Phát triển các vùng sản xuất

Phát biểu tại buổi hội thảo, Chủ tịch Hội ND TP.Hà Nội Lê Trọng Khuê cho biết, việc mở rộng liên kết trong sản xuất nông nghiệp những năm qua đã và đang được các tỉnh, thành phố trên cả nước nói chung và thủ đô Hà Nội nói riêng quan tâm thực hiện góp phần bảo đảm đầu ra ổn định cho nông sản. Ở nhiều địa phương, thông qua việc hợp tác, liên kết sản xuất đã giúp bà con nông dân nâng cao giá trị trên một đơn vị canh tác.

xay dung chuoi lien ket tieu thu nong san an toan

Mô hình nuôi cá sông trong ao tại huyện Quốc Oai, TP.Hà Nội. Ảnh: Nguyễn Quỳnh

Hiện, TP.Hà Nội đã hình thành, duy trì và phát triển các vùng sản xuất với gần 5.500ha rau an toàn được quản lý; 76 xã chăn nuôi trọng điểm với 3.810 trang trại quy mô lớn ngoài khu dân cư; 25 cơ sở giết mổ tập trung bán công nghiệp; 148 mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được triển khai hoạt động; có 121 chuỗi liên kết an toàn thực phẩm từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, thực phẩm an toàn, trong đó có 52 chuỗi sản phẩm có nguồn gốc động vật và 69 chuỗi sản phẩm có nguồn gốc thực vật.

Các chuỗi đã thu hút nhiều doanh nghiệp, HTX, hộ nông dân tham gia xây dựng chuỗi. Toàn thành phố hiện có 178 HTX, cơ sở được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Nhiều HTX, tổ hợp tác thực hiện tốt việc liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm với các doanh nghiệp. Hà Nội cũng đã hình thành và phát triển một số vùng sản xuất tập trung; vệ sinh an toàn thực phẩm được đảm bảo hơn trước; giá trị sản phẩm nông nghiệp ngày càng tăng; thị trường cơ bản ổn định; hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, HTX tham gia chuỗi ngày càng hiệu quả hơn, từng bước hình thành thói quen tiêu thụ sản phẩm sạch, an toàn qua đó nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân của thành phố.

Bàn giải pháp tháo gỡ “rào cản”

Thành phố Hà Nội Hiện có: 5500 ha rau an toàn được quản lý.76 xã chăn nuôi trọng điểm với 3810 trang trại quy mô lớn.25 cơ sở giết mổ tập trung bán công nghiệp. 148 mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp của thủ đô hiện nay chủ yếu vẫn mang tính nhỏ lẻ, phân tán, tâm lý mạnh dạn đổi mới còn dè dặt, nhất là ứng dụng công nghệ cao còn hạn chế. Các hộ sản xuất chưa chú ý tới việc liên kết nhóm hộ mà vẫn sản xuất tự phát, mạnh ai nấy làm, nên chưa tạo được vùng sản xuất tập trung, dòng sản phẩm đủ lớn, ổn định. Trong khi để có thể cạnh tranh trong nền kinh tế thị trường, cần phải có sản phẩm khối lượng lớn, chất lượng cao, giao hàng đúng lúc, giá cả cạnh tranh. Đây là điều nông dân cá thể không làm được mà cần phải liên kết thành một tập thể (tổ hợp tác, HTX) thông qua đó thực hiện liên kết với doanh nghiệp để tổ chức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo mô hình chuỗi giá trị.

Tại buổi tọa đàm, nhiều đại biểu cho rằng, thực tế cho thấy, quá trình hình thành và phát triển các chuỗi giá trị trong nông nghiệp trên địa bàn thủ đô đã gặp phải không ít khó khăn, “rào cản” lớn mà chưa có các giải pháp tháo gỡ hữu hiệu. Tình trạng doanh nghiệp hoặc nông dân phá vỡ hợp đồng diễn ra khá phổ biến. Cả doanh nghiệp và nông dân đều thiếu vốn đầu tư mở rộng sản xuất…, số lượng các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản chưa nhiều; số lượng sản phẩm có thương hiệu, nhãn hiệu vẫn khiêm tốn. Tỷ trọng sản phẩm nông nghiệp được sản xuất, phân phối tiêu thụ qua chuỗi giá trị còn thấp, hiện nay mới chiếm tỷ trọng dưới 10% tổng lượng sản phẩm nông nghiệp tiêu thụ tại thị trường Hà Nội.

Trên thực tế, sản phẩm nông nghiệp của Hà Nội đảm bảo sạch, rõ nguồn gốc xuất xứ, thương hiệu, đáp ứng điều kiện, tiêu chuẩn của nhà cung ứng, phân phối không nhiều hoặc có nhưng sản lượng rất ít (sản xuất nhỏ lẻ, manh mún) nên không thể tham gia vào hệ thống chuỗi cung ứng tại một số siêu thị trong nước hoặc phục vụ xuất khẩu...

Để đẩy mạnh liên kết theo chuỗi giá trị giữa nông dân, HTX và doanh nghiệp, các đại biểu dự hội thảo đã cùng thảo luận, đưa ra các ý kiến thiết thực nhằm khắc phục tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, quản lý chất lượng và tiêu thụ nông sản khó khăn…