Khai thác giá trị văn hóa truyền thống dân tộc thiểu số gắn với phát triển kinh tế - đã psts 28.10
Gia đình chị Triệu Thị Thoa ở xã Hợp Tiến, huyện Đồng Hỷ thường xuyên may những bộ trang phục truyền thống của người Dao.

Gia đình chị Triệu Thị Thoa ở xã Hợp Tiến, huyện Đồng Hỷ thường xuyên may những bộ trang phục truyền thống của người Dao, không chỉ cung cấp cho bà con ở xã, mà còn được giới thiệu trên mạng xã hội để nhiều người biết đến hơn. Trang phục truyền thống của người Dao ở đây không chỉ có ở các phong tục, các dịp lễ hội mà còn sử dụng hàng ngày. Đây còn là vùng có nét đặc sắc và giá trị về những bản sắc văn hóa truyền thống của người Dao.

Chị Triệu Thị Thoa cho biết: "Các bà, các chị dạy cho tôi biết thêu từ khi mới 10 tuổi, bây giờ tôi biết may cả áo. Làm được bộ hoàn chỉnh thì mất khoảng 2 tháng. Mỗi bộ trang phục hoàn chỉnh của nữ gồm: áo choàng, yếm, khăn vấn đầu, vòng cổ, khăn quấn… tôi bán được từ 6 đến 7 triệu đồng".

Khai thác giá trị văn hóa truyền thống dân tộc thiểu số gắn với phát triển kinh tế - đã psts 28.10
Việc có thu nhập từ các nét văn hóa bản địa của bà con người Dao ở đây là điều đáng trân trọng trong thời kỳ hội nhập.

Với truyền thống gia đình nhiều đời làm đông y, ngay từ nhỏ, anh Triệu Văn Tiến ở xóm Bãi Bông, xã Hợp Tiến đã được cha ông truyền lại những bài thuốc dân gian. Đến năm 2016, sau khi được cơ quan có thẩm quyền cấp phép, anh Tiến mở phòng khám đông y tại gia đình. Một trong những tâm huyết của anh Tiến khi làm công tác đông y tại địa phương, đó là việc khôi phục lại bài thuốc tắm gia truyền để quảng bá về văn hóa truyền thống. Dịch vụ tắm thuốc ở gia đình anh Tiến trong những năm qua đã thu hút được sự quan tâm sử dụng của nhiều người. Việc có thu nhập từ các nét văn hóa bản địa của bà con người Dao ở đây là điều đáng trân trọng trong thời kỳ hội nhập.

Ông Nông Trọng Quyết, xã Đại Sảo, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn cho hay: "Tắm thuốc vừa ấm người, vừa thoải mái, mùi vị của thuốc rất thơm".

Anh Triệu Văn Tiến chia sẻ: "Đến nay, kinh tế gia đình tôi phát triển ổn định, nhà cửa chắc chắn nhờ nghề đông y".

Ông Bàn Sinh Thắng, Phó Chủ tịch UBND xã Hợp Tiến cho biết thêm: "Trong thời gian qua, chúng tôi khuyến khích bà con nhân dân vừa phát triển kinh tế vừa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, vừa tăng thu nhập cho gia đình, địa phương; hộ nghèo của địa phương giảm rõ rệt".

Còn tại huyện Định Hóa, những di sản văn hóa phi vật thể của người Tày, người Dao trong huyện cũng được coi là sản phẩm du lịch trải nghiệm khi địa phương này xây dựng đề án về Phát triển du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống các dân tộc. Theo đó, huyện dự kiến sẽ hình thành 3 sản phẩm du lịch. Qua đó, từng bước tạo sự gắn kết giữa phát triển du lịch cộng đồng và bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa - lịch sử trên địa bàn. Điều này cũng phù hợp với định hướng chung của tỉnh về mục tiêu nâng cao giá trị của ngành du lịch địa phương.

Ông Nguyễn Minh Tú, Chủ tịch UBND huyện Định Hóa nhấn mạnh: "Chúng tôi xác định chủ thể là người dân; thời gian tới, chúng tôi sẽ hỗ trợ nhiều cho người dân từ việc cải tạo lại nhà, cải tạo khu vệ sinh; tập huấn nhóm cộng đồng nấu nướng các món ăn truyền thống hay trang phục, đạo cụ, đội văn nghệ để phục vụ theo cộng đồng".

Bà Nguyễn Thị Mai, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Nguyên khẳng định: "Trong lĩnh vực du lịch, chúng tôi sẽ gắn kết chặt chẽ giữa việc phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc của tỉnh Thái Nguyên như các di sản văn hóa phi vật thể, các hệ thống di tích lịch sử, danh thắng trên địa bàn để gắn với phát triển du lịch bền vững".

Hoạt động bảo tồn văn hóa gắn với phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập của bà con dân tộc thiểu số là một trong những nội dung góp phần giúp tỉnh Thái Nguyên thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. Hoạt động bảo tồn văn hóa gắn với phát triển kinh tế cần được tiếp tục quan tâm, phát huy trong thời gian tới, để thực hiện hài hòa 2 mục tiêu là: bảo tồn và phát triển ở địa phương. Điều đó sẽ góp phần giảm nghèo nhanh, bền vững, thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập bình quân của vùng dân tộc thiểu số so với bình quân chung của cả nước./.