Về Khau Tý theo bước chân Người
Đồi Khau Tý, xã Điềm Mặc, huyện Định Hóa, Thái Nguyên

Tại Đồi Khau Tý, 76 năm trước, rạng sáng ngày 20/5/1947, Bác về Định Hóa và đặt chân đến xã Điềm Mặc. Nhân dân ở đây đã chuẩn bị sẵn mọi điều kiện để đón Bác, bởi người dân được tuyên truyền và hiểu rất rõ sự cơ mật và tầm quan trọng của Bác đối với vận mệnh dân tộc lúc bấy giờ.

Chị Phạm Thị Giang, hướng dẫn viên Khu Di tích Lịch sử sinh thái Quốc gia ATK Định Hóa cho hay: "Chủ tịch Hồ Chí Minh là một nhà lãnh đạo cách mạng vĩ đại. Trong thời gian ở, làm việc tại đây, Bác sống rất giản dị, gần gũi với nhân dân; Bác rất quan tâm đến đồng bào nơi đây".

Về Khau Tý theo bước chân Người
Lán Khau Tý - căn lán nhỏ, đơn sơ nằm trên một khoảng đất bằng được thiết kế theo mô hình nhà sàn của đồng bào Tày.

Lán Khau Tý nơi Bác ở và làm việc. Căn lán nhỏ, đơn sơ nằm trên một khoảng đất bằng được thiết kế theo mô hình nhà sàn của đồng bào Tày. Chính nơi đây, những ngày tháng gian khổ của năm 1947, Bác đã tự tay soạn thảo những sắc lệnh và vạch ra những kế sách quan trọng liên quan đến cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Bác đã viết cuốn “Sửa đổi lối làm việc” để xây dựng, chỉnh đốn Đảng và bồi dưỡng đạo đức, tác phong cho cán bộ đảng viên. Bài thơ “Cảnh khuya” thất ngôn tứ tuyệt nổi tiếng của Bác ra đời từ nơi núi rừng này.

Chị Phạm Thị Giang, hướng dẫn viên Khu Di tích Lịch sử sinh thái Quốc gia ATK Định Hóa cho biết: "Lán Khau Tý có 2 gian, gian ngoài là nơi Người tiếp khách và làm việc; gian trong là nơi Bác nghỉ ngơi. Bác nói làm lán nhỏ vừa dễ dựng vừa dễ phá, cần tránh chỗ này đi chỗ khác".

Khau Tý từng là "Phủ Chủ tịch" đầu tiên, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh khởi đầu chặng đường gian khó, ác liệt nhưng vô cùng vẻ vang ở “Trung tâm Thủ đô kháng chiến”. Với ý nghĩa và giá trị lịch sử đó, Di tích lịch sử nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh ở, làm việc tại Khau Tý năm 1947 được xếp hạng cấp Quốc gia năm 2006./.