Vì sao phải công khai kỷ luật cán bộ, đảng viên?
Tại hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm diễn ra tại Hà Nội, Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho biết, từ đầu năm đến nay, cơ quan này đã kỷ luật và đề xuất Ban Bí thư, Bộ Chính trị, Ban chấp hành Trung ương kỷ luật nhiều tổ chức Đảng, đảng viên sai phạm.
87 tổ chức Đảng và hơn 6.000 đảng viên bị xem xét kỷ luật, trong đó có cả những cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý do có rất nhiều khuyết điểm, vi phạm trong lãnh đạo, chỉ đạo điều hành, quản lý tài chính, đầu tư công, thất thoát, thua lỗ lớn, kéo dài, sai phạm trong công tác cán bộ, công tác thi đua khen thưởng và vi phạm quy chế làm việc của Ban cán sự Đảng, vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ.
Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Quốc Vượng |
Đó là những vi phạm xảy ra trong thời gian dài, nhiều nhiệm kỳ, có những vi phạm xảy ra rất nghiêm trọng, gây hậu quả lớn về kinh tế xã hội và môi trường.
Việc đề nghị kỷ luật các đảng viên, tổ chức Đảng vi phạm được nhân dân đồng tình, ủng hộ.
Điều đó cho thấy, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã xử lý là đúng người, đúng sai phạm, có tình, có lý, đảm bảo công minh, chính xác, kịp thời.
Theo PGS-TS Bùi Đình Phong - Giảng viên cao cấp Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, những vụ việc cụ thể vừa qua cho thấy kỷ luật trong Đảng được thể hiện rõ ràng và thẳng thắn, kiên quyết.
Ông Phong cho biết: "Ta xây dựng những tiêu chí tốt, đồng thời phải loại bỏ cái xấu. Nếu phát hiện những con người dính những cái xấu thì dứt khoát phải loại ra ngay, ở bất kỳ thời điểm nào. Có thể khi đưa vào Trung ương chưa phát hiện được, nhưng khi đã vào rồi mà phát hiện ra, thì dứt khoát phải đưa ra ngay. Làm được điều đó, tôi cho rằng sẽ lấy được niềm tin của người dân”.
Cương quyết xử lý cán bộ, đảng viên sai phạm đã khẳng định một thực tế, không có "vùng cấm" trong kiểm tra, kỷ luật Đảng, kể cả đối với cán bộ đã về hưu hay đương chức.
Vừa qua, các kết luận cũng như quyết định xử lý đảng viên vi phạm đều được đăng tải công khai trên báo chí giúp người dân thấy được và hiểu rõ sự nghiêm minh, quyết liệt của Đảng ta đối với những sai phạm của cán bộ, đảng viên, không nể nang, né tránh hay bao che cho sai phạm.
Ông Nguyễn Viết Chức - Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho rằng: “Đảng là đại diện cho toàn dân, vậy mà không công khai cho toàn dân mà chỉ xử lý nội bộ thì liệu có được không? Tôi cho rằng việc xử lý cán bộ, đảng viên sai phạm công khai là tiến bộ, đúng đắn. Bởi vì Đảng ta có lợi ích nào khác ngoài lợi ích của nhân dân đâu, vậy thì có gì phải giấu nhân dân? Có công khai mới sửa chữa được, có công khai mới là bài học, chứ nếu cứ giấu giếm là “tội nể nang nhau” dẫn đến cán bộ của mình mắc khuyết điểm càng ngày càng trầm trọng hơn”.
Theo báo cáo của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, 6 tháng qua, số lượng các cuộc kiểm tra tăng so với cùng kỳ năm ngoái, nhất là kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm.
Cụ thể, Ủy ban kiểm tra các cấp đã tiến hành kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm với 855 tổ chức Đảng và hơn 3.500 đảng viên.
Ban Bí thư thi hành kỷ luật 2 tổ chức Đảng và 6 đảng viên thuộc diện Trung ương quản lý. Ban Chấp hành Trung ương thi hành kỷ luật một cán bộ cấp cao của Đảng.
Kinh nghiệm được rút ra qua các cuộc kiểm tra là tận dụng tối đa các kênh thông tin như: Báo chí, dư luận xã hội, qua kiến nghị của nhân dân, việc nắm tình hình ở các địa bàn.
Sau khi có thông tin thì cơ quan kiểm tra Đảng kịp thời, chủ động, quyết liệt, toàn diện nhưng thận trọng, công tâm, khách quan trong việc phát hiện những sai phạm và kiên quyết kiểm tra, xử lý, không né tránh, không ngại va chạm.
Việc xác định đối tượng kiểm tra phải chính xác. Nội dung kiểm tra phải đúng và trúng, thời điểm kiểm tra cũng phải phù hợp.
Ủy viên Bộ Chính trị - Bí thư Trung ương Đảng - Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Quốc Vượng cho rằng: Kết luận của Ủy ban Kiểm tra phải khiến người vi phạm nhận ra khuyết điểm, đồng thời thông tin kịp thời kết luận của Ủy ban Kiểm tra đối với các vụ việc để nhân dân được biết.
Ông Trần Quốc Vượng cho biết, Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII có một điểm ghi rõ là phải công khai các kết luận của ủy ban kiểm tra.
“Làm thế này có lợi cho Đảng, nhân dân thấy Đảng quyết liệt như vậy thì tin tưởng chứ. Còn những người khác cũng nhìn vào đấy để thấy giá trị răn đe. Cái công khai là quan trọng lắm, có tính chất lan tỏa. Chúng ta kiểm tra một việc nhưng có tác động đến nhiều việc thì như vậy mới phòng ngừa được”, ông Trần Quốc Vượng nhấn mạnh.
Việc xem xét kỷ luật hàng loạt sai phạm của một số lãnh đạo Trung ương và địa phương thời gian gần đây cho thấy, công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII thực sự mạnh mẽ, gióng lên một hồi chuông cảnh báo với bất kỳ ai, nắm giữ chức vụ nào, nếu cố tình làm trái với quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, đi ngược với lợi ích của đất nước, của nhân dân thì đều bị xử lý nghiêm minh./.