Công nghiệp - Động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế
Kết thúc quý 1, sản xuất công nghiệp đạt gần 150.000 tỷ đồng, tăng 6,6% so với cùng kỳ. |
Kết thúc quý 1, sản xuất công nghiệp đạt gần 150.000 tỷ đồng, tăng 6,6% so với cùng kỳ, góp phần thúc đẩy tăng trưởng nhiều lĩnh vực như: xuất khẩu đạt 7,7 tỷ Đô la Mỹ, tăng 11,1%; tổng thu ngân sách Nhà nước tăng 7,2%… Trong thu hút đầu tư, 2 dự án FDI đã cấp giấy chứng nhận đầu tư mới, nâng tổng số dự án FDI còn hiệu lực trên địa bàn tỉnh lên 164. Số vốn gần 890.000 Đô la Mỹ của 2 dự án FDI mới đã được đầu tư vào ngành giáo dục, đào tạo và ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, hứa hẹn nhiều đột phá mới.
Ông Cheng Miao Xiao, Giám đốc Dự án Nhà máy phát triển năng lượng Trina Solar cho biết: "Chúng tôi đã tiến hành khảo sát thực địa tại 20 địa phương với hơn 30 khu công nghiệp, nhưng chúng tôi đã quyết định triển khai nhà máy thứ 2 của mình tại Thái Nguyên. Cơ sở hạ tầng đồng bộ, nguồn lợi dồi dào là những lý do khiến chúng tôi chọn đầu tư vào Thái Nguyên".
Với sự gia tăng nguồn lực từ khu vực FDI, sản xuất công nghiệp không chỉ tăng trưởng ổn định, mà cơ cấu nội ngành còn chuyển dịch theo hướng tích cực. |
Với sự gia tăng nguồn lực từ khu vực FDI, sản xuất công nghiệp không chỉ tăng trưởng ổn định, mà cơ cấu nội ngành còn chuyển dịch theo hướng tích cực khi ngành công nghiệp chế biến, chế tạo vươn lên mạnh mẽ, với mức tăng 6,7% và chiếm ưu thế tuyệt đối khi nắm giữ 99,3% tỷ trọng toàn ngành. Các doanh nghiệp của ngành công nghiệp này đang nỗ lực để trở thành các vender, trực tiếp cung cấp sản phẩm phụ trợ cho các thương hiệu lớn, có uy tín trong nước và quốc tế.
Ông Bùi Xuân Dũng, Giám đốc Công ty TNHH Thang máy - Cơ khí Tân Lập, TP Thái Nguyên thông tin: "Doanh nghiệp chúng tôi đã ra 1 đề án sẽ nâng công suất như sản phẩm hiện nay lên để làm phụ trợ cho nước ngoài, hiện nay, nhiều hãng đã đặt vấn đề, doanh nghiệp đang bắt đầu xây dựng 1 nhà máy tại Khu công nghiệp Sông Công 1".
Với sự năng động và nhạy bén, các doanh nghiệp đã chuyển hướng chiến lược kinh doanh, thay đổi phương thức sản xuất và cơ cấu sản phẩm… nhằm giảm tối đa những ảnh hưởng bởi sự đứt gẫy chuỗi giá trị toàn cầu. Từ đó, nhiều ngành công nghiệp truyền thống và thế mạnh của tỉnh như: sản xuất và phân phối điện, xi măng, may mặc… đã giữ vững “mục tiêu kép” và có những bước tiến dài.
Ông Nguyễn Sóng Gió, Phó Giám đốc Công ty CP Xi măng Quán Triều khẳng định: "Quý 1 đúng vào dịp Tết Nguyên đán vì thế sản lượng không cao như các quý khác, đặc biệt là tháng 2, tháng 3 khôi phục trở lại. Hiện nay, sự phát triển hồi phục lại công nghiệp tương đối tốt".
Xuất phát từ yêu cầu thực tiễn, trong quý 1, Chính phủ và tỉnh đã điều chỉnh quy mô, số lượng các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn, nhằm tăng cường thu hút đầu tư theo hướng phát triển công nghiệp công nghệ cao, chú trọng chất lượng tăng trưởng, bảo đảm tính bền vững, thân thiện với môi trường.
Ông Nguyễn Quốc Trung, Phó Trưởng Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Thái Nguyên nhấn mạnh: "Chúng tôi tăng cường công tác quản lý các quy hoạch, công bố quy hoạch, xây dựng đồng bộ các hạ tầng kỹ thuật để sẵn sàng có quỹ đất sạch, hạ tầng đồng bộ để kêu gọi, đón các nhà đầu tư".
Nhờ khả năng chống chịu tốt của nền kinh tế, sự quyết liệt, linh hoạt trong điều hành, quản lý của cấp ủy, chính quyền các cấp và sức sáng tạo, đoàn kết của cộng đồng doanh nghiệp, Thái Nguyên quyết tâm giữ vững “mục tiêu kép” và hiện thực hoá mục tiêu phát triển của năm 2021 với mức tăng trưởng kinh tế 7%, sản xuất công nghiệp tăng 7,3% và xuất khẩu tăng 9%.../.