Nông nghiệp của tỉnh thường xuyên phối hợp với các địa phương mở nhiều lớp tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi, cách phòng bệnh cho cá và hỗ trợ thả những loại cá giống có chất lượng. Từ đó, giúp bà con có thêm kiến thức và tận dụng triệt để diện tích mặt nước để phát triển chăn nuôi thủy sản, từng bước thay đổi tư duy về lĩnh vực sản xuất này. Nhờ vậy, sản lượng thủy sản của tỉnh liên tục tăng mạnh qua từng năm.
Ông Đỗ Đình Trung, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi Thú y và Thủy sản Thái Nguyên thông tin: "Với tiềm năng và lợi thế của tỉnh Thái Nguyên, chúng ta sẽ tập trung vào nuôi trồng thủy sản theo hình thức thâm canh và bán thâm canh ở các ao, hồ, các diện tích nuôi cá lồng; tập trung phát triển các tổ hợp tác và các hợp tác xã để tạo thành các chuỗi cho người dân tham gia và tạo thành vòng cung khép kín từ khâu sản xuất cá bột đến khi nuôi trồng và tiêu thụ".
Mặc dù đã có những bước phát triển nhất định nhưng trên thực tế, chăn nuôi thủy sản trên địa bàn vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ, chưa hình thành được nhiều vùng sản xuất tập trung. Để khai thác hiệu quả thế mạnh thủy sản, phấn đấu trở thành “đòn bẩy” giúp người dân thoát nghèo, tỉnh cần tiếp tục có chính sách hỗ trợ, phát triển theo hướng hiệu quả, bền vững. Tăng cường chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, xây dựng mô hình trình diễn phù hợp với điều kiện từng vùng và có khả năng nhân rộng. Đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu sản phẩm thủy sản của địa phương, tạo đầu ra ổn định và hiệu quả kinh tế cao.../.