Tỉnh Thái Nguyên tích cực thực hiện công tác đền ơn, đáp nghĩa
Lãnh đạo tỉnh thăm hỏi động viên và tặng quà gia đình thương, bệnh binh trên địa bàn TX Phổ Yên.

Năm 1968, đi theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, ông Nguyễn Đình Trạc đã xung phong lên đường nhập ngũ. Năm 1975, khi xuất ngũ là nạn nhân chất độc da cam, ông Trạc bị mất 60% sức khỏe. Do điều kiện kinh tế khó khăn, gia đình ông Trạc ở trong ngôi nhà cấp 4 đã xuống cấp. Đầu năm 2020, gia đình ông Trạc đã xây dựng căn nhà mới khang trang với tổng số tiền 600 triệu đồng, trong đó quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” của TP Thái Nguyên đã hỗ trợ 40 triệu đồng.

Ông Nguyễn Đình Trạc, phường Cam Giá, TP Thái Nguyên tâm sự: “Tôi rất xúc động và tôi thấy sự quan tâm này rất có ý nghĩa với gia đình tôi”.

Tỉnh Thái Nguyên hiện có hơn 130 nghìn người có công. Trong đó, có hơn 21.200 người đang hưởng trợ cấp hàng tháng, với tổng kinh phí chi trả gần 50 tỷ đồng/tháng. Cùng với việc thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ chính sách của Đảng và Nhà nước, các hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa” đã trở thành một phong trào sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân, các tổ chức xã hội, các cấp, các ngành, các địa phương với nhiều hình thức tổ chức, nhiều việc làm cụ thể, thiết thực phong phú, sáng tạo, trở thành nét đẹp trong đời sống xã hội.

Tỉnh Thái Nguyên tích cực thực hiện công tác đền ơn, đáp nghĩa
Hằng năm, Quỹ “ Đền ơn đáp nghĩa” của tỉnh đã hỗ trợ xây mới, sửa chữa gần 250 ngôi nhà cho các hộ gia đình chính sách.

Ông Ngô Xuân Hải, Bí thư Huyện ủy Đồng Hỷ khẳng định: "Trong những năm vừa qua, phong trào đền ơn đáp nghĩa trên địa bàn huyện Đồng Hỷ đã tạo nên sự lan tỏa sâu rộng, thể hiện trách nhiệm, tri ân đối với sự cống hiến, hy sinh lớn lao của các thế hệ người có công với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.

Thiếu tá Vũ Hồng Quân, Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội Viettel Thái Nguyên cho biết: “Đối với đóng góp cho công tác xã hội chúng tôi còn thể hiện trách nhiệm của đơn vị quân đội, của doanh nghiệp trên địa bàn. Đặc biệt là cách giáo dục truyền thống cách mạng cho cán bộ công nhân viên để phát huy trong sản xuất kinh doanh, mạnh mẽ hơn nữa”.

Hàng năm, tỉnh Thái Nguyên huy động được khoảng 5 tỷ đồng cho quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”. Từ nguồn quỹ này, đã hỗ trợ xây mới, sửa chữa gần 250 ngôi nhà cho các hộ chính sách, đồng thời trợ cấp khó khăn, hỗ trợ học tập cho thân nhân người có công.

Tỉnh Thái Nguyên phấn đấu mục tiêu đến hết năm 2025: 100% xã, phường làm tốt công tác thương binh liệt sĩ; 100% người có công đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của dân cư nơi cư trú.

Ông Vũ Văn Mão, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Thái Nguyên cho biết rõ hơn về định hướng: “Thứ nhất là, hỗ trợ về nhà ở cho những hộ gặp khó khăn về nhà ở. Hỗ trợ cho các hộ thiếu hụt các chỉ số cơ bản trong đời sống. Thứ hai là, phối hợp với Mặt trận Tổ quốc các cấp và các địa phương thu quỹ Đền ơn, đáp nghĩa theo kế hoạch đã đề ra”.

Công tác “Đền ơn, đáp nghĩa” vừa là tình cảm, vừa là trách nhiệm của cả cộng đồng và toàn xã hội, để cuộc sống tinh thần và vật chất của các gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng đầy đủ hơn, ấm áp hơn. Qua đó, thể hiện sự tri ân, tôn kính, biết ơn và ghi nhớ sâu sắc công lao to lớn của các anh hùng liệt sỹ, các thương, bệnh binh, người có công với cách mạng.

Nêu cao đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa” không chỉ thể hiện truyền thống, đạo lý tốt đẹp của dân tộc ta, mà còn giáo dục lý tưởng cách mạng, tinh thần yêu nước đặc biệt là đối với thế hệ trẻ, qua đó, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh Thái Nguyên./.