Tổng thống Pháp thăm chính thức Mỹ thắt chặt quan hệ đồng minh
Diễn ra trong bối cảnh Pháp vừa sát cánh cùng đồng minh Mỹ tiến hành tấn công quân sự Syria cách đây hơn 1 tuần, chuyến thăm cấp Nhà nước Mỹ kéo dài 3 ngày của ông Macron khiến dư luận đặc biệt chú ý.
Tổng thống Pháp Macron (trái) và người đồng cấp Mỹ Donald Trump. Ảnh: Reuters |
Ngoại giao cây sồi
Theo báo chí Pháp, ông Macron cũng là nhà lãnh đạo đầu tiên được Tổng thống Mỹ mời thăm cấp Nhà nước và tiếp đãi trọng thể với quốc yến. Đáp lại thịnh tình này, Tổng thống Pháp mang tặng nhà lãnh đạo Mỹ một cây sồi non-biểu tượng cho mối quan hệ đồng minh Pháp-Mỹ. Với một loạt các chuyến thăm quan trọng trọng thời gian gần đây, nhà lãnh đạo Pháp không dấu tham vọng cải thiện và nâng cao vị thế của nước Pháp.
Trong chuyến thăm 3 ngày đến Mỹ lần này thì Tổng thống Pháp, Emmanuel Macron có mang theo một cây sồi non để làm quà tặng cho Tổng thống Mỹ Donald Trump và cây sồi non này sẽ được trồng trong khuôn viên khu vườn của Nhà Trắng.
Đây là một hành động có dụng ý sâu xa của Tổng thống Pháp Macron vì cây sồi non này được lấy từ khu rừng Belleau nằm phía Bắc nước Pháp, cách thủ đô Paris hơn 100km. Chính tại khu rừng này vào tháng 6/1918, tức là cách đây một thế kỷ, đã diễn ra trận đánh đầu tiên của quân đội Mỹ chống lại quân Đức trong Chiến tranh thế giới thứ Nhất.
Đây là một trận đánh ác liệt với gần 2.000 lính Mỹ thương vong và từ sau Chiến tranh thế giới 1 đến nay, khu rừng này được coi là biểu tượng cho sự tương trợ và đoàn kết của nước Mỹ với nước Pháp đồng minh.
Việc ông Emmanuel Macron chọn một cây sồi non trong khu rừng Belleau, vì thế, mang một thông điệp rất lớn, đó là để nhắc lại và khẳng định sự ghi nhớ của nước Pháp đối với công lao của quân đội Mỹ trong Thế chiến I, đồng thời muốn vun đắp cho quan hệ đồng minh lâu đời giữa Pháp và Mỹ, vốn đã kéo dài gần 250 năm.
Có thể nói, việc mang một cây sồi non sang Mỹ làm quà tặng Tổng thống Mỹ Donald Trump là một hành động ngoại giao và truyền thông mang đậm phong cách của ông Macron.
Đó là chiến lược truyền thông hình ảnh đặt trọng tâm rất nhiều vào những sự kiện và địa điểm mang tính chất lịch sử và biểu tượng. Chiến lược này đã được ông Macron thực thi xuyên suốt từ khi lên làm Tổng thống Pháp.
Ví dụ như việc tiếp Tổng thống Nga Vladimir Putin tại cung điện Versailles để kỷ niệm 300 năm ngày Nga hoàng Alexander Đại đế đến Pháp, hay như việc mời chính ông Donald Trump dự lễ diễu binh nhân ngày Quốc khánh 14/7 Pháp năm ngoái để kỷ niệm việc Mỹ tham chiến trong Chiến tranh thế giới 1, rồi ăn tối trên tháp Eiffel biểu tượng của Paris.
Và mới đây, khi thăm Trung Quốc thì ông Macron cũng mang tặng lãnh đạo Trung Quốc một con ngựa rất quý vốn thuộc Ngự binh quốc gia ngày trước. Tất cả những hành động này đều mang đậm phong cách của ông Macron và đều được tính toán cực kỳ kỹ lưỡng.
Kéo Mỹ lại gần Pháp
Pháp được coi là đồng minh lâu đời nhất của nước Mỹ, trong suốt 250 năm qua, nhưng trong thế kỷ 20 cho đến nay thì với nước Mỹ, đồng minh thân cận nhất tại châu Âu luôn là Vương quốc Anh. Tuy nhiên, dưới thời Tổng thống Donald Trump thì điều này đang có nhiều thay đổi, vì nhiều nguyên nhân.
Thứ nhất, đó là bản thân mối quan hệ giữa ông Trump với các lãnh đạo Anh, mà cụ thể là nữ Thủ tướng Theresa May, không được tốt. Nhìn chung thì do cá tính mạnh mẽ, thất thường và thậm chí có phần bạo liệt của mình, trong nửa đầu nhiệm kỳ Tổng thống Mỹ cho đến nay, ông Donald Trump khó tạo mối quan hệ cá nhân tốt với các lãnh đạo quốc gia là nữ, mà điển hình là bà May và nữ Thủ tướng Đức Angela Merkel.
Ngoài ra, ông Trump còn nhiều lần công khai ủng hộ Brexit và có xu hướng thân thiện với các đảng như UKIP tại Anh. Đại đa số dư luận Anh cũng có thái độ khá tiêu cực với ông Trump nên thậm chí vài tháng trước ông Trump còn huỷ chuyến thăm chính thức đến Anh. Vì thế ở thời điểm này, quan hệ đồng minh cực kỳ thân thiết giữa Mỹ và Anh đang có một vài trục trặc, ít nhất là ở biểu hiện bên ngoài.
Trong khi đó, Tổng thống Pháp Macron thì lại xử lý mối quan hệ cá nhân với ông Trump một cách hiệu quả. Ông Macron và ông Trump hầu như đối lập nhau mọi mặt về tính cách cho đến quan điểm lãnh đạo, khi ông Trump luôn coi “nước Mỹ trên hết” và đang đi theo hướng chủ nghĩa biệt lập, bảo hộ còn ông Macron lại là chính trị gia trẻ đại diện cho tư duy cởi mở, toàn cầu hoá.
Nhưng ngay từ đầu ông Macron đã xác định và tuyên bố tại nước Pháp rằng, dù có thích hay không thì ông Donald Trump vẫn là Tổng thống của Mỹ, cường quốc số 1 thế giới và đồng minh quan trọng hàng đầu của nước Pháp suốt hơn 2 thế kỷ qua.
Vì thế, ông Macron đã chủ động thiết lập và đề cao cá nhân ông Trump, thể hiện rõ nhất là lần mời ông Trump dự lễ duyệt binh 14/7/2017 rồi ăn tối trên tháp Eiffel. Ông Macron cũng duy trì các cuộc điện đàm thường xuyên với ông Trump, đặc biệt trong sự kiện tấn công quân sự Syria vừa qua.
Tất cả những điều này giúp cho ông Macron trở thành người, mà theo báo chí Pháp và Mỹ nhận định hiện nay, là đối tác duy nhất mà ông Trump tin cậy ở châu Âu.
Có thể nói, trong mối quan hệ Mỹ-Pháp hiện nay, tác động cá nhân của hai ông Trump và Macron đang đóng vai trò rất lớn và sự tiếp đãi trọng thị mà ông Trump dành cho ông Macron chủ yếu do mối quan hệ cá nhân của hai nguyên thủ này, chứ không có nghĩa là nước Pháp đã thay nước Anh trở thành đối tác số 1 của Mỹ tại châu Âu.
Cần thời gian kiểm chứng
Gần 1 năm sau ngày ông Macron lên nắm quyền, dù vẫn hơi sớm để kết luận nhưng có thể nhận định rằng, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đang thể hiện mình là một nhà ngoại giao xuất sắc. Ông Macron đang từng bước giúp nước Pháp lấy lại được vai trò của mình trong nhiều hồ sơ quốc tế quan trọng, từ việc giải quyết vấn đề Brexit và cải tổ châu Âu, chống biến đổi khí hậu, chống khủng bố ở Bắc Phi và nam Sahara.
Pháp cũng đã thể hiện mình có tiếng nói trong một số điểm nóng khác, như xung đột Israel-Palestine, bế tắc chính trị ở Lybia, hay mới nhất là cuộc chiến ở Syria. Điều đáng chú ý nhất, đó là ông Macron ghi dấu ấn cá nhân rất lớn, trong việc thiết lập đối thoại với các cường quốc Nga, Đức, Trung Quốc, hay thậm chí là quan hệ cá nhân rất tốt, như với Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Chính sách ngoại giao chủ động mà ông Macron đang tiến hành giúp xoá bỏ được phần nào hình ảnh một nước Pháp cũ kỹ và thiếu năng động trong các đời Tổng thống trước.
Dĩ nhiên, trong quan hệ quốc tế, nhất là ở tầm của các cường quốc, cần phải có nhiều thời gian để kết luận rằng liệu các chiến lược này của ông Macron về lâu dài có giúp nước Pháp xây dựng được chỗ đứng vững chắc ở hàng đầu cùng Mỹ, Nga và Trung Quốc hay không nhưng trước mắt thì chính sách này đang được thực thi một cách hiệu quả.
Ông Macron là một chính trị gia trẻ, có tầm nhìn, nhiều tham vọng và đặc biệt quan trọng là cực kỳ quyết đoán, thậm chí là quyết liệt trong nhiều dự án cải cách. Đây là những điều có thể nói là tương đối hiếm trong vài thế hệ chính trị gia Pháp trong những năm qua./.