Xu hướng số hóa lĩnh vực tài chính, ngân hàng
Thanh toán các khoản tiền đóng góp của học sinh trường Tiểu học Nguyễn Viết Xuân qua hệ thống thu hộ của Ngân hàng BIDV chi nhánh Thái Nguyên |
Các khoản tiền phải đóng góp của học sinh trong năm học 2020-2021 tại nhiều trường học trên địa bàn thành phố Thái Nguyên được phụ huynh thanh toán qua hệ thống thu hộ của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển (BIDV) chi nhánh Thái Nguyên. Việc thu, nộp học phí không dùng tiền mặt đã đem lại sự thuận tiện cho các trường học, phụ huynh, học sinh và hướng đến hình thành thói quen không dùng tiền mặt của người dân.
Chị Mai Thùy Linh, Kế toán Trường Tiểu học Nguyễn Viết Xuân, thành phố Thái Nguyên chia sẻ: “Theo hình thức mới này thì tất cả những số liệu kế toán được cập nhật kịp thời từng ngày. Kế toán của trường có thể cập nhật báo cáo ngay trong ngày hôm nay có những học sinh nào nộp tiền và công khai luôn trên hệ thống trực tuyến cùng với hệ thống của ngân hàng.”
Bà Nguyễn Khuê Chính, Phó Giám đốc Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển (BIDV) chi nhánh Thái Nguyên cho biết thêm: “BIDV chi nhánh Thái Nguyên đã dành nguồn lực lớn. Thứ nhất là về công nghệ, vì cả hệ thống BIDV đã thành lập ngân hàng số và đã chỉ đạo tới các chi nhánh, trong đó có BIDV Thái Nguyên để thực hiện việc kết nối thành công tới các trường học.”
Thu hộ học phí, viện phí chỉ là những dịch vụ điển hình trong số hàng chục dịch vụ đang được các ngân hàng triển khai trong lộ trình chuyển đổi số thời gian qua. Đặc biệt trong năm 2020, do ảnh hưởng của đại dịch COVID - 19, hoạt động của các ngân hàng bị ảnh hưởng, chỉ số như dư nợ tín dụng, thu nhập ngân hàng giảm, thậm chí một số lĩnh vực kinh doanh của nhiều ngân hàng còn bị đình trệ. Tuy nhiên, dịch COVID-19 cũng thúc đẩy chuyển đổi số mạnh mẽ cho ngành ngân hàng, phù hợp với xu hướng số hóa lĩnh vực tài chính, ngân hàng trên toàn thế giới.
Các ngân hàng và tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong giao dịch, đặc biệt là giao dịch trực tuyến |
Theo thống kê của các chi nhánh ngân hàng và tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên cho thấy, năm 2020 số lượng khách hàng thực tế sử dụng các dịch vụ ngân hàng trực tuyến, đặc biệt là internet banking, mobile banking tăng từ 1,4 đến 2,6 lần so với cùng kỳ năm 2019 và chiếm trên 40% tổng số giao dịch. Cá biệt, có thời điểm, các giao dịch trực tuyến tại các ngân hàng chiếm đến gần 90% tổng số giao dịch. Để đáp ứng nhu cầu của khách hành trong lộ trình thực hiện số hoá, hiện nay, các ngân hàng tiếp tục đẩy mạnh đầu tư ứng dụng các công nghệ mới, hiện đại, đồng thời tăng cường các biện pháp đảm bảo an ninh, an toàn thông tin và tài sản cho khách hàng trong các giao dịch trực tuyến.
Ông Bùi Văn Khoa, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Thái Nguyên cho biết: “Hệ thống công nghệ thông tin của các ngân hàng hiện nay về cơ sở hạ tầng đáp ứng đủ, trình độ cán bộ cơ bản đáp ứng được, về khả năng kết nối các ngành có thể đáp ứng được. Và các ngân hàng thương mại rất sẵn sàng và họ cũng là các doanh nghiệp, rất muốn tìm khách hàng, tìm sự kết nối. Tuy nhiên để việc chuyển đổi số có hiệu quả cần sự vào cuộc của các cấp, ngành, sự đồng bộ của cả hệ thống.”
Hiện nay, với 100% xã, phường, thị trấn của tỉnh có mạng lưới cáp quang; trên 1,1 triệu thuê bao di động với gần 1.600 điểm thu phát sóng; trên 1,4 triệu người có tài khoản ngân hàng, tiềm năng phát triển chuyển đổi số trong lĩnh vực ngân hàng ở Thái Nguyên là rất lớn. Do vậy, các ngân hàng cần chủ động nắm bắt, tận dụng cơ hội để triển khai thành công lộ trình chuyển đổi số trong thời gian tới./.