Xót xa phòng học phên nứa dột nát, không điện bên bờ sông Mã
Đứng bên tỉnh lộ 521 có thể nhìn thấy điểm trường lẻ bản Sậy, thuộc trường Tiểu học Trung Thành, huyện miền núi Quan Hóa. Tuy nhiên, để đến được điểm trường này phải qua chiếc cầu treo và vượt quãng đường gần 10 km men theo bờ sông Mã.
Mỗi khi trời mưa, con đường vào bản Sậy nhầy nhụa bùn đất và trơn trượt |
Nằm cạnh con đường nhỏ dẫn vào bản, được làm bằng tranh tre, nứa lá, nhìn từ xa, không ai nghĩ đó là một lớp học của nhiều học sinh bản Sậy. Thế nhưng, đã nhiều năm qua, bao thế hệ con em đồng bào dân tộc thiểu số học tập trong lớp học này.
Dột nát, không điện, không trang thiết bị dạy học, xung quanh được quây bằng những lớp phên nứa đan lại với nhau… là thực tế của lớp học nơi điểm trường này. Ngoài ra, điểm trường bản Sậy cũng thiếu bàn ghế học sinh, giáo viên, bảng viết giáo viên.
Lớp học của điểm trường bản Sậy |
Theo các thầy giáo cho biết, mỗi khi trời nắng còn có thể học được, nhưng mưa xuống thì lớp học phải nghỉ. Khổ nhất là vào mùa đông, thầy và trò phải đốt lửa ngay giữa phòng học, vừa để sưởi ấm, vừa lấy ánh sáng để học bài.
Khó khăn là vậy, nhưng bao nhiêu năm qua, thầy và trò nơi đây vẫn cùng nhau vượt qua và đã có biết bao thế hệ học sinh nơi bản làng vùng sâu được tiếp cận với con chữ từ lớp học này.
Cạnh lớp học tranh tre, nứa lá là hai phòng học kiên cố nhưng đó lại là nơi học tập của học sinh 4 khối lớp. Do phòng học không đủ nên khối 1 và khối 2 được ghép thành một lớp, còn khối 3 và 4 ghép thành một lớp.
Do thiếu phòng học nên học sinh các khối phải ngồi chung trong một phòng học |
Mỗi phòng học chỉ với một chiếc bảng và một thầy giáo phụ trách. Mỗi khi thầy giáo giảng bài cho lớp này, thì học sinh lớp khác cùng nghe. Khó khăn, bất cập là thế, nhưng không còn cách nào khác bởi điều kiện đi lại khó khăn, các em không thể ra điểm trường chính để học tập.
Không chỉ thiếu thốn về cơ sở vật chất mà hiện tại điểm trường này có 5 khối học nhưng cũng chỉ có hai thầy giáo phụ trách. Vì thiếu giáo viên nên các thầy giáo vừa phải dạy lớp ghép, vừa phải đứng lớp hai buổi/ngày.
Thầy giáo Lò Văn Thơm cho biết: Điểm trường có 34 học sinh, có 5 khối nhưng chỉ có 3 phòng học, trong đó 2 phòng học kiên cố và một phòng học bằng tranh tre.
Thầy giáo Lò Văn Thơm đã có 5 năm gắn bó với mảnh đất này |
Cũng đã 5 năm, thầy Thơm gắn bó với mảnh đất này. Sau khi tốt nghiệp đại học, thầy Thơm đi dạy hợp đồng rồi được biên chế về điểm trường bản Sậy. Nơi thầy công tác cách xa nhà khoảng 140km, có khi cả tháng trời mới về thăm gia đình được một lần.
“Ở đây vất vả, thiếu thốn đủ thứ, thiếu giáo viên, thiếu phòng học, đường đi lại khó khăn, nhất là về mùa mưa; điện chưa có, không tiếp cận được thông tin đại chúng”, thầy Thơm chia sẻ.
Còn thầy Hà Văn Khoa cũng lên đây công tác được 5 năm, chia sẻ: “Khổ nhiều rồi cũng thành quen, mình vất vả đã đành, còn học sinh ở đây thiệt thòi nhiều quá nên rất thương các cháu”.
Thầy Hà Văn Khoa cũng đã có "thâm niên" 5 năm cắm bản |
Mặc dù điều kiện công tác, sinh hoạt khó khăn, vất vả nhưng đã 5 năm nay, với tình yêu học trò, các thầy giáo vẫn hàng ngày bám bản, đứng lớp gieo chữ cho học sinh nghèo nơi đây.
Theo báo cáo của trường Tiểu học Trung Thành, điểm trường bản Sậy là điểm lẻ vất vả, xa xôi nhất của xã, cách điểm trường chính 12km. Cả bản có 73 hộ dân, 100% học sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó hộ nghèo chiếm 68%.
Lớp học "nhiều không" nơi điểm trường lẻ |
Do không có phòng ở bán trú nên học sinh phải tự mang cơm đi ăn. Nhiều học sinh đi học phải băng đèo, vượt suối. Ngoài ra, do điều kiện địa lý nên học sinh không có sân chơi.
Đã bao năm qua, bà con dân bản và các thầy cô giáo mơ ước có một phòng học đúng nghĩa để các em học sinh cũng như thầy giáo yên tâm dạy và học...