Ở nơi học trò thấy thầy cô là tán loạn chạy lên rừng… bỏ trốn
Cảnh tượng "cười ra nước mắt" như trên không hiếm ở các điểm trường miền núi, dân tộc thiểu số.
"Dù là giáo viên dạy THCS nhưng tôi vẫn thường xuyên cùng với các thầy cô khác phải đi bộ mấy mấy tiếng đồng hồ mới tới bản có học sinh. Các trò ở trên cao thấp thoáng thấy bóng thầy cô đến đầu bản để vận động tới lớp là lại chạy tán loạn lên rừng để trốn chứ không chịu gặp. Lúc ấy vừa bực, vừa thương mà cũng vừa buồn cười", cô Hà Thị Thao kể.
Học sinh vùng cao thấy thầy cô lên bản tìm thì bỏ chạy (ảnh minh họa: Lệ Thu) |
Theo cô Thao, do vận động mất nhiều ngày nên bị chậm chương trình. Các thầy cô lại phải kèm cặp lại từ đầu cho đến khi các em bắt kịp chương trình thì thôi. Công việc này tốn không ít thời gian của người thầy.
Khó khăn là vậy nhưng dù có thế nào thì thầy cô vẫn kiên trì bám trường, bám lớp để vận động, dạy dỗ học trò. "Bản tính các em học sinh ở vùng cao thường nhút nhát. Các thầy cô phải vận động thật khéo thì các em mới đến lớp học", cô Thao cho biết.
Cô giáo vùng cao trong một chuyến vào bản vận động học sinh đến trường. Ảnh: NVCC. |
Chia sẻ với PV Dân trí, cô giáo Vàng Thị Hiền (Giáo viên trường tiểu học xã Mường Mít, huyện Than Uyên tỉnh Lai Châu) cho biết, bản thân cô là một người dân tộc Thái - sinh ra, lớn lên, học tập và cống hiến ngay trên mảnh đất quê hương nhưng cũng gặp rất nhiều khó khăn khi vận động học trò đến lớp.
Theo cô Hiền, thầy cô muốn vận động được học sinh đến lớp đầu tiên phải tìm hiểu lí do tại sao học sinh không đến lớp, sau đó tùy hoàn cảnh mà vận động.
“Có trường hợp gia đình thường xuyên bắt con nghỉ học để phụ bố mẹ việc nhà, trông em, thậm chí là chăn trâu. Những trường hợp đó thì thầy cô phải làm sao nói để phụ huynh hiểu ý nghĩa của việc học, rồi nói với phụ huynh, học sinh rằng các em có thể phụ giúp gia đình một số việc trong nhà phù hợp với độ tuổi của các em vào các buổi chiều sau tan trường”, cô Hiền chia sẻ.
Cũng theo nữ giáo viên này, nhiều em ngại đi học do nhà xa trường lắm, phải đi bộ mấy cây số, có em phải lội suối. Nhất là những hôm mưa học sinh nghỉ nhiều, hoặc vào mùa vụ các em hay nghỉ học. Năm nay lại không có chính sách hỗ trợ phát sách cho học sinh vùng cao nữa mà gia đình phải tự mua. Nhiều gia đình khó khăn không mua được sách vở đồ dùng cho con làm các em không muốn đến lớp học.
“Các em chủ yếu là dân tộc Thái, Mông, một số em là dân tộc Mán. Khó khăn nhất là vận động các em người Mông. Nhiều gia đình đến cái ăn còn không đủ nên nói gì đến mua sách vở đồ dùng cho con”, cô Hiền thở dài.
Nói về kỉ niệm đáng nhớ nhất trong nhiều năm vận động học sinh đi học, nữ giáo viên người Thái chia sẻ: “Mình nhớ năm học 2015 2016 - lúc đấy mình đang mang bầu. Lớp mình chủ nhiệm có trường hợp một em mồ côi bố, mẹ em thường xuyên đi làm và ở luôn trên lán, còn ở nhà chỉ có 3 anh em.
Em đó là út, hồi bé có lần em bị té xuống suối may cứu được nhưng cũng ảnh hưởng đến tâm lý khiến việc tiếp thu kiến thức có phần hạn chế. Em lại thường xuyên nghỉ học đi chơi nhưng lại nói dối mẹ và anh chị là đến lớp. Hầu như ngày nào đi làm mình cũng phải qua nhà em đó để đón em đến lớp rồi xin nhà trường cho em suất học bổng để động viên”.
Có lần vào kỳ thi học kỳ, trời mưa tầm tã, cô Hiền vẫn cố gắng leo đồi lên lán nhà em gọi và đón em xuống trường đi thi.
“Nhiều lúc nghĩ cũng thương các em lắm, đang tuổi ăn tuổi học nhưng ngoài giờ học phải giúp bố mẹ nhiều công việc, thậm chí là việc đồng áng rất vất vả”, cô giáo vùng cao trăn trở.
Nhiều gia đình đến cái ăn còn không đủ, không có sách vở, đồ dùng mới nhiều em học sinh vùng cao rất ngại đến trường (ảnh: CTV) |
Thầy cô mắc "nợ xấu" vì học trò
Thầy giáo Phạm Quốc Bảo - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nậm Manh (huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu) cho biết, năm nào vào dịp tựu trường các thầy cô phải tỏa đi các bản nơi có học sinh để vận động các em đến lớp.
"Do điều kiện trên này chủ yếu là đồng bào dân tộc ít người, thấy thầy cô giáo đến nhà hỏi thăm và vận động thì họ bảo cho cháu nghỉ ở nhà làm nương để kiếm bắp ngô chứ đi học thì xa quá, nhà lại nghèo không có tiền mua sách vở. Chúng tôi phải thuyết phục mãi họ mới đồng ý cho con đi học trở lại”.
Công cuộc vận động các em học sinh miền núi tới trường rất gian nan (ảnh: Lệ Thu) |
Tuy nhiên, dịp đầu năm các em cần phải đóng tiền để mua SGK thì nhiều em không đóng. Nhiều lúc thầy cô phải bỏ tiền của mình ra tạm ứng để mua sách vở, đồ dùng học tập cho các em. Đến khi gặp gia đình thì bố mẹ bảo nhà không có tiền trả đâu, có khi lại phải cho cháu nghỉ học ở nhà thôi. Thế nên chúng tôi cũng chẳng hỏi thêm nữa, tất cả vì tương lai của học trò", thầy Bảo bộc bạch.
Tương tự, thầy giáo Vi Văn Tiến - Giáo viên Trường Tiểu học Mường Pồn (tỉnh Điện Biên) cũng cùng chia sẻ, nhiều em học sinh cứ về nghỉ hè với gia đình là tới năm học mới lại ngại đi học lại.
"Do đặc thù tư duy của đồng bào nơi đây có nhiều gia đình sinh nhiều con, chúng tôi phải thường xuyên phối hợp với cán bộ bộ đội biên phòng tới tận nhà đón và đưa các em tới trường. Nếu chỉ vận động “hơi hơi” là các em không đi học đâu. Lắm lúc phải dùng mẹo để học trò tới trường đấy", thầy Tiến cho biết.
Cần cộng đồng chung tay “nâng bước” học sinh vùng cao
Là một đơn vị đã từng làm công tác đỡ đầu cho các em học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn từ năm 2014 cho đến nay, cán bộ chiến sĩ đồn biên phòng Mường Pồn (huyện Điện Biên tỉnh Điện Biên) rất trăn trở với thực trạng học sinh miền núi “ngại” đến trường.
Điểm trường Huổi Ké - Trường Tiểu học số 2 Mường Pồn điều kiện rất khó khăn. Ảnh: CTV. |
Thiếu tá Trần Anh Tuấn - Chính trị viên phó Đồn Biên Phòng Mường Pồn (Bộ đội Biên phòng tỉnh Điện Biên) cho biết: "Song song với nhiệm vụ chính trị của lực lượng trong việc bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia, chúng tôi cũng thường xuyên phối hợp với lãnh đạo các trường trên địa bàn để thực hiện chương trình 'Nâng bước em đến trường' hỗ trợ các em học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
Chúng tôi đang lựa chọn 4 cháu khó khăn nhất để hỗ trợ mỗi tháng 500.000 đồng/cháu. Đây là tiền từ các cán bộ, chiến sĩ ở đồn đóng góp từ tiền lương hàng tháng mỗi người một ít để trao trực tiếp cho các cháu. Chúng tôi cũng cố gắng duy trì để nếu có cháu nào học tốt, sẽ được nhẫn hỗ trợ hàng tháng đến khi các cháu học hết lớp 12".
Điều kiện kinh tế của đa phần người dân ở miền núi còn khó khăn, Thiếu tá Trần Anh Tuấn mong muốn sự chia sẻ, quan tâm và đóng góp của các tổ chức, cá nhân có lòng hảo tâm để giúp các em học sinh những vùng rẻo cao của tổ quốc có một năm học mới thật đủ đầy.