Khó khăn khi triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông mới với học sinh lớp 3
Trang thiết bị dạy học theo danh mục thiết bị dạy học tối thiểu của Bộ Giáo dục và Đào tạo là điều kiện thiết yếu cần phải đảm bảo

Năm 2022-2023 dự kiến Trường tiểu học Khôi Kỳ, huyện Đại Từ sẽ có 3 lớp 3 với 110 học sinh. Hiện nay, đội ngũ giáo viên dạy môn tiếng Anh đủ về số lượng và đáp ứng được yêu cầu giảng dạy môn học này trong năm học tới. Tuy nhiên, chỉ với 1 giáo viên hợp đồng, cơ sở vật chất thiếu thốn, trang thiết bị hư hỏng, thiếu đồng bộ, việc dạy môn tin học cho học sinh lớp 3 của nhà trường sẽ gặp nhiều khó khăn.

Cô giáo Lê Thị Thu Hà, Hiệu trưởng Trường tiểu học Khôi Kỳ, huyện Đại Từ cho biết: “Nhà trường đang xây dựng kế hoạch, rà soát giáo viên nào có trình độ tin học tốt, có khả năng học văn bằng 2 để động viên các đồng chí đi học, để trường có thể tiếp cận được với chương trình giáo dục phổ thông ở những năm tiếp theo…”.

Ông Trần Đăng Minh, Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Từ cho biết thêm: “Giải pháp của địa phương về việc thiếu giáo viên thì chia sẻ giữa cấp tiểu học và trung học sau khi sáp nhập. Các thầy cô vẫn dạy đủ định mức, rà soát trên địa bàn, bước sang đầu năm học chúng tôi sẽ đảm bảo 100% đội ngũ giáo viên Tiếng Anh và Tin học cho lớp 3”.

Bên cạnh phải đối mặt với những khó khăn do thiếu nguồn nhân lực, nhiều trường tiểu học trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên còn gặp phải những khó khăn do thiếu cơ sở vật chất, trang thiết bị hư hỏng hoặc không đáp ứng được việc giảng dạy môn Tin học và tiếng Anh cho lớp 3 theo chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Theo đại diện nhiều trường học, nếu đội ngũ giáo viên chưa đáp ứng được yêu cầu và cơ sở vật chất chưa được đầu tư thì chủ trương này khó thực hiện đồng bộ. Cô giáo Trần Thị Nhà, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tân Hoà, huyện Phú Bình chia sẻ: “Hiện tại nhà trường chưa có phòng học ngoại ngữ, phòng học Tin học thì máy móc thiếu, cấu hình thấp…”.

Ông Nguyễn Đình Toán, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Phú Bình cho biết: “Chúng tôi sẽ tích cực tham mưu cho UBND huyện để đầu tư mua sắm trang thiết bị, tuy nhiên số lượng máy tính cần rất nhiều nên nguồn lực có thể chưa đáp ứng được hết”.

Ông Nguyễn Văn Hưng, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thái Nguyên thông tin: “Sở tiếp tục có chỉ đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện ưu tiên tuyển dụng giáo viên sẽ được đưa vào chính thức từ lớp 3 là tiếng Anh và Tin học. Giải pháp thứ 2 là thực hiện rà soát, sắp xếp lại, bố trí lại vị trí công việc của giáo viên các môn ngoại ngữ và một số giáo viên hợp đồng môn Tin học ở các nhà trường một cách phù hợp. Về điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học thì bám sát theo danh mục thiết bị dạy học tối thiểu của Bộ, đây là điều kiện thiết yếu cần phải đảm bảo”.

Việc tổ chức dạy học, cho học sinh tiếp cận với tiếng Anh và Tin học là phù hợp, cần thiết, giúp phát triển toàn diện năng lực của học sinh. Tuy nhiên, từ chủ trương đi vào thực tế cần sự vào cuộc của ngành Giáo dục và Đào tạo và địa phương trong việc chuẩn bị nguồn nhân lực và cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu của thực tiễn./.