Trống đất - Nhạc cụ đặc biệt trong điệu nhảy Tắc xình
Trống đất - loại nhạc cụ khá độc đáo và không thể thiếu trong vũ điệu Tắc xình

Sự độc đáo của trống đất nằm cả ở hình thức, diễn tấu và cách chế tác. Trống đất được tạo ra từ hố đất và mo cau hay vỏ cây khô, thanh tre, dây rừng. Các nhạc cụ trong nhảy Tắc xình được tạo ra một lần và có thể sử dụng lâu dài nhưng trống đất chỉ dùng được 1 lần.

Ông Hoàng Văn Ngân, xóm Cầu Bình 1, xã Vô Tranh, huyện Phú Lương cho biết: "Việc cầu mùa thường chọn những nơi rộng rãi để người dân có thể đến xem và cầu những điều tốt lành trong năm mới. Làm trống đất thường phải đào sâu từ 20-25cm và khoét rộng ở dưới hố và khoét càng rộng thì tiếng trống sẽ càng to."

Sau khi khoét được hố đất đảm bảo yêu cầu, người làm trống sẽ cố định lên miệng hố, miếng vỏ cây khô để làm mặt trống. Trong dàn nhạc của nhảy Tắc Xình, trống đất luôn giữ vị trí trung tâm. Âm thanh của trống đất không chỉ để đệm cho vũ điệu mà còn truyền tải những mong ước của cộng đồng lên các đấng thần linh và tổ tiên.

Ông Hoàng Văn Ngân, xóm Cầu Bình 1, xã Vô Tranh, huyện Phú Lương cho biết thêm: "Ngày xưa, đời sống còn khó khăn nên các bậc tiền nhân đã sáng chế ra trống đất này để tạo thành âm thanh, điệu nhạc để cầu mùa và nhảy Tắc xình. Ai được phân công sử dụng nhạc cụ nào thì sẽ gõ theo nhịp và mọi người sẽ nhảy Tắc xình ở phía trước."

Xã hội phát triển, biểu diễn Tắc xình đã được sân khấu hóa, trong các màn trình diễn, trống đất đã được thay thế bằng trống da có thể dùng được lâu dài và tiện di chuyển. Nhưng với các thành viên CLB Tắc xình Vô Tranh, cách làm các loại nhạc cụ truyền thống vẫn luôn được nhắc nhớ, trao truyền, gìn giữ cho muôn đời sau./.