Xã hội hóa du lịch
Các cơ sở sản xuất chè hiện quan tâm đầu tư vào lĩnh vực du llịch sinh thái kết hợp với nghề truyền thống.

Du lịch sinh thái, trải nghiệm vùng chè Thái Nguyên gắn với quảng bá thương hiệu đang là một trong những cách thức làm du lịch nhận được sự quan tâm, tham gia của chính những người làm chè Thái Nguyên. Tại vùng chè nổi tiếng Tân Cương, những mô hình du lịch để du khách được thưởng trà, được tham gia sản xuất chè theo phương thức truyền thống, hoặc tạo không gian trải nghiệm về văn hóa trà đang là cách làm mới theo hướng xã hội hóa hoạt động du lịch bước đầu phát huy hiệu quả.

Ông Bùi Trọng Đại, Chủ cơ sở sản xuất chè Tiến Yên, xã Tân Cương, thành phố Thái Nguyên cho rằng, cần quan tâm đến nhu cầu của du khách: “Du khách đến với chúng tôi được trải nghiệm làm chè. Trong khi trải nghiệm, cũng có những lúc đi thăm quan vườn bãi thì cũng muốn chụp ảnh check in về làm kỷ niệm. Cho nên vì nhu cầu của khách, mà mình muốn giữ chân khách được lâu hơn để mình có thể làm thêm 1 số dịch vụ nào đấy cho khách trải nghiệm.”

Được đánh giá là những mô hình xã hội hóa hoạt động hiệu quả, Làng nhà sàn dân tộc sinh thái Thái Hải, Trung tâm Thương mại và Du lịch Dũng Tân, hay trải nghiệm Đảo hoa Hồ Núi Cốc… đang là những địa chỉ hấp dẫn du khách trong và ngoài tỉnh thời gian gần đây. Đẩy mạnh xã hội hóa để huy động các nguồn lực, song càng phải tạo điều kiện thuận lợi để người dân trực tiếp tham gia kinh doanh và hưởng lợi từ du lịch; nâng cao ý thức trách nhiệm gắn với quyền lợi của họ, đó mới là cơ sở bền vững thúc đẩy du lịch phát triển mà Thái Nguyên đang thực hiện.

Xã hội hóa du lịch
Trung tâm Thương mại và Du lịch Dũng Tân là một trong những mô hình xã hội hóa hoạt động hiệu quả.

Để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn có tốc độ tăng trưởng cao và bền vững thì xã hội hóa du lịch là điều cần thiết nhằm huy động các nguồn lực và đồng thời thì cũng để cho người dân làm quen dần với sự chuyên nghiệp khi làm du lịch. và đồng thời thì cũng sẽ có thêm nhiều những chiến được để giữ gìn và bảo tồn các di sản thiên nhiên, các di sản văn hóa, nhằm phát triển du lịch Thái Nguyên ổn định và bền vững.

Mới đây, tỉnh Thái Nguyên đã thông qua Đề án phát triển du lịch Thái Nguyên giai đoạn 2021-2025, định hướng đến 2030. Theo đó, phấn đấu tốc độ tăng trưởng khách du lịch bình quân trên 10%/năm; đón được trên 3,2 triệu lượt khách, tổng thu từ du lịch đạt 3.000 tỷ đồng/năm; đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng khách du lịch bình quân trên 12%/năm; đón 5,6 triệu lượt khách và tổng thu từ du lịch đạt 6.600 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Văn Ngọc, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thái Nguyên nhấn mạnh: “Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với các sở, ngành và các địa phương tham mưu cho Tỉnh hủy, HĐND, UBND tỉnh Thái Nguyên những cơ chế, những chính sách và những giải pháp về cải cách hành chính để thu hút đầu tư, để thu hút những doanh nghiệp có đủ năng lực về tài chính, đủ tư cách pháp nhân và có uy tín để vào đầu tư khai thác những tài nguyên du lịch đặc trưng, đặc sắc của tỉnh Thái Nguyên. Song, cùng với đó, việc huy động các nguồn lực từ doanh nghiệp, từ người dân và từ các nguồn hợp pháp khác để thực hiện phát triển xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng của tỉnh Thái Nguyên.”

Với tiềm năng phát triển du lịch phong phú, đa dạng, những chính sách quan trọng được ban hành, cùng sự tham gia tích cực của doanh nghiệp, nhà đầu tư và người dân, sec là những yếu tố quan trọng để thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp không khói này, tạo ra những giá trị gia tăng không nhỏ cho địa phương trong tương lai./.