Gi
Rất nhiều người đã bị đái tháo đường mà không biết mình mắc bệnh.

Quan niệm trước đây cho rằng tiểu đường là bệnh của nhà giàu! Nhưng, qua thực tế khám sàng lọc, phát hiện sớm bệnh đái tháo đường mới đây của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thái Nguyên tại khu vực nông thôn cho thấy bệnh đã và đang xuất hiện nhiều ở vùng kinh tế - xã hội còn khó khăn. Điều đáng lo ngại là có rất nhiều người đã bị đái tháo đường mà không biết mình mắc bệnh.

Ông Nguyễn Văn Sửu - Xã Phúc Trìu, TP Thái Nguyên cho biết: "Tôi ăn được, ngủ được nhưng nó cứ gầy, thế là nhờ người tiếp truyền cho 2 chai đạm, đến lần thứ 2 được hai, ba hôm thì ngã như người bị ung thư giai đoạn cuối, đi khám thì mới biết bị tiểu đường".

Qua triển khai chương trình khám, sàng lọc và truyền thông giải pháp phòng, chống bệnh không lây nhiễm tại một số phường, xã trên địa bàn tỉnh của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thái Nguyên cho thấy: Tỷ lệ mắc bệnh tiểu đường khu vực nông thôn, vùng ven đang tăng nhanh. Tuy số lượng không nhiều bằng khu vực thành thị, nhưng số ca mắc bệnh nặng lại nhiều hơn. Nguyên nhân dẫn tới tình trạng này, ngoài các yếu tố nguy cơ cao như người có tiền sử gia đình bị bệnh hay các yếu tố khác thì chế độ ăn, uống, thói quen về sinh hoạt, vận động vẫn là nguyên nhân hàng đầu làm gia tăng người mắc đái tháo đường.

Bà Đỗ Thị Sáu - Phường Gia Sàng TP Thái Nguyên cho biết: "Tôi bị tiểu đường gần 20 năm nay, nhưng chế độ ăn uống thì không kiêng gì vì con, cháu sợ thiếu chất bắt ăn nhiều thứ".

Còn với bệnh nhân Ngô Dân Tiến, cũng gần 20 năm nay từ khi phát hiện mình bị bệnh tiểu đường, ông lại luôn chú ý kiểm soát chỉ số đường huyết trong cơ thể để phòng ngừa, hạn chế biến chứng của bệnh.

Ông Ngô Dân Tiến - Phường Đồng Quang, thành phố Thái Nguyên cho biết: "Tuân thủ sự chỉ định của bác sĩ về chế độ ăn, uống, vận động hàng ngày. Vì vậy đường huyết của tôi luôn ở mức ổn định là 5,6...".

Gi

Cuộc sống hiện đại với thói quen ăn uống nhiều đạm, mỡ, ít vận động khiến con người dễ mắc các bệnh không lây nhiễm như tiểu đường, tim mạch, đột quỵ. Đặc biệt là bệnh tiểu đường đang gia tăng nhanh và ngày càng “trẻ hóa”; trong khi đó, nhận thức của cộng đồng về đái tháo đường còn rất thấp. Bởi vậy, để phòng, tránh bệnh đái tháo đường phải được mỗi người chú ý thực hiện từ khi còn đang khỏe!

TS. Bác sĩ Nguyễn Thu Hương - Trưởng Khoa khám bệnh, Bệnh viện Đa khoa TW Thái Nguyên khuyến cáo: "Đối với tất cả những người bình thường khi ở trong giai đoạn bình thường đã phải chú ý đến cái việc dinh dưỡng hợp lý, luyện tập hợp lý và thăm, khám định kỳ đặc biệt là những người có một số yếu tố, nguy cơ về rối loạn chuyển hóa hoặc có béo phì hoặc là có tăng huyết áp, thì nên kiểm tra định kỳ hàng tháng đặc biệt là ở nhóm người trên 40 tuổi nên đến gặp bác sĩ ít nhất là một năm hoặc là 6 tháng để định lượng đường huyết, kiểm tra các xét nghiệm để xem những rối loạn mới bắt đầu thì việc kiểm soát nó sẽ là rất là dễ".

Đái tháo đường tuy không lây nhưng có nhiều biến chứng mạn tính như: bệnh lý tim mạch, biến chứng mắt, bệnh lý thần kinh, tổn thương bàn chân, suy thận. Tuy nhiên, ĐTĐ có thể phòng tránh được bằng cách làm giảm nguy cơ mắc bệnh thông qua việc thay đổi lối sống từ việc kiểm soát chế độ ăn, uống; tăng cường chế độ vận động hàng ngày và chú ý khám bệnh định kỳ./.