Góp phần đưa tri thức đến học sinh dân tộc thiểu số vùng khó khăn
Tủ sách thư viện mới giúp học sinh vùng dân tộc thiểu số có điều kiện học tập tốt trong thời gian tới

Là trường với đa số các em học sinh người dân tộc thiểu số, những năm qua, từ nhiều chương trình khác nhau, Trường Tiểu học Đông Bo, xã Tràng Xá, huyện Võ Nhai đã được đầu tư cơ bản về cơ sở vật chất, trang thiết bị đáp ứng tốt cho nhu cầu học tập và giảng dạy của nhà trường.

Tuy nhiên, thư viện của nhà trường chưa thực sự phong phú và đa dạng, các loại sách và đồ dùng trang thiết bị học tập cho các em học sinh còn hạn chế. Với mục đích hỗ trợ thầy cô giáo và các em học sinh có đủ trang thiết bị phục vụ việc dạy và học, mới đây Hội đồng Dân tộc của Quốc hội phối hợp với các doanh nghiệp đã trao tặng nhà trường một tủ sách thư viện. Đây là việc làm ý nghĩa, thiết thực thể hiện sự quan tâm đến thế hệ trẻ, học sinh ở khu vực vùng sâu, vùng xa, địa bàn khó khăn.

Em Chu Minh Ngọc, lớp 4A,Trường Tiểu học Đông Bo, huyện Võ Nhai cho biết: “Bây giờ có thư viện mới em rất vui, cảm ơn thầy cô, các bác, các chú đã ủng hộ”.

Nằm trong khuôn khổ chương trình “Ươm mầm tri thức năm 2021”, trong đợt này, các nhà tài trợ đã trao tặng 2 huyện Đồng Hỷ và Võ Nhai 15 tủ sách thư viện cho 15 trường học trên địa bàn. Ngoài ra, tỉnh Thái Nguyên cũng trao tặng các phần quà để góp phần xây dựng tủ sách thư viện cho các trường thêm phong phú.

Cũng nhân dịp này, 250 suất học bổng, mỗi suất trị giá 1 triệu đồng đã được trao cho các học sinh người dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn. Các phần quà được trao tặng sẽ góp phần giúp các trường và học sinh dân tộc thiểu số có điều kiện học tập tốt trong thời gian tới.

Em Hoàng Thanh Trúc, lớp 5A, Học sinh Trường Tiểu học Đông Bo, huyện Võ Nhai chia sẻ cảm xúc: “Con được nhận học bổng con thấy rất vui và cảm ơn các cô chú đã trao học bổng và con sẽ nỗ lực học giỏi”.

Cô giáo Vũ Thị Hồng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đông Bo, huyện Võ Nhai khẳng định: “Hôm nay được nhận trao tặng, tôi cho rằng đây là những phần quà rất ý nghĩa đối với thầy trò nhà trường. Học sinh sẽ có động lực để học tốt hơn. Thầy trò có sách hay để tiếp tục nỗ lực dạy và học tốt hơn”.

Với những việc làm cụ thể, phù hợp với điều kiện thực tiễn, cộng thêm sự hỗ trợ kịp thời của các đơn vi, doanh nghiệp, công tác giáo dục và đào tạo nói chung, chất lượng giáo dục ở vùng dân tộc thiểu số nói riêng đang từng bước được nâng cao.

Tuy nhiên, để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục và đào tạo vùng dân tộc thiểu số và miền núi, cần phải có sự chung tay của cả hệ thống chính trị, tập trung nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo để đổi mới, phát triển với tốc độ nhanh hơn, chất lượng giáo dục ngày càng cao hơn và rút ngắn khoảng cách về chất lượng giáo dục và đào tạo giữa các vùng trong tỉnh./.