Triều Tiên phóng tên lửa: Phép thử sự kiên nhẫn và thành ý đối thoại
Bán đảo Triều Tiên trong tuần qua lại bất ngờ tăng nhiệt với việc Triều Tiên liên tiếp phóng các vật thể bay về phía biển Nhật Bản. Bước đi mới nhất của Triều Tiên cho thấy sự “bất mãn” gia tăng của nước này trước bế tắc trong các cuộc đàm phán hạt nhân với Mỹ, cũng như sự đình trệ trong các dự án hợp tác kinh tế liên Triều, đồng thời là phép thử sự kiên nhẫn và thành ý đàm phán của tất cả các bên, trong đó có Hàn Quốc, Mỹ và thậm chí cả Triều Tiên.
Các vụ phóng tên lửa của Triều Tiên cho thấy sự “bất mãn” gia tăng của nước này trước bế tắc trong các cuộc đàm phán hạt nhân với Mỹ. Ảnh: Irish Times |
Cuộc diễn tập "tấn công tầm xa" và thử nghiệm “vũ khí chiến thuật có điều khiển loại mới” của Triều Tiên trong tuần này đã làm tình hình an ninh trên bán đảo Triều Tiên nóng lên sau một thời gian dài bình yên, khi nước này ngừng các vụ thử hạt nhân và tên lửa để tham gia vòng đàm phán phi hạt nhân hóa.
Ngay sau vụ phóng của Triều Tiên, các nước liên quan đã có những phân tích về các loại vũ khí mà Triều Tiên đưa ra thử nghiệm. Nhật Bản và Hàn Quốc cho rằng, đây có thể là tên lửa tầm ngắn, còn Mỹ nghĩ đó là tên lửa đạn đạo. Các bước đi mới nhất của Triều Tiên có thể đặt dấu chấm hết cho điều mà Tổng thống Mỹ Donald Trump từng ca ngợi là thành quả lớn nhất của mình: Triều Tiên ngừng thử nghiệm vũ khí. Đây là điều luôn được Tổng thống Trump tự hào nhấn mạnh trong các tuyên bố trước đó về Triều Tiên, khi đối mặt với các chỉ trích cho rằng Mỹ đang quá nhượng bộ với Triều Tiên.
“Tôi nghĩ chúng ta đang làm rất tốt về vấn đề Triều Tiên, với các bước tiến được đưa ra. Khi tôi bắt đầu nhậm chức, có các vụ thử hạt nhân và tên lửa liên tục. Tuy nhiên, thời gian qua chúng ta đã đạt được bước tiến với việc trao trả con tin, trao trả hài cốt binh lính Mỹ trong chiến tranh và thành quả lớn hơn nữa là không có các vụ thử mới từ phía Triều Tiên”, ông Trump nói.
“Đánh”vào niềm tự hào của ông Donald Trump hơn một năm qua nhưng phản ứng của Tổng thống Mỹ được đánh giá là khá mềm mỏng và thận trọng. Mặc dù bày tỏ “không vui” với các vụ phóng của Triều Tiên, nhưng không giận giữ và không có cảnh báo với “nút ấn hạt nhân” đầy sức mạnh, Tổng thống Mỹ cho rằng, các vụ phóng này không ảnh hưởng đến lòng tin, đồng thời bày tỏ hi vọng nhà lãnh đạo Triều Tiên không phá vỡ các cam kết của mình và hai bên sẽ đạt được thỏa thuận.
Bước đi mới nhất của Triều Tiên cũng đang thử thách sự kiên nhẫn của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in - người xây cầu nối đối thoại giữa Mỹ và Triều Tiên thời gian qua. Là người tâm huyết với chính sách thúc đẩy quan hệ liên Triều và làm hòa giải trong mối quan hệ Mỹ- Triều, Tổng thống Moon Jae-in đối mặt với sức ép không nhỏ trong nước khi bán đảo Triều Tiên thời gian qua liên tục đối mặt với các bất lợi với việc Hội nghị thượng đỉnh Mỹ- Triều lần 2 tại Hà Nội không đạt kết quả và mới nhất là các vụ phóng tên lửa của Triều Tiên. Mặc dù vậy, Tổng thống Moon Jae-in vẫn không từ bỏ các nỗ lực thúc đẩy đối thoại của mình, với chuyến thăm Mỹ gần đây và hàng loạt các đề xuất và kêu gọi hai bên nối lại đàm phán.
Sau vụ thử mới nhất của Triều Tiên, Tổng thống Hàn Quốc vẫn lạc quan về triển vọng đối thoại: “Triều Tiên phóng tên lửa không đe dọa trực tiếp đến Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc. Vì vậy, họ dường như đang rất thận trọng trong việc không muốn phá vỡ các cuộc đối thoại. Tuy nhiên với hành động của mình, Triều Tiên cũng đang thể hiện sự bất mãn”.
Thực hiện các vụ phóng liên tiếp trong vòng 5 ngày qua là phản ứng của Triều Tiên khi các cuộc đàm phán với Mỹ đang bế tắc và không có bước tiến trong hợp tác kinh tế liên Triều. Mặc dù vậy, các hành động của Triều Tiên được đánh giá là “ gây hấn mức độ thấp”, khi các vụ phóng đều rơi xuống biển mà không gây thiệt hại và ảnh hưởng đến an ninh nước nào. Điều này cho thấy sự kiên nhẫn và thành ý của Triều Tiên vẫn muốn tiếp tục đối thoại.
Hiện có nhiều nhận định về các bước đi của Triều Tiên. Nhiều người cho rằng đây là một bước đi thể hiện sự “bất mãn” của Triều Tiên, nhưng cũng có nhận định đây là chiến lược của Triều Tiên nhằm giành lợi thế trên bán đàm phán với Mỹ, đồng thời là lời cảnh báo đến Hàn Quốc rằng cần phải mạnh mẽ hơn trong việc tháo gỡ thế bế tắc hiện nay.
Mặc dù các bên đều thể hiện sự kiên nhẫn, thận trọng và quyết tâm không phá vỡ tiến trình đàm phán, nhưng giới quan sát cảnh báo, bất kì hành động leo thang nào xa hơn của Triều Tiên hay Mỹ cũng có thể khiến tình hình đảo ngược, đẩy bán đảo Triều Tiên vào một giai đoạn “ nguy hiểm “ hơn bao giờ hết./.