Hạ viện Mỹ thông qua “Luật Bảo mật Thư điện tử”
Hạ viện Mỹ ngày 6/2 đã bỏ phiếu một dự luật yêu cầu các cơ quan thực thi pháp luật Mỹ phải có lệnh khám xét trước khi được quyền tiến hành tìm kiếm những thư điện tử cũ từ các công ty công nghệ.
Một cuộc họp của Hạ viện Mỹ. (Ảnh: Reuters) |
Đây được xem là chiến thắng đối với các công ty công nghệ lớn ở Mỹ vốn lo ngại chính quyền của ông Trump có thể sẽ mở rộng quyền giám sát Chính phủ đối với lĩnh vực công nghệ thông tin.
Cuộc bỏ phiếu của Hạ viện được thông qua với hình thức bỏ phiếu miệng. Dự luật mang tên “Luật Bảo mật Thư điện tử” (Email Privacy Act) dự kiến sẽ được chuyển đến Thượng viện để thông qua trước khi chính thức được triển khai trên thực tế. Tuy nhiên, giới phân tích lo ngại, dự luật sẽ vấp phải sự phản đối tại Thượng viện.
Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa John Cornyn– nhân vật quyền lực số 2 tại Thượng viện Mỹ đang chủ trương tìm cách sử dụng luật pháp như một công cụ nhằm cho phép Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) mở rộng hoạt động giám sát trong nước, một động thái được xem là nhằm xóa bỏ Luật Bảo mật Thư điện tử.
Các công ty công nghệ lớn tại Mỹ như Microsoft trong nhiều năm qua đã vận động hành lang tại Quốc hội yêu cầu Quốc hội thông qua “Luật Bảo mật Thư điện tử” trong đó yêu cầu các cơ quan chấp pháp phải có lệnh khám xét trước khi được quyền tìm kiếm các dữ liệu từ nhà cung cấp dịch vụ thông tin.
Tranh cãi về việc liệu các cơ quan chấp pháp có được quyền tiếp cận hệ thống dữ liệu điện tử hay không gia tăng tại Mỹ hồi năm ngoái sau khi hãng công nghệ Apple đệ đơn phản đối lệnh của một thẩm phán Mỹ yêu cầu hãng này hỗ trợ FBI “bẻ khóa” chiếc iPhone của thủ phạm vụ xả súng ở bang California.
Phía Apple cho rằng, yêu cầu của FBI là một động thái nguy hiểm, phá vỡ một số tính năng bảo mật quan trọng, đồng thời phá bỏ những thành tựu về bảo mật mà hãng này đã đạt được trong nhiều thập kỷ qua để bảo vệ khách hàng.
Cuộc chiến pháp lý giữa Chính phủ Mỹ và “đại gia” công nghệ cũng tạo ra hai luồng ý kiến trái ngược. Một bên là các hãng, tập đoàn và chuyên gia công nghệ lên tiếng ủng hộ Apple và một bên là các cơ quan thực thi pháp luật và an ninh lại cho rằng phán quyết đứng về phía Apple có thể ảnh hưởng đến công tác điều tra và thực thi pháp luật./.