Nêu cao trách nhiệm trong lựa chọn sách giáo khoa cho chương trình giáo dục phổ thông mới
Cô giáo Lương Thị Minh Nguyệt nghiên cứu bản mềm sách giáo khoa mới.

Chủ động nghiên cứu, trao đổi về nội dung cũng như hình thức trình bày của sách giáo khoa lớp 2, bộ sách Cánh diều một trong 3 bộ sách được phê duyệt ngay khi được tiếp cận bản mềm từ đầu tháng 3, là việc mà giáo viên Trường tiểu học thị trấn Hương Sơn thực hiện những ngày này ngoài thời gian đứng lớp.

Cô giáo Lương Thị Minh Nguyệt, Trường tiểu học thị trấn Hương Sơn, Phú Bình cho biết: “Các nhà xuất bản đã chỉnh sửa những cái tồn tại so với cuốn sách Tiếng Việt 1 của bộ sách Cánh Diều năm học trước. Các bộ sách trình bày có nhiều tranh ảnh rất đẹp và các bài học được sắp xếp theo thứ tự và theo hướng đồng tâm, kênh hình, kênh chữ thì đều rõ ràng, đẹp. Bên cạnh đó, còn có từ ngữ sinh động.”

Mặc dù đã bước sang năm thứ 2 thực hiện thay sách giáo khoa, song để tránh gặp phải những thiếu sót trong việc lựa chọn sách giáo khoa thì năm nay, việc tiếp cận sách sớm cũng được các nhà trường đặc biệt chú trọng; nhất là khi từ năm học này, các cơ sở giáo dục sẽ đóng góp, tham vấn ý kiến, còn quyết định chọn sách sẽ do UBND tỉnh thực hiện.

Nêu cao trách nhiệm trong lựa chọn sách giáo khoa cho chương trình giáo dục phổ thông mới
Việc lựa chọn được những bộ sách giáo khoa phù hợp sẽ góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.

Bà Vũ Thị Thanh, Hiệu trưởng Trường tiểu học thị trấn Hương Sơn, Phú Bình thông tin: “Nhà trường cơ bản đã chuẩn bị xong các bước, ví dụ như, tổ chức cho toàn bộ giáo viên trong nhà trường đánh giá bản sách giáo khoa mềm do các nhà xuất bản gửi trên cổng thông tin điện tử. Và nhà trường cũng đã cùng với phụ huynh thống nhất các bản sách mà nhà trường đã lựa chọn, tổng hợp gửi về Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Phú Bình.”

Bà Hoàng Thị Kim Liên, Hiệu trưởng Trường tiểu học Xuân Phương, Phú Bình cũng chia sẻ: “Nhà trường đã tổ chức cho 100% giáo viên của trường tham gia việc nghiên cứu sách lớp 2 trên các trang sách phần mềm, để thấy được những ưu điểm, những tồn tại của sách giáo khoa, từ đó để vận dụng trong quá trình dạy học, đảm bảo dạy học theo phương pháp tích cực.”

Gấp rút tiếp cận sách giáo khoa mới, chuẩn bị các điều kiện cho chương trình dạy mới, tuy nhiên, nỗi lo về đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất cũng đang là vấn đề mà nhiều trường phải đối mặt, khi năm nay là năm đầu tiên triển khai dạy 2 môn tích hợp gồm khoa học tự nhiên, lịch sử và địa lý cho học sinh lớp 6./.