9 tháng, toàn quốc xảy ra 8.313 vụ tai nạn giao thông, làm chết 4.714 người

Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Trần Hữu Minh cho biết, tháng 9/2022 (tính từ ngày 15/8/2022 đến ngày 14/9/2022), toàn quốc xảy ra 825 vụ tai nạn giao thông, làm chết 438 người và làm bị thương 589 người. So với tháng 9 năm 2019, số vụ tai nạn giao thông giảm 519 vụ (62,9%), giảm 125 người chết (28,5%), giảm 443 người bị thương (72,5%). So với tháng cùng kỳ năm 2021, tăng 337 vụ (69,06%), tăng 184 người chết (72,44%), tăng 288 người bị thương (95,68%). Trong số này, đường bộ xảy ra 816 vụ tai nạn giao thông, làm chết 428 người, bị thương 587 người. So với cùng kỳ năm trước tăng 335 vụ (69,65%), tăng 180 người chết (72,58%), tăng 287 người bị thương (95,67%). Đường sắt xảy ra 6 vụ, làm chết 3 người, bị thương 2 người. So với cùng kỳ năm trước tăng 3 vụ (100%), tăng 1 người chết (50%), tăng 1 người bị thương (100%). Đường thủy xảy ra 3 vụ, làm chết 7 người và không có người bị thương. So với cùng kỳ năm trước số vụ không thay đổi (3/3), tăng 4 người chết (133,33%), số người bị thương không thay đổi. Lĩnh vực hàng hải không xảy ra tai nạn, không có người chết và bị thương. So với cùng kỳ năm trước giảm 1 vụ (100%), giảm 1 người chết (100%), số người bị thương không thay đổi. Trong tháng 9/2022, Cục Hàng không Việt Nam nhận được 68 báo cáo an toàn bắt buộc, xảy ra 8 sự cố mức D, giảm 1 sự cố so với tháng 8/2022 và tăng 7 sự cố so với cùng kỳ năm 2021, không xảy ra sự cố uy hiếp an toàn nghiêm trọng và sự cố uy hiếp an toàn cao. Như vậy, tính chung trong 9 tháng năm 2022 (tính từ ngày 15/12/2021 đến 14/9/2022), toàn quốc xảy ra 8.313 vụ tai nạn giao thông, làm chết 4.714 người, bị thương 5.546 người. So với 9 tháng năm 2019, số vụ tai nạn giao thông giảm 4.362 vụ (52,5%), giảm 945 người chết (20%), giảm 4.073 người bị thương (73,4%). So với 9 tháng đầu năm 2021, số vụ tai nạn giao thông tăng 140 vụ (1,71%), tăng 518 người chết (12,35%), giảm 104 người bị thương (1,84%). Đường bộ là lĩnh vực xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông nhất với 8.206 vụ, làm chết 4.606 người, bị thương 5.524 người, tăng 133 vụ (1,65%), tăng 489 người chết (11,88%), giảm 112 người bị thương (1,99%) so với cùng kỳ năm trước.

Vĩnh Long: Tình hình bệnh sốt xuất huyết diễn biến phức tạp

Trước tình hình bệnh sốt xuất huyết diễn biến phức tạp, ngày 26/9, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long Nguyễn Thị Quyên Thanh cùng lãnh đạo ngành y tế tỉnh đến kiểm tra công tác phòng, chống bệnh sốt xuất huyết tại huyện Tam Bình và huyện Trà Ôn. Đây là hai địa phương có số ca mắc sốt xuất huyết cao và đều có 1 trường hợp tử vong. Theo đó, từ đầu năm đến nay, tại huyện Tam Bình đã ghi nhận 325 ca mắc sốt xuất huyết, tăng 255 ca so với cùng kỳ; có 1 trường hợp tử vong. Số ca mắc xuất hiện ở cả 17/17 xã, thị trấn với 54 ổ dịch nhỏ. Tại huyện Trà Ôn đã ghi nhận 276 ca mắc sốt xuất huyết, tăng 10 lần so với cùng kỳ; có 1 trường hợp tử vong. Số ca mắc xuất hiện ở 14/14 xã, thị trấn với 107 ổ dịch. Tại buổi làm việc, các đơn vị cho biết, thời gian qua đã thực hiện công tác giám sát mật độ muỗi, lăng quăng ở các xã điểm hàng tháng, triển khai chiến dịch diệt lăng quăng, phun hóa chất diện rộng diệt muỗi và tích cực tuyên truyền nâng cao ý thức người dân về các biện pháp phòng, chống sốt xuất huyết. Tuy nhiên, công tác phòng, chống bệnh hiện cũng có một số khó khăn như: ý thức của người dân chưa đồng đều, chưa hiểu hết được tác hại của bệnh; hoạt động diệt lăng quăng và diệt muỗi tại hộ gia đình chưa thường xuyên, còn tình trạng xuất hiện các ổ chứa lăng quăng tại nhà. Ngoài ra, công tác xử lý ổ dịch nhỏ còn nhiều khó khăn do một số hộ dân không đồng tình phun thuốc, thiếu kinh phí và máy phun phục vụ công tác phun thuốc diện rộng. Các đơn vị kiến nghị tỉnh tiếp tục trang bị thêm máy phun thuốc và hóa chất diệt muỗi, tăng mức phụ cấp cho nhân viên y tế cơ sở, hỗ trợ tiền công cho người phun hóa chất xử lý ổ dịch sốt xuất huyết... Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long Nguyễn Thị Quyên Thanh đánh giá cao nỗ lực của các địa phương trong công tác phòng, chống bệnh, đồng thời đề nghị các đơn vị tập trung hơn nữa, hướng tới giảm số ca mắc, và hạn chế đến mức thấp nhất các trường hợp tử vong do sốt xuất huyết thời gian tới. Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long lưu ý, các trung tâm y tế cần chủ động tham mưu cho các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch, từ đó phát hiện sớm các trường hợp mắc sốt xuất huyết và những nơi có nguy cơ bùng phát dịch cao, xử lý triệt để các ổ dịch nhỏ, không để bùng phát thành dịch lớn trong cộng đồng. Ngành y tế phối hợp với địa phương đẩy mạnh, đa dạng các phương thức truyền thông để người dân dễ tiếp cận, hướng dẫn các biện pháp phòng ngừa bệnh và dấu hiệu, triệu chứng của bệnh từ đó chủ động trong công tác phòng, chống bệnh sốt xuất huyết. Song song đó, các đơn vị đánh giá đúng tình hình sốt xuất huyết trên địa bàn, chú trọng tăng cường sự hỗ trợ của các ngành, các đoàn thể trong thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh sốt xuất huyết; rà soát, thông tin kịp thời về tình hình vật tư y tế để đề xuất bổ sung đảm bảo công tác phòng, chống dịch trên địa bàn. Theo ngành y tế tỉnh Vĩnh Long, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh ghi nhận 2.235 ca mắc sốt xuất huyết với 667 ổ dịch, trong đó số ca mắc tập trung nhiều ở các huyện Bình Tân, Tam Bình, thị xã Bình Minh. Toàn tỉnh đã ghi nhận 42 ca bệnh nặng và có 3 trường hợp tử vong.

Tử hình 3 đối tượng vận chuyển gần 5 kg ma túy

Ngày 26/9, Tòa án nhân dân tỉnh Tây Ninh mở phiên tòa xét xử sơ thẩm (lần 2) tuyên phạt 3 bị cáo gồm: Nguyễn Hồng Ngọc, Trương Văn Bé Chính và Mai Thanh Phong mức án tử hình về hành vi vận chuyển trái phép chất ma túy. Ngày 26/9, Tòa án nhân dân tỉnh Tây Ninh mở phiên tòa xét xử sơ thẩm (lần 2) tuyên phạt 3 bị cáo gồm: Nguyễn Hồng Ngọc (sinh năm 1980, ngụ ấp An Điền, xã An Bình, huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh); Trương Văn Bé Chính (sinh năm 1981, ngụ ấp Nhơn Ngãi, xã Nhơn Bình, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long) và Mai Thanh Phong (sinh năm 1980, ngụ ấp Hồi Trinh, xã Xuân Hiệp, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long) mức án tử hình về hành vi vận chuyển trái phép chất ma túy, theo quy định tại điểm b, khoản 4, Điều 250, Bộ Luật hình sự năm 2015.Ngoài ra, bị cáo Nguyễn Hồng Ngọc còn chịu mức án 2 năm tù về tội tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng, tổng hợp 2 hình phạt là tử hình. Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Tây Ninh, tại Bản án hình sự sơ thẩm số: 20/2020/HS-ST, ngày 30/6/2020, của Tòa án nhân dân tỉnh Tây Ninh đã tuyên phạt bị cáo Trương Văn Bé Chính và bị cáo Mai Thanh Phong mức án tử hình về tội vận chuyển trái phép chất ma túy. Sau đó, Trương Văn Bé Chính và Mai Thanh Phong kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. Tại Bản án hình sự phúc thẩm số 246/2021/HS-PT ngày 26 tháng 4 năm 2021, Toà án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh quyết định không chấp nhận kháng cáo của các bị cáo Trương Văn Bé Chính và Mai Thanh Phong. Đồng thời, hủy Bản án hình sự sơ thẩm số: 20/2020/HS-ST, ngày 30/6/2020, của Tòa án nhân dân tỉnh Tây Ninh. Lý do: Cơ quan điều tra chưa làm rõ đối tượng Nguyễn Hồng Ngọc có dấu hiệu bỏ lọt người phạm tội. Sau khi điều tra lại, ngày 4/5/2022 Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Tây Ninh tiến hành khởi tố bị can, bắt tạm giam và khám xét chỗ ở của Nguyễn Hồng Ngọc tại tổ 3, ấp An Điền, xã An Bình, huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh, thu giữ: 1 khẩu súng và 129 viên đạn, cùng nhiều tang vật có liên quan. Kết quả điều tra xác định, vào ngày 29/7/2019, Trương Văn Bé Chính đang ở nhà thuộc ấp Nhơn Ngãi, xã Nhơn Bình, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long thì Nguyễn Hồng Ngọc gọi điện thoại thuê Chính sang Campuchia vận chuyển trái phép khoảng 5 kg chất ma túy về Thành phố Hồ Chí Minh giao cho một đối tượng (không rõ họ tên, địa chỉ) với tiền công 100 triệu đồng. Sau đó, Trương Văn Bé Chính rủ Mai Thanh Phong cùng thực hiện, thỏa thuận tiền công chia đôi, Mai Thanh Phong đồng ý. Trưa 31/7/2019, Chính và Phong đi xe khách từ tỉnh Vĩnh Long đến bến xe khách tỉnh Tây Ninh, được một người đàn ông (không rõ họ tên, địa chỉ) đến đón và đưa cho Chính 1,5 triệu đồng; đồng thời yêu cầu Chính và Phong thuê phòng nghỉ ở lại thành phố Tây Ninh để chờ chỉ đạo của Ngọc. Khoảng 15 giờ ngày 01/8/2019, Ngọc gọi điện thoại cho Chính yêu cầu đi sang Campuchia vận chuyển ma túy về Việt Nam. Khoảng 16 giờ cùng ngày, Chính và Phong thuê xe taxi đi đến khu vực chốt cảnh giới biên phòng Long An, thuộc Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Mộc Bài. Tại đây, Ngọc thuê xe ôm đưa Chính và Phong đến thành phố BaVet, Campuchia. Sau đó, Ngọc đến khách sạn tại Campuchia gặp Chính, Phong và hướng dẫn Phong cách thức nhận ma túy. Sau khi nhận 1 xe mô tô Dream biển số 60Y4-3820 chứa gần 5 kg ma túy từ một người đàn ông (không rõ họ tên, địa chỉ) và số tiền 2,5 triệu đồng, Chính và Phong lấy xe mô tô này chạy trở về Việt Nam. Khi đi đến khu vực ấp Long Châu, xã Long Vĩnh, huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh thì bị bắt. Qua khám xét, lực lượng chức năng thu giữ 4.838,1434 gam Methamphetamine. Quá trình điều tra, Trương Văn Bé Chính và Mai Thanh Phong đã thành khẩn khai báo hành vi phạm tội. Đối với Nguyễn Hồng Ngọc không thừa nhận hành vi phạm tội và cho rằng Ngọc là người tố giác, báo tin về tội phạm, thực hiện theo sự phân công chỉ đạo của ông Phạm Minh Quý và Trần Văn Đông công tác tại Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Công an tỉnh Tây Ninh. Qua làm việc, đối chất ông Phạm Minh Quý và Trần Văn Đông trình bày không chỉ đạo và tiếp nhận tin báo do Nguyễn Hồng Ngọc cung cấp.

Phạt tù 4 bị cáo chém người chỉ vì 'chạy xe nẹt pô'

Ngày 26/9, Tòa án nhân dân tỉnh Bạc Liêu xét xử 4 bị cáo: Phan Minh Đăng (sinh năm 2001, ngụ ấp Cái Dầy, thị trấn Châu Hưng, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu); Phạm Văn Khâm (sinh năm 2003, ngụ ấp Xẻo Lá, thị trấn Châu Hưng, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu); Nguyễn Hữu Trọng (sinh năm 2003 ngụ khóm Đầu Lộ A, phường Nhà Mát, thành phố Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu) và Phan Văn Kim (sinh năm 2001, ngụ ấp Hòa Hải, xã Tân Thuận, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau) về hành vi giết người. Theo cáo trạng, xuất phát từ mâu thuẫn trong việc Mã Nhật Huy (sinh năm 1999) nói Phạm Văn Khâm “chạy xe nẹt pô thấy ghét" và dọa sẽ đánh Khâm, bị cáo Phan Minh Đăng gọi điện và cự cãi, thách thức đánh nhau với Mã Nhật Huy. Hai đối tượng hẹn nhau tại quán cà phê Sông Hậu 9, Quốc lộ 1A, thuộc Phường 7, thành phố Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu để giải quyết mâu thuẫn. Phan Minh Đăng rủ Phạm Văn Khâm, Nguyễn Hữu Trọng, Phan Văn Kim cùng tham gia. Các đối tượng mang theo hung khí. Mã Nhật Huy cũng rủ một số đối tượng đến quán cà phê Sông Hậu 9. Tại đây, Đăng đã dùng dao tự chế chém trúng vào đầu, trán, gò má và tay gây thương tích cho Huy; các đối tượng còn lại đánh nhau đến khi có công an đến thì giải tán. Kết quả giám định thương tích, Mã Nhật Huy bị thương tích 30% với nhiều vết thương trên đầu, mặt và tay. Hội đồng xét xử Toàn án nhân dân tỉnh Bạc Liêu kết luận, các bị cáo phạm tội "Giết người" theo quy định tại điểm n, khoản 1 Điều 123 Bộ luật Hình sự 2015; tuyên phạt các bị cáo Phan Minh Đăng 8 năm tù, Phạm Văn Khâm 6 năm tù, Nguyễn Hữu Trọng 4 năm tù và Phan Văn Kim 5 năm tù.

TP Hồ Chí Minh: Chủ động ứng phó với bão Noru và triều cường lên cao

Thực hiện việc tập trung ứng phó khẩn cấp với bão số 4 (bão Noru) năm 2022, đồng thời chủ động ứng phó với đợt triều cường cuối tháng 9/2022 dự báo lên mức báo động III, chiều 26/9, Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự - Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Thành phố Hồ Chí Minh đã chỉ đạo các sở ngành, địa phương và đơn vị liên quan trên địa bàn thành phố triển khai các biện pháp ứng phó kịp thời, đảm bảo an toàn tính mạng của người dân. Theo bản tin dự báo đặc trưng thủy triều ngày 26/9 của Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ, dự báo mực nước cao nhất trong những ngày tới tại trạm Phú An - sông Sài Gòn lên mức báo động III (1,6m). Cụ thể, trong ngày 27/9 (2/9 âm lịch), đạt mức 1,58m (lúc 6 giờ 30 phút) và 1,57m (lúc 18 giờ 00 phút); ngày 28/9 (3/9 âm lịch) đạt mức 1,59m (lúc 7 giờ 30 phút) và 1,60m (lúc 19 giờ 00 phút); ngày 29/9 (4/9 âm lịch): 1,56m (lúc 08 giờ 30 phút) và 1,57m (lúc 20 giờ 00 phút). Trước tình hình trên, đối với đợt triều cường cuối tháng 9/2022, Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự - Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị các sở, ngành, đơn vị Thành phố, Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức và các quận, huyện sẵn sàng triển khai thực hiện phòng, chống, ứng phó tình trạng ngập lụt do mưa lớn, triều cường và xả lũ trên địa bàn Thành phố. Các địa phương thông báo thường xuyên trên các phương tiện truyền thông về diễn biến của đợt triều cường cho nhân dân địa phương biết để chủ động phòng, tránh, ứng phó; chủ động tổ chức kiểm tra, rà soát bờ bao, cống, cửa van ngăn triều xung yếu và chuẩn bị vật tư (cừ tràm, lưới B40, vải bạt, bao tải đất, cát...) để kịp thời xử lý, gia cố bờ bao xung yếu ngay từ giờ đầu theo phương châm "4 tại chỗ", không để xảy ra tình trạng bể, tràn bờ bao, sự cố cửa van gây ngập úng ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt và sản xuất của nhân dân. Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự - Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Thành phố đề nghị Ủy ban nhân dân Quận 12, huyện Hóc Môn và huyện Củ Chi chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, vật tư, thiết bị kịp thời khắc phục sớm nhất nếu xảy ra sự cố thuộc các gói thầu của Dự án Bờ hữu ven sông Sài Gòn trên phạm vi địa bàn quản lý. Các chủ đầu tư các dự án giao thông, hạ tầng đô thị, thủy lợi chủ động tổ chức kiểm tra để kịp thời phát hiện, xử lý ngay các vị trí đê bao, bờ bao, kè, cống, kênh dẫn dòng xung yếu thuộc phạm vi các gói thầu dự án của đơn vị. Sở Giao thông vận tải, Sở Xây dựng, Công ty TNHH Một thành viên Quản lý khai thác dịch vụ Thủy lợi Thành phố, Công ty TNHH Một thành viên Thoát nước đô thị Thành phố phối hợp với Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức, các quận, huyện chuẩn bị lực lượng, phương tiện, trang thiết bị kịp thời xử lý các vị trí bờ bao, cống kiểm soát triều, kênh dẫn dòng xung yếu; vận hành hiệu quả các cửa xả, cống kiểm soát triều, trạm bơm; đồng thời, phối hợp với Công an Thành phố (lực lượng Cảnh sát Phòng cháy và Chữa cháy Thành phố) bố trí máy bơm nước di động để kịp thời khắc phục các điểm ngập úng do triều cường gây ra. Đối với các tuyến đường ngập do triều cường và mưa lớn do hoàn lưu của bão gây ra, đề nghị các đơn vị có biện pháp đảm bảo an toàn (lắp biển cảnh báo, rào chắn, đèn báo hiệu, đèn chiếu sáng...) nhằm tránh xảy ra tai nạn khi ngập úng. Công an Thành phố chỉ đạo lực lượng Cảnh sát giao thông phối hợp Lực lượng Thanh niên xung phong Thành phố tổ chức các lực lượng cơ động điều tiết giao thông tại các khu vực trọng điểm bị ngập úng do triều cường, mưa lớn do hoàn lưu bão gây ra. Đối với bão số 4, Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự - Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Thành phố đề nghị các sở, ban, ngành, đơn vị thành phố, Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức, các quận, huyện chuẩn bị sẵn sàng triển khai thực hiện các phương án đảm bảo an toàn cho người và tàu thuyền hoạt động trên sông, trên biển, trong vùng nước cảng biển và công tác phối hợp tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ và các biện pháp phòng, chống, ứng phó với mưa giông, lốc xoáy, gió giật, cây xanh ngã đổ trên địa bàn Thành phố. Ủy ban nhân dân huyện Cần Giờ, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng Thành phố, Chi cục Thủy sản, Đài Thông tin duyên hải Thành phố thường xuyên thông báo cho các phương tiện, tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết diễn biến của bão số 4 để chủ động phòng tránh đảm bảo an toàn, không đi vào khu vực nguy hiểm và có kế hoạch khai thác thủy sản phù hợp; tổ chức theo dõi, kiểm đếm tàu thuyền đang hoạt động trong khu vực ảnh hưởng; đảm bảo giữ thông tin liên lạc với các chủ phương tiện để hướng dẫn, xử lý kịp thời các sự cố.

Liên tục phát hiện ma túy trá hình dưới dạng bột trái cây làm giới trẻ mất cảnh giác

Những ngày qua, Bộ Công an và Công an tỉnh Thanh Hóa liên tục phát thông tin cảnh báo về các loại ma túy trá hình dưới dạng bột trái cây pha nước giải khát có mùi cam, nho, dâu… nhưng lại chứa chất gây nghiện khiến nhiều phụ huynh lo lắng. Bác sĩ Huỳnh Thanh Hiển, Bệnh viện Tâm thần TP Hồ Chí Minh cảnh báo, phụ huynh cần cảnh giác với các dấu hiệu nghi ngờ của con mình để có biện pháp ngăn chặn.

Cụ thể, theo thông tin từ Công an tỉnh Thanh Hóa, gần đây, liên tiếp nhiều loại ma túy mới đã được cơ quan chức năng phát hiện tại địa phương này và nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước. Đặc điểm của dạng ma túy này là màu sắc rực rỡ, bao bì, tem, nhãn bắt mắt. Lực lượng chức năng phát hiện loại ma túy mới dạng gói hương dâu, hương nho, hương xoài có tên Crispy Fruit. Theo kết quả giám định của cơ quan Công an, số ma túy trên là một loại ma túy mới xuất hiện, được pha trộn từ nhiều chất ma túy tổng hợp như MDMA, Ketamine, Diazepam. Bác sĩ Huỳnh Thanh Hiển nhìn nhận, những chất ma túy này không mới, chỉ là dạng bào chế mới. MDMA tên tiếng Anh là Estasy, được biết với tên gọi thông dụng là thuốc lắc, một loại ma túy có tác dụng kích thích thần kinh trung ương. Người sử dụng loại ma túy này sẽ lắc lư, nhảy nhót điên cuồng theo điệu nhạc với âm thanh có cường độ lớn tại các vũ trường. Sử dụng MDMA có thể gây loạn thần (ảo giác, hoang tưởng) và kích động hành vi (tấn công người xung quanh). MDMA thường được bán dưới dạng một viên thuốc. Do dạng bào chế này đã quá quen thuộc sẽ khó qua mắt cơ quan chức năng nên “thế giới ngầm” đã chuyển sang bào chế dưới dạng bột hương trái cây hòa tan trong nước. Ngoài ra, dạng bào chế này dễ làm cho giới trẻ mất cảnh giác vì nghĩ rằng chỉ là nước trái cây giải khát mà không nghĩ đó là thuốc lắc. Ketamine là loại thuốc gây mê đang được sử dụng trong y học dưới dạng dung dịch tiêm, rất tinh khiết, trong khi Ketamine ma túy dưới dạng bột trắng có thể bị lẫn tạp chất nguy hại và được sử dụng bằng cách hít trực tiếp vào mũi. “Dân chơi” thường sử dụng Ketamine sau khi uống thuốc lắc để làm giảm bớt sự hưng phấn gây ra bởi thuốc lắc. “Việc trộn những loại ma túy này với nhau có thể gây ra tương tác dược lý học khó dự đoán và kiểm soát; trộn Ketamin với Diazepam có thể gây suy hô hấp; trộn MDMA với Ketamine gây loạn nhịp tim và tăng huyết áp, có thể dẫn đến tử vong”, bác sĩ Huỳnh Thanh Hiển cho biết. Do đó, bác sĩ Huỳnh Thanh Hiển cảnh báo, ma túy ngày nay thay hình đổi dạng liên tục để né tránh pháp luật. Vì vậy, biện pháp phòng ngừa hữu hiệu nhất là các phụ huynh cần quan tâm, chăm sóc con em mình, sớm phát hiện bất thường. Những người sử dụng ma túy thường có các dấu hiệu bất thường như: Thường xuyên xin tiền bởi ma túy không rẻ nên người sử dụng cần rất nhiều tiền, tìm mọi cách để có tiền (xin tiền đi học thêm hoặc mua sách)… Một biểu hiện khác đó là các em hay vắng mặt vào một thời điểm nhất định, khi về rất tươi tỉnh, hoạt bát hơn nếu sử dụng nhóm thuốc kích thích. Người sử dụng ma túy thường xuyên bị rối loạn giấc ngủ, thức khuya và dậy rất muộn...

Bắt giữ nhóm côn đồ cầm hung khí xông vào bệnh viện đập phá tài sản

Bốn đối tượng bị bắt giữ gồm: Huỳnh Bá Đức (19 tuổi), Đặng Quốc Khánh (18 tuổi), Nguyễn Hoàng Nam (33 tuổi) cùng ngụ thành phố Tân An và Lê Văn Thức (26 tuổi, ngụ huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang). Trước đó, ngày 23/9, Khoa cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Long An tiếp nhận cứu chữa cho bệnh nhân Nguyễn Ngọc Bình trong trình trạng bị thương ở đầu và tay. Một lúc sau, nhóm đối tượng đi trên hai xe máy giả vờ chở người đi cấp cứu chạy vào Cổng số 1 bệnh viện. Khi đến Khoa Cấp cứu, nhóm này cầm hung khí xông vào tìm Bình và người đi cùng. Thấy nhóm đối tượng xông vào, người đi cùng bệnh nhân Bình đã chạy vào buồng lưu cấp cứu, nấp dưới dàn máy thở. Nhóm đối tượng này chạy theo và dùng hung khí chém vào máy thở. Hậu quả, hai máy thở của bệnh viện bị hư hỏng. Ngay sau đó, lực lượng bảo vệ của bệnh viện có mặt nên nhóm đối tượng bỏ lại hai xe gắn máy và chạy trốn. Nhận được tin báo, lực lượng chức năng nhanh chóng tổ chức điều tra và bắt giữ được 4 đối tượng trên. Qua lấy lời khai ban đầu, nhóm đối tượng này khai nhận đã xảy ra xô xát với Nguyễn Ngọc Bình tại một quán karaoke. Nguyễn Ngọc Bình bị một người trong số nhóm đối tượng dùng ly ném vào đầu bị thương và được bạn đưa đi cấp cứu. Sau đó, các đối tượng tiếp tục rủ nhau cầm hung khí vào bệnh viện để tiếp tục tấn công Bình. Cơ quan chức năng đang tiếp tục điều tra, xác minh, làm rõ vụ việc.

Tìm thấy thêm nhiều người thiệt mạng trong vụ lật phà tại Bangladesh

Ngày 26/9, lực lượng cứu hộ Bangladesh đã tìm thấy thêm 15 thi thể trong vụ chiếc phà chở hàng chục người hành hương bị lật tại miền Bắc nước này vào cuối tuần qua, nâng tổng số người thiệt mạng lên 40 người trong khi vẫn còn nhiều người mất tích. Chiếc phà bị lật vào ngày 25/9, khi đang trên đường tới đền Bodeshwari, một ngôi đền Hindu hàng trăm năm tuổi. Tai nạn xảy ra gần thị trấn hẻo lánh Boda và trên phà chủ yếu là phụ nữ và trẻ em. Cảnh sát trưởng thị trấn Boda, Sujoy Kumar Roy xác nhận lực lượng cứu hộ và thợ lặn đã tìm thấy 15 thi thể tại hạ nguồn sông Karatoya, nơi phà bị lật. Theo cảnh sát, phà chở khoảng 90 người, trong đó có 50 người đang trên đường hành hương tới đền Bodeshwari để dự một lễ hội lớn. Chiến dịch tìm kiếm và cứu nạn vẫn đang được triển khai. Theo cảnh sát, chiếc phà đã chở gấp 3 lần sức chứa. Nguyên nhân là do mưa lớn khiến nhiều người đổ xô lên phà để nhanh chóng tới ngôi đền. Truyền thông địa phương đưa tin ít nhất 10 người đã được giải cứu và đưa tới bệnh viện. Số người mất tích cũng đã giảm xuống sau khi người thân xác nhận họ bơi vào bờ an toàn. Hằng năm, hàng nghìn tín đồ Hindu lại tới thăm đền Bodeshwari. Ngày 25/9 vừa qua là thời điểm mở màn Durga Puja - lễ hội Hindu lớn nhất tại Bangladesh và miền Đông Ấn Độ, thu hút du khách thập phương đổ về đây.

Vụ tấn công trường học tại Nga: Ít nhất 13 người thiệt mạng

Hãng tin TASS của Nga dẫn thông báo của Ủy ban Điều tra liên bang xác nhận ít nhất 13 người thiệt mạng, trong đó có 7 trẻ em, trong một vụ nổ súng xảy ra ngày 26/9 ở một trường học thuộc thủ phủ Izhevsk của nước CH Udmurtia trực thuộc Nga. Theo ủy ban trên, vụ tấn công nhằm vào trường học số 88 nằm gần tòa nhà trụ sở chính quyền thành phố Izhevsk còn khiến 14 trẻ em và 7 người lớn bị thương. Nhà chức trách cho biết thủ phạm đã tự sát sau đó. Đối tượng dường như là một phần tử theo chủ nghĩa phát xít, mặc trên người áo có biểu tượng của phát xít Đức. Tuy nhiên, danh tính của thủ phạm vẫn chưa được xác định. Trường học có khoảng 980 học sinh và 80 giáo viên, đều đã được sơ tán khi vụ việc xảy ra. Người đứng đầu nước CH Udmurtia đã tuyên bố 3 ngày để tang các nạn nhân, bắt đầu ngay từ ngày 26/9. Trong khi đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã lên án "vụ tấn công khủng bố vô nhân đạo" nhằm vào trường học kể trên. Thông báo của Điện Kremlin nêu rõ Tổng thống Putin bày tỏ đau buồn sâu sắc trước những mất mát trong vụ tấn công và cầu mong những người bị thương sẽ sớm bình phục.

Thừa Thiên - Huế chủ động ứng phó với bão Noru

Tối 26/9, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thừa Thiên – Huế ra thông báo cho học sinh toàn tỉnh nghỉ học vào các ngày 27/9 và 28/9, để chủ động phòng ngừa, ứng phó kịp thời, hiệu quả và hạn chế thiệt hại do bão số 4 (bão Noru) gây ra. Để đảm bảo an toàn công trình và vùng hạ du, thực hiện quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Hương đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh cũng vừa thông báo Kế hoạch dự kiến vận hành điều tiết thuỷ điện A Lưới và hồ chứa thuỷ điện A Lin B1 (thuộc cụm hồ A Lin 3-A Lin B1). Theo đó, hồ thủy điện A Lưới dự kiến tăng lưu lượng vận hành điều tiết từ 22 giờ ngày 27/9 với đỉnh lũ dự kiến lớn nhất khoảng 2.500 m3/s. Hồ chứa thuỷ điện A Lin B1 (thuộc cụm hồ A Lin 3-A Lin B1) dự kiến tăng lưu lượng vận hành điều tiết từ 22 giờ ngày 27/9 với đỉnh lũ dự kiến lớn nhất khoảng 800 m3/s. Công ty Cổ phần thuỷ điện Miền Trung và Công ty Cổ phần thuỷ điện Trường Phú được yêu cầu thông báo đến người dân các địa phương thuộc huyện A Lưới đề phòng ngập trong khu vực lòng hồ. Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thừa Thiên – Huế yêu cầu các cơ sở giáo dục, trường học thực hiện chằng chống, gia cố đảm bảo an toàn; cắt tỉa cành cây khu vực trường có nguy cơ gãy đổ; lên phương án đảm bảo an toàn tài sản, cơ sở vật chất, chủ động di dời máy móc, thiết bị dạy học, tài liệu, hồ sơ đến vị trí cao ráo để tránh hư hại; đồng thời, thường xuyên theo dõi, cập nhật diễn biến đường đi của bão, mưa lũ, cảnh báo thiên tai trên các phương tiện thông tin đại chúng để chủ động ứng phó, không để xảy ra bị động khi bão vào; duy trì lực lượng, phương tiện và phân công lãnh đạo, lực lượng tự vệ cơ quan tổ chức trực tại đơn vị, trường học để chủ động xử lý các tình huống xảy ra trong bão lũ. Theo Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên – Huế, bão số 4 đã đi vào Biển Đông và di chuyển rất nhanh, hướng về phía đất liền các tỉnh Trung Trung Bộ. Do ảnh hưởng trực tiếp của hoàn lưu bão số 4 nên từ chiều 26 đến hết ngày 28/9, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế xuất hiện một đợt mưa to, mưa rất to. Tổng lượng mưa cả đợt phổ biến 200-400 mm, có nơi trên 400 mm. Mưa với cường độ lớn nhất tập trung từ tối 27/9 đến trưa 28/9.