Sự cố nghiêm trọng tại nhà máy Miwon Phú Thọ, ít nhất 4 người tử vong

Theo một nguồn tin, sự cố tại Công ty TNHH Miwon Việt Nam khiến ít nhất 4 người tử vong và 1 người đang cấp cứu tại bệnh viện. Các lực lượng chức năng đang tập trung khắc phục hậu quả sự cố này. Trước đó, khoảng hơn 18 giờ ngày 18/7, tại khu vực lò hơi của Công ty TNHH Miwon Việt Nam xảy ra sự cố về khí khiến 5 người gặp nạn. Thấy vậy, những người chứng kiến nhanh chóng báo cho công ty và lực lượng chức năng. Công ty TNHH Miwon Việt Nam (doanh nghiệp Hàn Quốc) chuyên sản xuất, chế biến và kinh doanh gia vị với nhiều mặt hàng như: Bột ngọt, hạt nêm, mì chính, nước chấm, nước sốt, nước tương... Hiện, lực lượng chức năng đang điều tra, làm rõ sự cố này.

Hôm nay (19/7), các khu vực trong tỉnh có nắng nóng cục bộ với nhiệt độ cao nhất 34-36 độ. Từ ngày 20/7, nắng nóng kết thúc.

Theo Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Thái Nguyên:

Hôm qua (18/7), khu vực tỉnh Thái Nguyên có nắng nóng với nhiệt độ cao nhất ngày phổ biến 36 độ.

Dự báo: Hôm nay (19/7), các khu vực trong Tỉnh có nắng nóng cục bộ với nhiệt độ cao nhất phổ biến 34-36 độ. Độ ẩm tương đối thấp nhất trong ngày từ 65-75%. Thời gian xuất hiện nhiệt độ trên 35 độ từ 14-16 giờ.

Cảnh báo: Chiều tối và đêm nay (19/7) có mưa rào dông. Từ ngày 20/7, nắng nóng kết thúc.

Từ ngày 25/8 vứt rác, đổ nước thải trên vỉa hè, lòng đường bị phạt từ 1-2 triệu đồng

Chính phủ đã ban hành Nghị định số 45/2022/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường; có hiệu lực thi hành từ ngày 25/8/2022.

Vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường nơi công cộng, khu đô thị, khu dân cư; vận chuyển nguyên liệu, vật liệu, hàng hóa gây ô nhiễm môi trường quy định rõ tại Điều 25 Nghị định.

Trong đó, phạt cảnh cáo đối với hành vi không niêm yết quy định về giữ gìn vệ sinh môi trường ở nơi công cộng.

Hành vi thu gom, thải rác thải trái quy định về bảo vệ môi trường bị xử phạt như sau:

- Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 150.000 đồng đối với hành vi vứt, thải, bỏ đầu, mẩu, tàn thuốc lá không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng.

- Phạt tiền từ 150.000 đồng đến 250.000 đồng đối với hành vi vệ sinh cá nhân (tiểu tiện, đại tiện) không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng.

- Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi vứt, thải, bỏ rác thải, đổ nước thải không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng.

- Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi vứt, thải, bỏ rác thải trên vỉa hè, lòng đường hoặc vào hệ thống thoát nước thải đô thị; đổ nước thải không đúng quy định trên vỉa hè, lòng đường phố; thải bỏ chất thải nhựa phát sinh từ sinh hoạt vào ao hồ, kênh rạch, sông, suối, biển…

Phạt 2 triệu và tước bằng lái 1-3 tháng nếu đi vào làn ETC nhưng tài khoản không đủ tiền

Theo Khoản 4 Điều 3 Quyết định 19/2020/QĐ-TTg, thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử không dừng (ETC) là hình thức thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ tự động, phương tiện giao thông đường bộ không cần phải dừng lại để trả phí dịch vụ sử dụng đường bộ khi tới trạm thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ.

Theo đó, Khoản 3, Điều 2 Nghị định 123/2021 quy định, trường hợp điều khiển xe không đủ điều kiện để thu phí theo hình thức điện tử tự động không dừng (xe không gắn thẻ đầu cuối hoặc gắn thẻ đầu cuối mà số tiền trong tài khoản thu phí không đủ để chi trả khi qua làn thu phí điện tử không dừng) đi vào làn đường dành riêng thu phí theo hình thức điện tử tự động không dừng tại các trạm thu phí sẽ bị phạt tiền từ 1 đến 2 triệu đồng.

Ngoài ra, tài xế khi đi sai vào làn thu phí điện tử không dừng tại các trạm thu phí còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung, cụ thể sẽ bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 1 - 3 tháng.

Như vậy, chủ phương tiện cần kiểm tra thường xuyên cũng như duy trì số tiền tối thiểu trong tài khoản ETC lớn hơn số tiền phải trả tại các trạm thu phí để tránh bị xử phạt không đáng có. Nếu gặp trục trặc trong vấn đề nạp tiền vào tài khoản, các bác nên chủ động lái xe đi vào làn thu phí thường để tránh mất thời gian cho các phương tiện khác trên làn ETC, đặc biệt là sắp tới đây các cao tốc chỉ cho phép xe có dán thẻ ETC vào cao tốc.

Ngày 19/7: Ca COVID-19 tăng vọt lên gần 1.100, cao nhất trong 46 ngày qua

Bản tin phòng chống dịch COVID-19 ngày 19/7 của Bộ Y tế cho biết có 1.085 ca mắc mới COVID-19, tăng 245 ca so với ngày qua. Đây là số ca bệnh cao nhất trong 46 ngày qua. Trong ngày tiếp tục không có F0 tử vong, có gần 5.300 F0 khỏi bệnh. Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 10.762.532 ca nhiễm, đứng thứ 12/227quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 112/227 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 108.575 ca nhiễm). Trong ngày 18/7 có 371.709 liều vaccine phòng COVID-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vaccine đã được tiêm là 239.615.795 liều, trong đó:

+ Số liều tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là 209.759.263 liều: Mũi 1 là 71.299.002 liều; Mũi 2 là 68.827.859 liều; Mũi 3 (vaccineAbdala) là 1.511.963 liều; Mũi bổ sung là 14.046.385 liều; Mũi nhắc lại lần 1 là 47.087.754 liều; Mũi nhắc lại lần 2 là 6.986.300 liều.

+ Số liều tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi là 19.516.697 liều: Mũi 1 là 9.022.082 liều; Mũi 2 là 8.681.661 liều; Mũi nhắc lại lần 1 là 1.812.954 liều.

+ Số liều tiêm cho trẻ từ 5-11 tuổi là 10.339.835 liều: Mũi 1 là 7.071.687 liều; Mũi 2 là 3.268.148 liều.

Ngành Thông tin và Truyền thông đóng góp vào GDP gần 462.000 tỷ đồng

6 tháng đầu năm 2022, tổng doanh thu toàn ngành Thông tin và Truyền thông đạt 1.833.162 tỷ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ; lợi nhuận đạt 137.276 tỷ đồng, tăng 13%. Toàn ngành nộp ngân sách nhà nước 60.883 tỷ đồng, tương đương với cùng kỳ, đóng góp vào GDP là 461.900 tỷ đồng, tăng 16%. Theo Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng, trong 6 tháng qua, lĩnh vực bưu chính đạt doanh thu gần 27.000 tỷ đồng, tăng 15%; lĩnh vực viễn thông đạt doanh thu dịch vụ hơn 71.000 tỷ đồng, tăng 7,8%; lĩnh vực an toàn thông tin mạng có doanh thu đạt 1.418 tỷ đồng, tăng 48,8%; lĩnh vực kinh tế số có tỷ trọng trong GDP quý II-2022 tăng trưởng 0,81% so với năm 2021; lĩnh vực công nghiệp công nghệ thông tin có doanh thu 72,5 tỷ USD, tăng trưởng 17,8% so với cùng kỳ...

Lĩnh vực ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, Bộ Thông tin và Truyền thông đã phối hợp Bộ Công an đẩy mạnh triển khai Đề án 06 kết nối, chia sẻ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ cung cấp dịch vụ công trực tuyến và các tiện ích cho người dân, doanh nghiệp. Đã có 41/63 tỉnh, thành phố triển khai với 36.300 tổ công nghệ số cộng đồng với gần 200.000 thành viên tham gia, triển khai đến tận thôn, xóm tại các địa phương...

Về định hướng lớn của ngành trong 6 tháng cuối năm, Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp tục hoàn thiện các nhiệm vụ đề ra ở từng lĩnh vực: Bưu chính; viễn thông; ứng dụng công nghệ thông tin; an toàn thông tin mạng; kinh tế số; công nghiệp công nghệ thông tin; báo chí truyền thông.

Bảo đảm chất lượng khi điều chỉnh dạy học lịch sử

Một trong những nội dung mới, thu hút sự quan tâm của dư luận những ngày qua là việc Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành kế hoạch điều chỉnh môn lịch sử trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Theo đó, từ năm học 2022-2023, môn lịch sử ở cấp trung học phổ thông sẽ bao gồm cả nội dung bắt buộc với tất cả học sinh và nội dung tự chọn dành cho học sinh có định hướng chuyên sâu. Ngành Giáo dục Hà Nội đang khẩn trương triển khai nội dung này với quyết tâm bảo đảm chất lượng ngay từ năm học đầu tiên.

Thực hiện Nghị quyết số 63/2022/QH15 ngày 16-6-2022 của Quốc hội, ngày 11-7-2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành kế hoạch thực hiện điều chỉnh môn lịch sử trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

So với kế hoạch đã ban hành trước đó, từ chỗ là môn học tự chọn ở cấp trung học phổ thông, môn lịch sử chuyển thành môn học có bao gồm cả nội dung bắt buộc (52 tiết/năm học) với tất cả học sinh và nội dung tự chọn dành cho học sinh có định hướng chuyên sâu ở môn học này. Rất nhiều phần việc đã, đang và sẽ được triển khai, gồm: Xây dựng, lựa chọn, điều chỉnh, thẩm định chương trình; biên soạn, thẩm định tài liệu tập huấn thực hiện chương trình lịch sử bắt buộc; biên soạn tài liệu hướng dẫn thực hiện môn lịch sử; tập huấn cho cán bộ quản lý, giáo viên cốt cán...

Việc điều chỉnh môn lịch sử trước thời điểm năm học mới 2022-2023 đang cận kề khiến không ít người băn khoăn, lo lắng về việc chất lượng dạy học có thể bị ảnh hưởng. Giải tỏa mối lo này, ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) khẳng định: Bộ Giáo dục và Đào tạo đang khẩn trương triển khai kế hoạch đã ban hành, báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép thực hiện quy trình rút gọn trong việc xây dựng Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT.

Khởi tố thêm 6 bị can trong vụ án xảy ra tại Saigon Co.op

Việc khởi tố thêm 6 bị can này nằm trong hoạt động tiếp tục mở rộng điều tra vụ án “Lạm quyền trong khi thi hành công vụ” do Diệp Dũng thực hiện xảy ra tại Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại thành phố Hồ Chí Minh (Saigon Co.op). Cụ thể, ngày 19-7, Cơ quan An ninh điều tra, Công an thành phố Hồ Chí Minh đã cùng Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hồ Chí Minh tiến hành tống đạt các lệnh, quyết định và tiến hành khám xét nơi ở, nơi làm việc đối với 6 bị can để điều tra về hành vi “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” quy định tại Điều 360 Bộ luật Hình sự.

Cụ thể, 6 bị can gồm: Hồ Mỹ Hòa, Giám đốc tài chính, Ủy viên Hội đồng quản trị Saigon Co.op; Nguyễn Thành Nhân, nguyên Tổng Giám đốc, thành viên Hội đồng quản trị Saigon Co.op; Trần Trung Liệt, nguyên Kế toán trưởng Saigon Co.op; Hàng Thanh Dân, nguyên Trưởng ban Kiểm soát Saigon Co.op (từ năm 2015 đến tháng 7-2019), hiện là Ủy viên Hội đồng quản trị Saigon Co.op; Phạm Thị Minh Ngọc, Phó Trưởng ban Kiểm soát Saigon Co.op (từ tháng 9-2017 đến nay), Trưởng ban Kiểm toán nội bộ Saigon Co.op (từ tháng 8-2016 đến nay) và Nguyễn Thị Thùy Trang, Ủy viên Ban Kiểm soát Saigon Co.op nhiệm kỳ 2014-2019, Trưởng ban Kiểm soát Saigon Co.op (từ tháng 7-2019 đến nay).

Diễn biến này được thực hiện sau khi Cơ quan An ninh điều tra, Công an thành phố Hồ Chí Minh tiến hành bắt tạm giam và khám xét nơi ở đối với Võ Thành Trung, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư phát triển Đô Thị Mới và Tôn Thất Hào, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Địa ốc Đại Á vào đầu tháng 7-2022.