Để nông sản "rộng đường” vào siêu thị
HTX Rau củ quả an toàn xóm Xuân Đám, xã Đồng Liên, TP Thái Nguyên đã từng đưa rau an toàn vào hệ thống các siêu thị, nhưng lượng tiêu thụ kém, nên hiện chỉ còn cung ứng chủ yếu cho các bếp ăn tập thể. |
Với quy mô sản xuất hơn 1ha, HTX Rau củ quả an toàn xóm Xuân Đám, xã Đồng Liên, TP Thái Nguyên trung bình mỗi ngày thu hoạch gần 1 tấn rau, củ, quả các loại. Mặc dù, HTX đã từng đưa rau an toàn vào hệ thống các siêu thị, nhưng lượng tiêu thụ kém, nên hiện chỉ còn cung ứng chủ yếu cho các bếp ăn tập thể. Bên cạnh đó, việc mở rộng quy mô sản xuất còn hạn chế nên việc ký hợp đồng lâu dài, ổn định với các siêu thị chưa thể thực hiện được.
Ông Nguyễn Thanh Phương, Phó Giám đốc HTX Rau củ quả an toàn xóm Xuân Đám cho hay: "Cách canh tác bình thường sang canh tác rau an toàn, sản xuất theo hướng hữu cơ, do vậy chậm và mẫu mã không đẹp".
Trong số hàng trăm loại nông sản, chỉ có ổi Linh Sơn là mặt hàng duy nhất của Thái Nguyên được bày bán tại siêu thị GO! Thái Nguyên. |
Là siêu thị có quy mô lớn nhất tỉnh trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, siêu thị GO! đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác tiêu thụ với một số doanh nghiệp, hợp tác xã trong tỉnh. Tuy nhiên, qua khảo sát thực tế, siêu thị vẫn chưa thể ký kết hợp đồng tiêu thụ với nhiều đơn vị. Vì vậy, trong số hàng trăm loại nông sản, chỉ có ổi Linh Sơn là mặt hàng duy nhất của Thái Nguyên được bày bán tại đây.
Ông Hà Văn Hùng, Giám đốc siêu thị GO! Thái Nguyên cho biết: "Năng lực sản xuất của các đơn vị, HTX là chưa nhiều, dẫn đến khả năng cung ứng sản phẩm cho hệ thống siêu thị chưa đảm bảo yêu cầu mà siêu thị đưa ra".
Hiện trên địa bàn tỉnh có khá nhiều siêu thị có quy mô lớn như: GO! Thái Nguyên, Aloha, Minh Cầu, Lan Chi... Thực tế cho thấy, các mặt hàng nông sản của tỉnh được bày bán tại đây chủ yếu là các sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGap, số lượng còn khiêm tốn. Theo các siêu thị, những yêu cầu khắt khe, nghiêm ngặt về chất lượng, số lượng sản phẩm là những trở ngại lớn nhất khiến nông sản Thái Nguyên vẫn chưa thể có chỗ đứng ổn định trong các siêu thị.
Chị Nguyễn Ngọc Hà, Quản lý hệ thống siêu thị Minh Cầu, TP Thái Nguyên thông tin: "Siêu thị chúng tôi luôn muốn tìm kiếm những sản phẩm chất lượng cao, sản lượng ổn định, hiện tại, những hợp tác xã và những cơ sở ở Thái Nguyên hiện nay nhưng yêu cầu mà siêu thị đặt ra".
Những năm qua, tỉnh Thái Nguyên đã quan tâm, huy động các nguồn lực đầu tư để thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng, giá trị kinh tế cao, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap, hữu cơ. Nhiều đơn vị, HTX trên địa bàn tỉnh đã chuyển dịch sang sản xuất nông nghiệp sạch, an toàn. Tuy nhiên, việc đưa nông sản vào kênh phân phối hiện đại còn gặp rất nhiều khó khăn.
Ông Dương Sơn Hà, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thái Nguyên nhấn mạnh: "Trong quá trình tổ chức thực hiện kết nối sản xuất, hiện nay, vẫn còn 1 số điểm yếu: sự liên kết giữa các doanh nghiệp, HTX trong sản xuất các sản phẩm nông sản vẫn chưa được chặt chẽ và liên kết tốt để tạo ra vùng sản xuất quy mô lớn. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tổ chức lại theo các ngành hàng, qua đó, thông qua phương án sản xuất nông nghiệp hàng năm, có định hướng, cơ chế hỗ trợ cho các HTX để phát triển theo liên kết sản xuất giữa người sản xuất, chế biến, tiêu thụ".
Sản phẩm vào siêu thị thì phải đáp ứng chất lượng, mẫu mã, đóng gói, bao bì, nhãn mác và số lượng. Để làm được việc này, người nông dân phải tham gia vào các chuỗi liên kết để nâng cao giá trị nông sản. Cùng với sự thay đổi tư duy của bà con nông dân, thì sự vào cuộc của các cơ quan chức năng sẽ hỗ trợ tích cực cho việc đưa nông sản Thái Nguyên ra các thị trường lớn hơn, trong đó có hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại trong và ngoài tỉnh./.