Mỹ-Nhật-Hàn khẳng định quan hệ đồng minh đối với hòa bình châu Á
Chuyến thăm của Bộ trưởng Mattis tới hai nước đồng minh thân cận một lần nữa khẳng định tầm quan trọng của mối quan hệ Mỹ - Nhật - Hàn trước những thay đổi cục diện trên Bán đảo Triều Tiên cũng như đối với hòa bình và ổn định trong khu vực.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis trong chuyến thăm Nhật Bản ngày 3/2/2017. Ảnh: AP |
Phát biểu sau cuộc hội đàm với người đồng cấp Nhật Bản Itsunori Onodera nhân chuyến thăm nước này, ông Mattis cho biết, quan hệ đồng minh Mỹ - Nhật là hòn đá tảng đối với sự ổn định của khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương và khẳng định lại cam kết của Mỹ đối với đồng minh Nhật Bản.
Trước đó, ông Mattis đã bày tỏ tình đoàn kết với Nhật Bản về vấn đề công dân Nhật Bản bị bắt cóc tại Triều Tiên trong chiến tranh. Ông Mattis là quan chức cao cấp nhất của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump thăm Nhật Bản kể từ sau Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều vào ngày 12/6 vừa qua.
Bộ trưởng Mattis nhấn mạnh rằng, "các cuộc tham vấn sâu sắc giữa hai đồng minh đáng tin cậy" Mỹ - Nhật sẽ được duy trì và Mỹ "rất mong muốn tham gia vào mọi vấn đề mà Nhật Bản đưa ra, cũng như các vấn đề an ninh khu vực rộng hơn".
Chuyến thăm tới Nhật Bản lần này được cho là nhằm xoa dịu mối lo ngại của đồng minh với những bước đi gần đây của Mỹ, bao gồm dừng các cuộc tập trận quân sự lớn với Hàn Quốc.
Phát biểu tại cuộc gặp, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản bày tỏ hy vọng, Mỹ và Nhật Bản có thể chia sẻ quan điểm về việc phối hợp hành động nhằm ủng hộ các nỗ lực ngoại giao hiện nay liên quan đến vấn đề Triều Tiên.
Trước đó, trong chuyến thăm Hàn Quốc, ông Mattis tiếp tục bảo vệ quyết định dừng các cuộc tập trận, cho rằng điều này sẽ thúc đẩy các cuộc đàm phán. Ông Mattis cũng đưa ra cam kết đảm bảo an ninh của Hàn Quốc, trong đó giữ quân đội Mỹ ở mức khoảng 28.500 binh lính tại nước này.
Trước đó, phát biểu tại cuộc gặp Bộ trưởng Quốc phòng Song Yong-Moo, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mattis khẳng định: “Cam kết của Mỹ với Hàn Quốc vẫn vững mạnh và Mỹ sẽ tiếp tục tất cả các khả năng quân sự và ngoại giao để thực hiện cam kết này. Điều này bao gồm duy trì lực lượng Mỹ hiện nay trên bán đảo Triều Tiên. Quyết định dừng các cuộc tập trận gần đây giúp tăng cường cơ hội cho các nỗ lực ngoại giao, tăng triển vọng cho một giải pháp hòa bình trên bán đảo Triều Tiên”.
Có thể nói, mối quan hệ Hàn Quốc và Triều Tiên đang đạt được những bước tiến dài, với việc hai bên đều đưa ra những bước đi cụ thể thực hiện hóa Thỏa thuận đạt được tại Hội nghị thượng đỉnh liên Triều vào tháng 4 vừa qua. Tuy nhiên, mối quan hệ giữa Nhật Bản với Triều Tiên dường như chưa được thuận lợi. Nhật Bản có thể đang tìm cách đối thoại trực tiếp với Triều Tiên, để thảo luận việc trả lại những công dân Nhật Bản bị bắt cóc những năm 1970-1980.
Giới quan sát cho rằng, Triều Tiên không mấy hứng thú với việc thảo luận vấn đề công dân Nhật Bản bị bắt cóc. Truyền thông Triều Tiên trong tuần qua cũng cảnh báo, Nhật Bản không nên can thiệp vào quá trình phi hạt nhân hóa, vì Nhật Bản không liên quan đến các thỏa thuận mới đây giữa Mỹ và Triều Tiên cũng như giữa Triều Tiên với Hàn Quốc.
Mặc dù vậy, với khả năng để ngỏ rằng Nhật Bản có thể hỗ trợ kinh tế cho Triều Tiên nếu hai bên bình thường hóa quan hệ ngoại giao và các vấn đề khác được giải quyết, cũng có thể là một yếu tố quan trọng để Triều Tiên cân nhắc. Đặc biệt trong bối cảnh Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đang muốn thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế đất nước./.