Đề tài lịch sử Thái Nguyên trong các tác phẩm văn học
Nhà văn Hồ Thủy Giang, một tác giả có nhiều tác phẩm về đề tài lịch sử Thái Nguyên.

Trong quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc, có biết bao sự kiện lịch sử đã ghi dấu ấn trên mảnh đất Thái Nguyên - “phên giậu” che chắn phía Bắc kinh thành Thăng Long. Thường xuyên phải đối mặt với các thế lực ngoại bang, là điểm xuất phát triển khai lực lượng chống giặc ngoại xâm nơi miền biên ải…, chính vì vậy, nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã sớm hun đúc bản lĩnh kiên cường, bất khuất, góp phần xứng đáng vào chiến công chung của đất nước.

Giáo sư Sử học Lê Văn Lan nhận định: “Là một tỉnh giàu truyền thống, cơ sở cách mạng vững vàng mà đẹp đẽ, Thái Nguyên luôn giữ vững truyền thống của mình đã hình thành, rồi triển khai, rồi phát huy rực rỡ”.

Dù sinh sống và lớn lên trên mảnh đất khá mầu mỡ về đề tài lịch sử, nhưng đến nay, các nhà văn Thái Nguyên mới có khoảng gần 10 cuốn tiểu thuyết viết về đề tài này - một con số khá khiêm tốn trong khối lượng tác phẩm xuất bản mỗi năm của hội Văn học nghệ thuật tỉnh.

Nhà văn Hồ Thủy Giang, Hội viên Hội nhà văn Việt Nam chia sẻ: “Chúng ta vẫn nghe lời dạy của Bác Hồ “Dân ta phải biết sử ta”, nhưng thực tế là chúng ta làm chưa được bao nhiêu. Để làm cho lớp trẻ, đặc biệt là lớp học sinh, từ cấp 1 đến đại học, người ta phải hiểu trước hết về từng địa phương đã, thì chỉ bằng cách là viết tiểu thuyết”.

Còn nhà văn Phan Thái, Chi hội trưởng Chi hội Văn xuôi, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên cho rằng, cần có sự cân bằng giữa yếu tố lịch sử và văn học trong các tác phẩm về đề tài này: “Tiểu thuyết lịch sử, dù là viết về lịch sử, vẫn là một loại tiểu thuyết hư cấu. Cho nên, giữa phần hư cấu và lịch sử, cố gắng làm sao giải quyết làm sao cân bằng bối cảnh, sự kiện, nhân vật, với các tình huống diễn ra”.

Một điều dễ nhận thấy, đề tài lịch sử là một đề tài không phải bất cứ nhà văn nào cũng có đủ tâm huyết và điều kiện tiếp cận. Đặc biệt với các nhà văn, cây bút trẻ.

Tác giả Dương Văn Mưu, một tác giả trẻ cho biết: “Số lượng tác giả thành công ở lĩnh vực này, tôi nghĩ là vẫn còn rất là ít. Khi mà viết tiểu thuyết, hoặc truyện ngắn dựa trên nền tảng lịch sử, sẽ có những khó khăn, đặc biệt là với những người trẻ như chúng tôi. Thứ nhất là những sự kiện ấy mình chỉ được tìm hiểu qua sách báo, qua các tư liệu và chưa có sự trải nghiệm. Khi mà viết truyện ngắn, tiểu thuyết thì vấn đề trải nghiệm, vấn đề vốn sống là vô cùng quan trọng”.

Tác giả Trần Thị Hiền cũng thấy, mình cần thêm thời gian để trau dồi trong mảng đề tài này: “Bản thân tôi thấy đề tài về lịch sử là một đề tài rất hấp dẫn. Tuy nhiên, để khai thác được và viết thành một tác phẩm thì cần rất nhiều thời gian để nghiên cứu tìm tòi, thì mới có thể phản ánh được đầy đủ, chi tiết và chính xác”.

Với ngòi bút và tình yêu quê hương, các tác giả đều mong muốn, khối lượng tác phẩm văn học sẽ xứng tầm với giá trị lịch sử trường tồn của mảnh đất ATK. Thái Nguyên vẫn sẽ là miền đất nhiều hứa hẹn để các tác phẩm văn học, những bộ phim truyện về đề tài lịch sử ra đời và được tôn vinh./.