Mục tiêu xuất khẩu tôm 10 tỷ USD:Hóa giải mâu thuẫn nông dân, doanh nghiệp
Rõ ràng, liên kết trong chuỗi giá trị sản xuất tôm hiện nay là cách tốt nhất để ngành tôm phát triển hiệu quả, đạt mục tiêu xuất khẩu 10 tỷ USD như Thủ tướng đã giao nhiệm vụ cho ngành nông nghiệp. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, liên kết trong chuỗi giá trị chưa đủ mạnh để lôi kéo các thành phần đi theo. Nhóm thu mua, chủ vựa thường chi phối giá cả, thậm chí làm suy giảm chất lượng sản phẩm. Nay nông dân “lật kèo”, mai doanh nghiệp ép giá; mỗi đối tượng theo đuổi mục đích riêng đã khiến chuỗi này chưa thực sự bền vững.
Mâu thuẫn giữa người nuôi tôm và doanh nghiệp
Theo phản ánh của các cá nhân và Hợp tác xã/tổ hợp tác khi tham gia chuỗi liên kết, khi bán tôm thương phẩm họ thường bị các doanh nghiệp ép giá, cam kết ban đầu là mua chênh lệch so với giá của thương lái là 5-7 nghìn đồng/kg, tuy nhiên thực tế lại không phải như vậy, nhiều khi chỉ 1.000 – 2.000 đồng.
Đưa vấn đề này trao đổi với ông Võ Văn Phục - Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thủy sản sạch Việt Nam (Vina Cleanfood), được biết: “Khó khăn nhất cho chúng tôi là qui mô sản xuất quá nhỏ và bà con đòi hỏi nhiều quá. Thương lái chọc phá đưa giá lên cao hơn nên bà con lầm tưởng là nhà máy ép giá mua tôm nguyên liệu. Chúng tôi vẫn giữ đúng cam kết nhưng bà con không hiểu điều này” – ông Phục nói.
Bà Quách Thị Thanh Bình |
Ở khía cạnh khác, theo bà Quách Thị Thanh Bình, “Khi ký liên kết đầu ra, các bên chưa bàn kỹ việc bao nhiêu kg thì DN đến mua cho dân. Khi triển khai 1 vụ thì DN mới lên tiếng ít nhất phải 2 tấn thì mới vào mua với giá chênh lệch 5.000 -7.000 đồng nhưng thực tế chỉ có 1.000- 3.000 đồng. Nhưng cái lợi dễ thấy là các DN thu mua cân rất chuẩn nên bà con không bị mất nhiều”.
Người nông dân và doanh nghiệp có vị thế, vai trò bình đẳng với nhau về vị trí, quyền lợi. Liên kết chỉ bền vững khi có sự bình đẳng về lợi ích và tuân thủ theo những nguyên tắc chung. Cơ quan nhà nước phải đứng ra phân xử kịp thời nếu có mâu thuẫn giữa nhà sản xuất và doanh nghiệp. Nguyên tắc để xây dựng chuỗi đảm bảo sự cân bằng và lợi ích của cả đôi bên, người nông dân phải tập hợp với nhau thành hợp tác xã/tổ hợp tác, có người đại diện đứng ra bảo vệ quyền lợi khi ký hợp đồng với doanh nghiệp và người đại diện sẽ đứng ra khi có vấn đề tranh chấp giữa 2 bên, và cũng là người đại diện trước pháp luật.
Ông Trần Đình Luân – Phó Tổng cục trưởng Tổng Cục thủy sản (Bộ NN-PTNT) cho rằng, Cơ quan quản lý nhà nước đóng vai trò điều phối và hỗ trợ sự tương tác giữa các tác nhân trong chuỗi. Hiện nay, các Chi cục Thủy sản ở các địa phương tuyên truyền, tập huấn và phổ biến rộng rãi thông tin đến doanh nghiệp và bà con nông dân về chuỗi và vai trò của mình trong chuỗi. Đồng thời, nhà nước hỗ trợ vốn, kỹ thuật sản xuất, quản lý cho người nông dân cũng như hỗ trợ doanh nghiệp về thuế, đất đai, ... để khuyến khích các tác nhân này tham gia chuỗi.
“Việc kiểm soát chặt chẽ và xử lý nghiêm khi phát hiện sai phạm trong bất cứ khâu nào thuộc chuỗi, phải được tiến hành thường xuyên, liên tục, hình thành văn hóa kỷ luật trong việc xây dựng và duy trì thương hiệu của chuỗi sản xuất thực phẩm an toàn, khuyến khích các đơn vị tham gia chuỗi, từng bước hình thành vùng sản xuất thực phẩm an toàn tập trung” – ông Luân nói.
Thay đổi cơ cấu đầu tư cho ngành tôm
Mặc dù đã có rất nhiều chương trình và chính sách thúc đẩy chuỗi thủy sản được ban hành ở cấp trung ương và địa phương nhưng vẫn còn nhiều bất cập và hạn chế cản trở sự phát triển bền vững của toàn ngành. Trước tiên, mức đầu tư cho ngành thủy sản nói chung và đầu tư phát triển chuỗi giá trị thủy sản còn rất hạn chế. Mức đầu tư cơ sở hạ tầng ngành thủy sản chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng vốn đầu tư khoảng 480.000 tỷ đồng của ngành nông lâm ngư nghiệp giai đoạn 2016 - 2020. Các điều kiện tiếp cận vốn ODA cũng không còn nhiều. Các doanh nghiệp FDI thì ngần ngại vấn đề quy hoạch, các chính sách tích tụ đất đai để đầu tư sản xuất.
Nhiều doanh nghiệp muốn đầu tư sản xuất lớn nhưng không thể tích tụ được ruộng đất. |
Cụ thể tại địa phương, bà Quách Thị Thanh Bình – Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Sóc Trăng cho biết: Ngành thủy sản cũng hỗ trợ kết nối với các ngân hàng để hướng các HTX sử dụng vốn vay hiệu quả và cũng hướng bà con tìm cách vay có nguồn vốn tái sản xuất. Thế nhưng hiện nay, nói là liên kết nhưng chưa tìm được tiếng nói chung, mắt nào biết mắt đó. Đơn cử, giống 1 HTX có thể liên kết với 3-4 DN do tất cả các thành viên chưa có thống nhất chung. Tinh thần làm ăn riêng lẻ còn cao. Nếu cơ quan quản lý Nhà nước can thiệp mạnh thì họ lại nghi ngờ mình có lợi ích gì trong đó.
Vướng mắc về vốn hiện nay vẫn là bài toán lớn nhất trong khi phần lớn sổ đỏ của người nuôi tôm đã được đưa đi cầm cố ngân hàng. Liệu giải pháp về hợp tác công tư cho hạ tầng vùng nuôi tôm liệu có khả thi? Bà Quách Thị Thanh Bình cho rằng: “Việc này hoàn toàn có thể làm được, về điện, giao thông, thủy lợi. Sóc Trăng khoảng 3 năm nay mới có cụm từ “thủy lợi phục vụ thủy sản”, còn trước đó là thủy lợi đa mục tiêu. Các trang trại cần điện 3 pha sản xuất. Họ sẵn sàng bỏ hàng trăm triệu ra để xây trạm rồi bàn giao cho điện lực. Trong quá trình sử dụng thì bị xuống cấp, rò rỉ, đề nghị tu bổ lại thì ngành điện lực lại báo là để tới năm này, năm này giống như đợi qui hoạch. Người dân phản ứng mạnh lắm, vì họ bỏ tiền ra đầu tư rồi giờ chỉ cần tu bổ thì lại không cho. Bắt mua đồ, thu tiền của người ta, khi hỏng lại không tu sửa”.
Chia sẻ khó khăn của người nuôi tôm, theo ông Võ Văn Phục – Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Vina Cleanfood: “Ngân hàng không nhiệt tình đầu tư vào nuôi tôm do họ có những nợ xấu rất lớn. Nhà máy của chúng tôi rất muốn liên kết với người nuôi. Đầu ra của ngành tôm lúc nào cũng rất vững, chúng ta có cơ cấu thị trường mạnh ở Nhật, Mỹ, châu Âu… không lệ thuộc thị trường Trung Quốc”.
Nhiều người nuôi tôm không thể tiếp cận được vốn để mở rộng sản xuất. |
Đề xuất chính sách tài chính cho người nuôi tôm, theo ông Võ Văn Phục, vấn đề lãi suất là hàng đầu, vì xét lợi ích kinh tế xã hội, người nông dân tạo ra được nhiều giá trị từ việc nuôi tôm. Họ đóng thuế tất cả các đầu vào, giải quyết công ăn việc làm, kích thích các ngành liên quan rất lớn. Trong ngành tôm, cốt lõi nhất là nuôi tôm, 100 đồng xuất khẩu tôm thì có tới 60 đồng lợi ích chứ không giống như may mặc hay điện thoại. Nhà nước phải ưu đãi nông dân lãi suất thì người ta sẽ mạnh dạn đầu tư. Hiện nay lãi suất quá cao, không cạnh tranh được với các nước.
Được biết, tháng 8 vừa qua, Bạc Liêu đã chính thức triển khai thử nghiệm 03 mô hình vay theo chuỗi trong tôm lấy mô hình điểm là: mô hình công ty Tôm Miền Nam; Mô hình công ty Âu Vững; Mô hình công ty Thiên Phú. Việc thực hiện này sẽ dựa trên một bộ quy tắc cho vay bền vững theo chuỗi đã được phát triển dựa trên bản dự thảo (minh bạch về tài chính; có cam kết; có cơ chế xử phạt....). Để giảm thiểu rủi ro cho các bên, bên cấp vốn sẽ không chi tiền mặt như trước đây mà luân chuyển dòng tiền giữa các bên và bằng giao dịch ngân hàng./.