Công nghiệp Thái Nguyên phấn đấu về đích năm 2020
Giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh tính đến hết tháng 10 đạt gần 650 nghìn tỷ đồng, hoàn thành trên 80% kế hoạch năm và tăng 3,2% so với cùng kỳ. Đáng chú ý, ở cả ba khu vực kinh tế gồm: công nghiệp địa phương, công nghiệp có vốn đầu tư của nước ngoài và công nghiệp trung ương đều có chỉ số tăng trưởng dương.
Công ty CP Gang thép Thái Nguyên đang tích cực đẩy mạnh các hoạt động sản xuất và kinh doanh. |
Trong khó khăn chung của nền kinh tế, Công ty CP Gang thép Thái Nguyên vẫn duy trì ổn định sản xuất. Tính đến hết quý III, công ty đã hoàn thành trên 75% kế hoạch năm. Với vị trí thứ hai thị phần nội địa hiện nay, Công ty phấn đấu hoàn thành kế hoạch sản xuất và tiêu thụ trên 815 nghìn tấn sản phẩm các loại.
Ông Nguyễn Minh Hạnh, Tổng Giám đốc Công ty CP Gang thép Thái Nguyên cho biết: “Trong quý IV, đại dịch COVID-19 vẫn còn, cạnh tranh thị trường ngày càng khốc liệt, nhưng với kinh nghiệm, truyền thống, và những giải pháp của Công ty CP Gang thép Thái Nguyên hiện nay đã và đang thực hiện, chúng tôi chắc chắn sẽ hoàn thành kế hoạch năm 2020 đặt ra”.
Tính đến hết tháng 10, giá trị sản xuất công nghiệp khu vực có vốn đầu tư của nước ngoài đạt trên 580 tỷ đồng, tăng trên 2% so với cùng kỳ. Có thể thấy, trong từng thời điểm khó khăn, thay vì cắt giảm tối đa chi phí, như lực lượng lao động, thì các doanh nghiệp FDI vẫn cố gắng đảm bảo việc làm ổn định để “giữ chân” người lao động. Đây cũng chính là chìa khóa để các doanh nghiệp FDI duy trì ổn định sản xuất, chờ thời cơ vượt qua rào cản dịch COVID-19 thời gian qua.
Khu vực công nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài duy trì ổn định các hoạt động sản xuất. |
Chị Nguyễn Thị Thúy Mai, Công ty TNHH Electronics Hansol Việt Nam chia sẻ: “Trong dịch COVID-19 vừa rồi, rất may là công ty vẫn ổn định việc làm cho tất cả các bạn công nhân viên, nên chúng em không cần phải nghỉ việc và vẫn giữ được thu nhập”.
Ông Park Byung Kyn, Tổng Giám đốc Công ty TNHH DongSong Vina, đánh giá cao sự hỗ trợ từ các chính sách đầu tư của tỉnh Thái Nguyên: “Có nhiều lý do để chúng tôi đầu tư vào khu công nghiệp Điềm Thụy, Thái Nguyên. Trước hết, Thái Nguyên, KCN Điềm Thụy có hệ thống giao thông thuận lợi; ngoài ra, DongSong Vina luôn nhận được sự hỗ trợ kịp thời từ phía chính quyền địa phương, cụ thể là chính sách đầu tư có nhiều thuận lợi hơn so với các tỉnh lân cận. Và hơn thế, Thái Nguyên có nguồn lao động ổn định, đó là tài nguyên quý để phát triển các khu công nghiệp”.
Cũng như các doanh nghiệp có vốn đầu tư của nước ngoài, thời gian qua, nhiều lĩnh vực công nghiệp chủ lực của địa phương như: May mặc; vật liệu xây dựng; cơ khí.... đã đề ra nhiều giải pháp để trụ vững, duy trì ổn định sản xuất, kinh doanh.
Bên cạnh những khó khăn, dịch bệnh COVID-19 cũng tạo ra nhiều khoảng trống thị trường mà nhiều lĩnh vực công nghiệp của tỉnh có thể tiếp cận. Tận dụng tốt cơ hội trước xu hướng dịch chuyển mang lại lợi thế cho Việt Nam, nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chế biến, chế tạo của tỉnh đã chủ động xúc tiến thương mại, phấn đấu hoàn thành kế hoạch đề ra.
Nhiều lĩnh vực công nghiệp đang từng bước phục hồi hoạt động sản xuất trong quý III và hai tháng đầu quý IV cho thấy nhiều tín hiệu tích cực về tăng trưởng. Đây là cơ sở để ngành công nghiệp của tỉnh vượt qua rào cản COVID-19, hướng tới hoàn thành các chỉ tiêu năm 2020./.