Nâng cao cảnh giác với lừa đảo trên không gian mạng
Theo thông tin từ Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an thành phố Thái Nguyên, trong năm 2022, cơ quan này đã nhận được hơn 100 thông tin do người dân cung cấp liên quan đến hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản qua mạng. |
Theo thông tin từ Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an thành phố Thái Nguyên, trong năm 2022, cơ quan này đã nhận được hơn 100 thông tin do người dân cung cấp liên quan đến hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản qua mạng. Trong đó, đã tiếp nhận và giải quyết 42 tin báo, tiến hành khởi tố 10 vụ với 5 bị can. Số liệu thống kê cho thấy: trong số 42 tin báo đã giải quyết có 9 tin các đối tượng giả danh cơ quan nhà nước, 7 tin kêu gọi đầu tư giao dịch vào các sàn thương mại điện tử, 26 tin còn lại kêu gọi cộng tác viên bán hàng, giật đơn hưởng hoa hồng với số tiền bị chiếm đoạt lên tới trên 6 tỷ đồng. Đáng lo ngại là các vụ tội phạm sử dụng công nghệ cao để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản chiếm gần 45% số tin báo tội phạm trong thời gian vừa qua.
Không chỉ với các thủ đoạn tinh vi, khó nhận diện mà ngay cả những thủ đoạn hết sức đơn giản nhưng vì mất cảnh giác, nhiều người vẫn bị lừa đảo với số tiền hàng trăm triệu đồng.
Thượng úy Trương Minh Thọ, Đội Cảnh sát hình sự, Công an thành phố Thái Nguyên cho biết: "Đối tượng Đặng Văn Quốc, sinh năm 1994, quê ở Quảng Nam, quá trình kinh doanh ở TP Thái Nguyên bị thua lỗ nên đã nảy sinh ý định thông qua thương mại điện tử để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Đối tượng đã sử dụng mạng xã hội Facebook để nhắn tin cho bị hại có tài khoản BINGO; thỏa thuận với anh Vũ là bán 300.000 kim cương ở 2 tài khoản BINGO với giá 100 triệu đồng, sau đó, Quốc đã không cung cấp được số tài khoản cho Vũ, hạn chế liên lạc với anh Vũ và trốn".
Không chỉ với các thủ đoạn tinh vi, khó nhận diện mà ngay cả những thủ đoạn hết sức đơn giản nhưng vì mất cảnh giác, nhiều người vẫn bị lừa đảo với số tiền hàng trăm triệu đồng. |
Nguy hiểm hơn, gần đây, một số thủ đoạn mới, manh động hơn đã được tội phạm công nghệ cao áp dụng triệt để như: mạo danh cán bộ trong các cơ quan tư pháp như công an, viện kiểm sát, tòa án, sử dụng hình ảnh và thông tin của người thân gọi điện video call cho người dân thông báo họ có liên quan đến vụ án đang giải quyết và yêu cầu chuyển tiền vào một tài khoản khác do các đối tượng này cung cấp để điều tra. Tuy nhiên, với thủ đoạn tinh vi, biến tướng đã có nhiều trường hợp mất cảnh giác, mắc lừa và bị chiếm đoạt số tiền không nhỏ.
Thượng úy Đỗ Trung Hiếu, Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm Công nghệ cao, Công an tỉnh Thái Nguyên cho hay: "Hình thức giả danh công an, kiểm sát cho thấy các đối tượng manh động và liều lĩnh hơn; trực tiếp gọi điện video có ảnh chân dung của 2 bên và đối tượng trực tiếp sử dụng trang phục công an nhân dân có đeo biển tên như thông tin các đối tượng đưa ra với bị hại để bị hại tiếp tục tin tưởng và làm theo yêu cầu của các đối tượng".
Ông Đào Ngọc Tuất, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Thái Nguyên cho biết: "Đối tượng lấy được hình ảnh của người thân bị hại, dùng các phần mềm để giả là người thân, đưa hình ảnh chèn lên, tạo ra những cuộc video call ban đầu sẽ tạo niềm tin của người bị tiếp cận rất lớn và hành vi này là nguy hiểm".
Thượng úy Đỗ Trung Hiếu, Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm Công nghệ cao, Công an tỉnh Thái Nguyên cho biết thêm: "Đối tượng đi trực tiếp đến những cửa hàng tiện lợi ở trên địa bàn các tỉnh để trực tiếp vào mua hàng hóa, nhưng sau đó làm giả biên lai chuyển tiền ngân hàng để những nhân viên bán hàng nhẹ dạ cả tin cho đối tượng cầm hàng hóa về, nhưng sau đó phát hiện không nhận được".
Theo thống kê, hàng năm, toàn quốc xảy ra khoảng 2.000 vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tuy chỉ chiếm tỷ lệ khoảng 4% trong cơ cấu tội phạm hình sự, nhưng loại tội phạm lừa đảo sử dụng công nghệ cao thường gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, số tiền bị chiếm đoạt lên tới hàng ngàn tỉ đồng; có vụ số người bị hại lên đến hàng chục ngàn người, hoặc một người bị chiếm đoạt hàng chục tỉ đồng chỉ trong thời gian ngắn.
Ông Đào Ngọc Tuất, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Thái Nguyên nhấn mạnh: "Mọi hành vi khi có yêu cầu qua điện thoại, email, tin nhắn để bắt người dân thao tác theo đề nghị hãy nghĩ đến 99% là lừa đảo, hãy liên hệ với cơ quan chính quyền, cơ quan công an, liên hệ với người thân để có các thông tin xác thực lại".
Khi các công nghệ mới xuất hiện, đối tượng tấn công mạng, lừa đảo sẽ tìm cách để lợi dụng, khai thác, áp dụng nhiều biện pháp tác động tâm lý để lấy lòng tin và dẫn dắt theo kịch bản. Các hình thức lừa đảo trên mạng liên tục biến tướng, tinh vi và ngày càng xảo quyệt hơn. Trong khi đó nạn nhân thường có tâm lý "mất rồi thì thôi", không kịp thời trình báo với cơ quan chức năng, nên khi xảy ra thiệt hại thường rất ít có khả năng khắc phục được hậu quả. Vì thế, nâng cao cảnh giác, nhận diện và tố giác tội phạm này là giải pháp trước mắc để bảo vệ chính mình và người thân, tránh để tiền mất – tật mang./.