Chiều 21/3, trong khuôn khổ chuyến công du châu Âu (Italy, Công quốc Monaco và Pháp), Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đến thủ đô Rome, Italy bắt đầu chuyến thăm chính thức nước này. Dự kiến, trong cuộc gặp giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và các nhà lãnh đạo Italy, 2 bên sẽ thảo luận các biện pháp nhằm tăng cường quan hệ song phương, quan hệ Trung Quốc - Liên minh châu Âu (EU) cũng như các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm.

italy trai tham do tiep don chu tich trung quoc tap can binh
Italy “trải thảm đỏ” tiếp đón Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: CNN

Các nguồn tin chính thức cho biết, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dự kiến sẽ có các cuộc hội đàm với Tổng thống Italy Sergio Mattarella và Thủ tướng Giuseppe Conte, gặp lãnh đạo hai viện trong Quốc hội Italy. Chủ tịch Tập Cận Bình và Thủ tướng Conte cũng sẽ chứng kiến lễ ký kết các văn kiện hợp tác giữa hai nước trong các lĩnh vực ngoại giao, kinh tế và thương mại, văn hóa, tài chính và cơ sở hạ tầng.

Theo các nhà phân tích, việc Chủ tịch Tập Cận Bình chọn Italy là chặng dừng chân đầu tiên không phải là ngẫu nhiên, nhất là sau khi Italy mới đây đã trở thành quốc gia đầu tiên trong nhóm G7 quyết định tham gia dự án “Vành đai và Con đường”.

Người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc Cao Phong cho biết: “Chúng tôi hoan nghênh Italy tích cực tham gia sáng kiến Vành đai và Con đường. Trung Quốc và Italy có không gian rộng rãi để hợp tác trong các lĩnh vực thương mại, đầu tư, cơ sở hạ tầng, tài chính, y tế. Chúng tôi hoan nghênh nhiều quốc gia khác cùng tham gia Sáng kiến Vành đai và Con đường, để cùng phát triển và mang lại lợi ích cho các quốc gia liên quan".

Trước đó, trong bài viết gửi cho báo chí Italy đăng tải trước chuyến thăm, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bày tỏ hy vọng sẽ cùng với các nhà lãnh đạo Italy phác thảo những đường hướng lớn cho mối quan hệ song phương và đưa mối quan hệ này bước vào kỷ nguyên mới. Trung Quốc mong muốn tăng cường phối hợp với Italy trong các vấn đề quốc tế như biến đổi khí hậu và nhiều chủ đề quan tâm khác tại các diễn đàn quốc tế như Liên Hợp Quốc, Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và Nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu (G20).

Về phần mình, Thủ tướng Italy Conte cho biết, hợp tác giữa Italy và Trung Quốc hứa hẹn một triển vọng to lớn: “Chúng tôi có thể hợp tác với nhau trong nhiều lĩnh vực như: nông nghiệp, đô thị hóa bền vững, hàng không, giao thông, cơ sở hạ tầng và những lĩnh vực khác. Chính phủ Italy đã quyết định tham gia Sáng kiến Vành đai và Con đường, vì với vị trí địa lý của mình, thì Italy là điểm cuối của Vành đai và Con đường. Tôi cũng đã nhận lời mời tham gia Diễn đàn Vành đai và Con đường sẽ diễn ra vào tháng Tư ở Trung Quốc".

Sáng kiến Vành đai và Con đường được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình công bố vào năm 2013. Đây là khuôn khổ thương mại và cơ sở hạ tầng khổng lồ nhằm liên kết Trung Quốc với châu Âu, châu Phi và châu Á thông qua một loạt các cảng, đường sắt và đường bộ được Trung Quốc tài trợ dọc theo các hành lang giao thương đường bộ và đường biển.

Nếu ký thỏa thuận với Trung Quốc, Italy sẽ là thành viên đầu tiên của nhóm G7 (7 nền kinh tế hàng đầu thế giới) chính thức ủng hộ sáng kiến. Tuy nhiên, từ phía Châu Âu và các thành viên khác trong nhóm G7 vẫn còn những ý kiến nghi ngại đối với Sáng kiến này của Trung Quốc./.