Triển vọng từ công nghệ khí hóa sinh khối tại Thái Nguyên
Cơ sở đang ứng dụng công nghệ lò đốt khí hóa sinh khối trong chế biến chè giúp tiết kiệm củi, giảm giá thành, nâng cao chất lượng sản phẩm chè. |
Hộ sản xuất chè của ông Đặng Ngọc Hà là một trong những cơ sở đang ứng dụng công nghệ lò đốt khí hóa sinh khối liên tục theo thể tích trong chế biến chè thay cho việc đốt củi trực tiếp trước đây. Nhờ ứng dụng công nghệ mới này, những lợi ích trong chế biến, tiêu thụ và hướng tới việc sản xuất bền vững đang dần được khẳng định.
Ông Đặng Ngọc Hà, xã Sơn Phú, huyện Định Hóa nhận xét: “Lò đốt khí hóa sinh khối, tôi cảm thấy yên tâm hơn với lượng khí thải, khói bụi là không có. Khi đem chè đi kiểm nghiệm chất lượng thì không bị oi khói. Kinh tế nâng cao. Từ lúc làm công nghệ mới, giá thành chè nâng lên, đời sống đổi mới”.
Từ những lợi ích về kinh tế và cả môi trường, mô hình đang được nhiều hợp tác xã trên địa bàn tỉnh biết đến và chuyển sang ứng dụng với những kỳ vọng về cả chất lượng sản phẩm, sức khỏe cho người làm chè cũng như môi trường thiên nhiên.
Chị Hoàng Thị Tâm, Giám đốc Hợp tác xã Tâm Chè Thái, xã Tân Cương, TP Thái Nguyên cho biết: “Hàng tháng, hợp tác xã dùng khoảng 20 khối củi và chiếm ⅕ chi phí giá thành sản xuất. Tôi mong muốn có nghiên cứu, để có thể có thiết bị mới, cải thiện chi phí do việc đốt củi, đồng thời bảo vệ sức khỏe cho người lao động và người tiêu dùng”.
Bà Vũ Thị Thu Hương, Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh Thái Nguyên chia sẻ: “Bước đầu đánh giá có thể thấy, đây là công nghệ tốt, cho các hợp tác xã nông nghiệp có sử dụng sinh khối. Quan trọng nhất là có thể cho bà con nông dân tiếp cận được công nghệ thì việc triển khai của dự án phải được triển khai và đánh giá toàn diện”.
Thái Nguyên tiêu thụ khoảng 1,4 triệu tấn sinh khối/năm, làm sản sinh ra 1 lượng khí thải gây ô nhiễm không khí. |
Công nghệ khí hóa sinh khối sử dụng các phế phụ phẩm nông nghiệp sẵn có như mùn cưa, thân vỏ cây, vỏ lá cây nhằm tạo ra nguồn năng lượng sạch để chế biến thực phẩm, nông sản. Công nghệ này mang lại nhiều ưu điểm như: Hiệu suất nhiệt cao; nguồn nguyên liệu sẵn có, thân thiện với môi trường, an toàn cho người sử dụng, góp phần giảm phát thải khí nhà kính, ô nhiễm môi trường và xử lý rác thải tại các vùng nông thôn.
Cũng theo chuyên gia và người điều hành của dự án thì Thái Nguyên là tỉnh có tiềm năng, điều kiện thuận lợi để triển khai chương trình và đem lại hiệu quả. Ông Nguyễn Hồng Long, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, Tư vấn Nghiên cứu, Tư vấn Sáng tạo và Phát triển bền vững cho rằng: “Theo đánh giá sơ bộ, Thái Nguyên có khoảng 1,4 triệu tấn sinh khối/năm. Từ rác sinh khối gây ra ô nhiễm không khí cao. Mục tiêu của dự án chuyển hóa ngược lại là chất thải trở thành tài nguyên”.
Dự án BEST do Liên minh châu Âu tài trợ được thực hiện trong 4 năm từ 2020-2024 và được thực hiện bởi tổ chức Oxfam tại Việt Nam quản lý và phối hợp thực hiện cùng Trung tâm Nghiên cứu tư vấn sáng tạo và Phát triển bền vững (CCS) triển khai tại 4 tỉnh Thái Nguyên, Lào Cai, Tuyên Quang và Yên Bái. Mục tiêu của dự án là thúc đẩy chế biến nông sản bền vững và góp phần quản lý chất thải ở Việt Nam thông qua việc hỗ trợ các doanh nghiệp chế biến nông sản siêu nhỏ, nhỏ và vừa trên địa bàn ứng dụng công nghệ khí hóa sinh khối như một nguồn năng lượng tái tạo.