Chủ động ứng dụng công nghệ vào sản xuất chè
Hợp tác xã chè Nhật Thức đầu tư hệ thống sản xuất mới nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm |
Cùng chung quyết tâm làm giàu tại địa phương, năm 2017, 23 hộ dân làm chè ở xã Phục Linh, huyện Đại Từ đã cùng nhau thành lập Hợp tác xã chè Nhật Thức. Được hỗ trợ 145 triệu đồng từ nguồn quỹ khuyến công địa phương, năm 2020, hợp tác xã tiếp tục đầu tư hệ thống sản xuất mới, gồm 30 máy vò chè, 1 máy sào điện và máy đóng gói hút chân không, với tổng trị giá trên 370 triệu đồng. Với hệ thống sản xuất hiện có, dự kiến, năm 2020, sản lượng tiêu thụ của hợp tác xã sẽ tăng trên 70%, với doanh thu dự kiến từ 1,6 đến 2 tỷ đồng. Bà Đào Thị Thức, Giám đốc Hợp tác xã chè Nhật Thức cho biết: "Trước đây, máy móc không đáp ứng đủ sản lượng, nên hàng bị tồn nhiều; sau khi được đầu tư máy móc, sản lượng và chất lượng đều tăng lên. Những chương trình, đề án rất thiết thực, bởi người dân chúng tôi chưa có đủ khả năng để đầu tư những máy móc hiện đại".
Hợp tác xã chè Thanh Tình, thuộc xã Bản Ngoại, huyện Đại Từ đầu tư hệ thống sản xuất mới hiện đại |
Năm 2020, được hỗ trợ 180 triệu đồng từ nguồn quỹ khuyến công của tỉnh, Hợp tác xã chè Thanh Tình, thuộc xã Bản Ngoại, huyện Đại Từ đầu tư hệ thống sản xuất gồm 1 máy diệt men, máy sào chè bằng gas và tủ lấy hương chè, với tổng trị giá gần 460 triệu đồng. Ông Trần Thanh Tình, Giám đốc Hợp tác xã Chè Thanh Tình chia sẻ: "Chúng tôi đầu tư máy móc với mong muốn nâng cao chất lượng sản phẩm; cùng với đó, mong muốn các đơn vị quan tâm đầu tư những máy móc hiện đại để chất lượng sản phẩm ngày càng tốt hơn".
Huyện Đại Từ hiện có trên 6.200ha trồng chè, với sản lượng hàng năm trên 57.000 tấn chè búp. Những năm gần đây, việc ứng dụng hiệu quả công nghệ và chuyển đổi phương thức sản xuất phù hợp không chỉ giúp sản phẩm chè của huyện Đại Từ có chỗ đứng ổn định trên thị trường, mà còn từng bước nâng cao giá trị. Trao đổi về nội dung này, ông Nguyễn Đình Khương, Chủ tịch UBND xã Phục Linh, huyện Đại Từ thông tin: "Tôi thấy đề án phát huy tốt, từ đó, góp phần thay đổi tư duy sản xuất của người dân, chất lượng sản phẩm được nâng lên. Chúng tôi mong muốn chương trình khuyến công được phát triển rộng rãi, định hướng cho người dân chủ động, tự tìm hiểu, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất để nâng cao thương hiệu cho sản phẩm".
Có thể thấy, việc hướng các hoạt động khuyến công về nông thôn, đặc biệt các chương trình, đề án hỗ trợ phát triển vùng chè trên địa bàn huyện Đại Từ đã phát huy thế mạnh sẵn có, góp phần thúc đẩy sản phẩm chè nói riêng, công nghiệp nông thôn ngày một phát triển./.