Không dễ thu hẹp khoảng cách giữa Mỹ-Triều trong đàm phán hạt nhân
Bộ trưởng Thống nhất Kim Yeon-chul. (Nguồn: The Straits Times) |
Bộ trưởng Thống nhất Hàn Quốc Kim Yeon-chul ngày 23/9 cho rằng việc thu hẹp khoảng cách giữa Mỹ và Triều Tiên trong các cuộc đàm phán hạt nhân song phương sẽ không phải là một nhiệm vụ dễ dàng, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng lòng tin để thúc đẩy các cuộc đàm phán đang bị đình trệ.
Theo phóng viên TTXVN tại Seoul, ông Kim đưa ra nhận định trên trong bối cảnh Washington và Bình Nhưỡng đang chuẩn bị nối lại đàm phán, trong đó cuộc đàm phán cấp chuyên viên dự kiến sẽ diễn ra trong những tuần tới.
Đặc phái viên mới của Triều Tiên về vấn đề hạt nhân Kim Myong-gil hôm 20/9 vừa qua đã hoan nghênh đề xuất của Tổng thống Mỹ Donald Trump về một "cách thức mới" để phá vỡ bế tắc trong các cuộc đàm phán và bày tỏ lạc quan về các cuộc đàm phán sắp tới.
Phát biểu tại một hội nghị ở Seoul, Bộ trưởng Kim Yeon-chul nhận định: "Nếu các cuộc đàm phán diễn ra, đó sẽ là một cơ hội tốt để đánh giá hướng đàm phán phi hạt nhân hóa."
Tuy nhiên, ông nêu rõ không dễ gì thu hẹp khác biệt về lập trường mà hai bên đã khẳng định tại Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều hồi tháng Hai vừa qua.
Ông Kim Yeon-chul nhấn mạnh: "Hai bên cần khôi phục lòng tin lẫn nhau. Rất khó xây dựng lòng tin trong khi vẫn duy trì chính sách thù địch."
Ông Kim Yeon-chul khẳng định Chính phủ Hàn Quốc sẽ làm những gì có thể và phối hợp chặt chẽ để các cuộc đàm phán cấp chuyên viên Triều-Mỹ có kết quả tốt.
Bộ trưởng Thống nhất Hàn Quốc cũng cam kết nối lại quan hệ liên Triều, nhấn mạnh vai trò của hai miền Triều Tiên trong việc xây dựng hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên.
Ngày 20/9 vừa qua, các phái viên hàng đầu của Mỹ và Hàn Quốc đã gặp nhau tại thủ đô Washington để thảo luận về lập trường hai bên trước khi đàm phán phi hạt nhân hóa Mỹ-Triều Tiên có thể được nối lại.
Động thái trên diễn ra trong bối cảnh Triều Tiên mới đây đã đề cập một cuộc gặp với Mỹ có thể diễn ra vào cuối tháng Chín này song nhấn mạnh Washington cần đưa ra một đề xuất mà Bình Nhưỡng có thể chấp nhận được.
Cho đến nay, Triều Tiên vẫn duy trì lập trường phải nới lỏng trừng phạt và đảm bảo an ninh cho Bình Nhưỡng trước khi có bất cứ cuộc thảo luận nào về phi hạt nhân hóa.
Song, theo đặc phái viên Hàn Quốc, gần đây Triều Tiên đã chuyển trọng tâm từ yêu cầu nới lỏng trừng phạt sang những đảm bảo an ninh, do đó Hàn Quốc và Mỹ đang thảo luận và nghiên cứu các cách thức giải quyết vấn đề trong tình hình mới./.