Cầu Gia Bẩy - chứng nhân của lịch sử
Cầu Gia Bẩy là một trong những chứng nhân của lịch sử cách mạng trên mảnh đất Thái Nguyên |
Cầu Gia Bẩy được xây dựng khoảng những năm 1928-1930, bằng bê tông cốt thép bắc qua sông Cầu. Ở Thái Nguyên, cầu được coi là nhân chứng lịch sử khi từng hứng chịu bom đạn những năm chiến tranh. Trong tiềm thức của người dân Thái Nguyên, cầu Gia Bẩy có thể coi là một chứng nhân lịch sử, là cây cầu đại diện cho sự kết nối giữa quá khứ và hiện tại, chứng kiến vô vàn đổi thay, bao biến cố thăng trầm của vùng đất Thái Nguyên.
Ông Mai Phúc Toàn, Nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên chia sẻ: “Qua các giai đoạn chiến tranh, nhất là giai đoạn Mỹ đánh phá miền bắc, đồi pháo bảo vệ cầu Gia Bẩy đã bị trúng bom, hàng chục dân quân tự vệ đã hy sinh. Chúng ta đã làm đài liệt sỹ tưởng niệm, tri ân sự hy sinh lớn lao này”.
Ông Nguyễn Công Nghi, nhân chứng tham gia trận đánh ngày 17/10/1965 bảo vệ cầu Gia Bẩy kể lại: “Lúc đó tôi được phân công kiểm tra đường dây điện phía đỉnh đồi cầu Gia Bẩy. Lúc đó, còn trẻ không nghĩ đến sống hay chết, chỉ nghĩ bom đạn giặc chỗ nào là có mặt chúng tôi ở đó để gìn giữ thôi”.
Sau gần một thế kỷ tồn tại, cầu Gia Bẩy là một hình ảnh quen thuộc với nhiều người, nhiều thế hệ và trở thành một biểu tượng văn hóa, lịch sử của vùng đất Thái Nguyên. Cây cầu tồn tại từ những giai đoạn đầu của thế kỷ XX, từ thời kỳ thuộc địa Pháp, đầu năm 1947 đã từng bị phá sập khi thực hiện chủ trương Tiêu thổ kháng chiến. Năm 1955, cây cầu được xây dựng lại, trên cơ sở mố cầu, trụ cầu cũ. Cầu Gia Bẩy vững vàng trải qua hai cuộc kháng chiến và yên bình nằm đó chứng kiến sự đổi thay từng ngày của Thái Nguyên thân yêu.
Ông Nguyễn Đình Kha, Nguyên Phó Giám đốc Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam cho rằng: “Di tích lịch sử cầu Gia Bẩy cần phải luôn quan tâm tôn tạo, phát huy truyền thống lịch sử về di tích, truyền tải lại cho du khách và thế hệ sau về truyền thống cách mạng”.
Ngày hôm nay, cũng trên dòng sông Cầu qua thành phố, cầu Bến Tượng - một biểu tượng mới đại diện cho sự phát triển của Thái Nguyên hôm nay đã được xây dựng. Đan xen giữa những giá trị cũ và mới, đó là niềm tự hào không gì có thể thay thế của người dân Thái Nguyên đối với vùng đất này.
Ông Mai Phúc Toàn, Nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên chia sẻ thêm: “Rõ ràng đây là cơ sở vật chất ban đầu giúp các hạ tầng khác phát triển đồng bộ và thật sự trở thành địa phương trung tâm của vùng Việt Bắc, tương xứng với một vùng của thủ đô. Chúng ta đang đầu tư và quy hoạch theo phương án đó. Và hy vọng chúng ta nhất định sẽ hoàn thành mục tiêu theo hướng đó”.
Thái Nguyên hôm nay đang hối hả trong dòng chảy của hiện đại, của không chỉ một mà sẽ còn thêm nhiều cây cầu mới được xây dựng vì mục tiêu kết nối và phát triển. Song với người Thái Nguyên, giá trị của lịch sử vẫn sẽ luôn hiện hữu, lắng đọng trên từng nhịp của cây cầu Gia Bảy.