Theo dự báo, chiều tối và đêm nay có lúc có mưa rào và dông, cục bộ có mưa to; trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh. Mưa dông có khả năng kéo dài đến ngày 22/8.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, hồi 1 giờ ngày 19/8, mưa dông đã xuất hiện cục bộ trên khu vực Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ. Từ chiều 19 đến ngày 20/8, khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa rào và dông, cục bộ mưa to (mưa dông tập trung vào chiều và tối) với lượng mưa từ 20-40 mm, có nơi trên 70 mm. Từ chiều tối 19/8 đến ngày 20/8, khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có mưa rào và dông, cục bộ có mưa to với lượng mưa từ 20-50 mm, có nơi trên 80 mm. Mưa dông trên khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có khả năng kéo dài đến ngày 22/8. Các chuyên gia khí tượng cảnh báo hiện tượng dông, lốc xoáy, sét, mưa đá và gió giật mạnh tiềm ẩn mạnh nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng và tài sản của người dân. Lốc xoáy thường xảy ra cùng với những cơn dông mạnh. Khi có các thông tin cảnh báo mưa dông, người dân cần tránh trú ở những nơi an toàn tại các công trình xây dựng kiên cố. Người dân lưu ý theo dõi chặt chẽ cảnh báo trên các phương tiện truyền thông để có biện pháp đề phòng thiệt hại do dông, lốc gây ra.

Dịp nghỉ lễ Quốc khánh, người lao động được nghỉ tối đa 4 ngày từ ngày 1/9 đến hết ngày 4/9.

Cụ thể, theo quy định tại Điều 112 Bộ luật Lao động năm 2019, người lao động được nghỉ Quốc khánh 2 ngày (ngày 2/9 dương lịch và 1 ngày liền kề trước hoặc sau). Nếu những ngày nghỉ này trùng vào ngày nghỉ hằng tuần thì người lao động được nghỉ bù vào ngày kế tiếp.

Năm nay, do ngày 2/9 rơi vào thứ 6 nên cán bộ, công chức, viên chức sẽ được nghỉ lễ liên tiếp 4 ngày, từ ngày thứ 5 (1/9/2022) đến hết ngày Chủ nhật (4/9/2022). Như vậy, tổng số ngày nghỉ tối đa của dịp Quốc khánh năm 2022 là 4 ngày, không phải hoán đổi ngày nghỉ.

Lịch nghỉ trên áp dụng với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của các cơ quan hành chính, sự nghiệp, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội. Các cơ quan, tổ chức không thực hiện lịch nghỉ cố định 2 ngày thứ Bảy, Chủ nhật hàng tuần thì căn cứ vào chương trình, kế hoạch cụ thể của đơn vị để bố trí lịch nghỉ cho phù hợp./.

Công an TP HCM đề nghị truy tố bà Nguyễn Phương Hằng và đang tiếp tục xác minh hành vi của các luật sư, YouTuber có liên quan.

Ngày 18-8, Cơ quan CSĐT Công an TP HCM đã hoàn tất kết luận điều tra, chuyển hồ sơ sang VKSND TP HCM đề nghị truy tố bị can Nguyễn Phương Hằng (SN 1971, Tổng giám đốc Công ty CP Đại Nam) về tội "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân".

Kết luận điều tra của Công an TP HCM thể hiện, tháng 3-2021, bà Nguyễn Phương Hằng đã sử dụng nhiều tài khoản mạng xã hội như Facebook, Youtube, Tiktok để phát sóng trực tiếp (livestream) trên mạng để nói về nhiều chủ đề khác nhau. Các buổi livestream của bà Hằng thu hút một lượng lớn người xem.

Nhiều buổi livestream bà Nguyễn Phương Hằng đã bàn về đời sống riêng tư của các nghệ sĩ như nghệ sĩ hài H.L, ca sĩ V.O, bà H.N.

Bà Nguyễn Phương Hằng thừa nhận thông tin mà bà có được và nói về 3 cá nhân này do tham khảo trên mạng, đọc báo, nằm mơ chứ chưa kiểm chứng.

Theo Công an TP HCM, nhiều người giúp bà Hằng tích cực trong các buổi livestream gồm có: bà N.T.M.N. (trợ lý của Nguyễn Phương Hằng tại Công ty cổ phần Đại Nam), ông H.C.T. (trưởng phòng truyền thông Công ty cổ phần Đại Nam).

Trong các buổi livestream của Nguyễn Phương Hằng nói về các cá nhân do bà "nằm mơ tư liệu" thì có sự tham gia của các luật sư N.Đ.K., Đ.A.Q.

Đối với những cá nhân có liên quan, tham gia giúp sức cho hoạt động của Nguyễn Phương Hằng, cơ quan điều tra đã trưng cầu giám định các nội dung liên quan nhưng chưa có kết quả. Khi có kết quả sẽ tiếp tục xử lý theo pháp luật.

Quá trình điều tra, Công an TP HCM cũng đã làm việc với nhiều YouTuber tham gia phát sóng. Công an TP HCM đang tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng để xác minh, xử lý theo quy định của pháp luật.

Thống kê của Bộ Y tế cho thấy trong 7 ngày qua, cả nước ghi nhận hơn 15.000 ca mắc COVID-19 mới, số ca mắc đang gia tăng theo ngày; hiện 4 biến thể phụ lây lan nhanh đã xâm nhập vào nước ta.

Bộ Y tế cho biết ngày 18/8 có 3.295 ca COVID-19 mới, tăng hơn 300 ca so với hôm qua; Đây cũng là ngày có số ca mắc nhiều nhất trong 3,5 tháng qua; Trong ngày có gần 8.800 bệnh nhân COVID-19 khỏi.

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 11.376.571 ca nhiễm, đứng thứ 12/227quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 112/227 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 114.687 ca nhiễm).

Đến nay tổng số người mắc COVID-19 ở nước ta đã khỏi là 10.049.215 ca; Trong số bệnh nhân đang điều trị có 208 ca năng, trong đó: Thở ô xy qua mặt nạ: 172 ca; Thở ô xy dòng cao HFNC: 16 ca; Thở máy không xâm lấn: 2 ca; Thở máy xâm lấn: 18 ca. Đây là ngày thứ 2 liên tiếp số bệnh nhân nặng đang điều trị ở mức trên 200.

Theo Bộ Y tế, tình hình dịch COVID-19 đang có chiều hướng gia tăng số ca mắc trên thế giới và tại Việt Nam. Trong nước ghi nhận sự xuất hiện các biến thể phụ mới của biến thể Omicron (BA.4, BA.5, BA.2.74, BA.2.12.1) với khả năng lây nhanh. Trong tuần qua, cả nước ghi nhận trung bình hơn 2.000 ca mắc mới mỗi ngày, số ca mắc đang có xu hướng gia tăng trở lại. Tổng số ca mắc trong 7 ngày qua là trên 15.000 ca, trong đó ngày 18/8 có số mắc cao nhất với gần 3.300 ca.

Bộ Y tế tiếp tục phối hợp với các cơ quan truyền thông, báo chí tiếp tục tăng cường công tác thông tin, truyền thông về phòng, chống dịch bệnh; tuyên truyền nâng cao kiến thức người dân hướng đến thay đổi hành vi cá nhân có lợi cho sức khỏe để phòng, chống dịch bệnh và tiêm vaccine, lợi ích, hiệu quả của vaccine phòng COVID-19 nhằm kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh.

Hà Nội: Tải ứng dụng giả mạo Bộ Công an, người phụ nữ mất gần 2 tỷ đồng

Ngày 19/8, Công an TP Hà Nội cho biết, cơ quan Công an quận Cầu Giấy đang điều tra làm rõ vụ việc người phụ nữ trình báo mất số tiền gần 2 tỷ đồng trong tài khoản sau khi nghe cuộc điện thoại của đối tượng tự xưng cán bộ công an.

Trước đó, ngày 12/8, Công an quận Cầu Giấy tiếp nhận đơn trình báo của chị P (SN 1980, trú tại Cầu Giấy, Hà Nội) về việc nhận được một cuộc điện thoại của một đối tượng tự xưng là cán bộ công an. Đối tượng thông báo chị P có liên quan đến một vụ án điều tra và yêu cầu chị tải ứng dụng giả mạo “Bộ Công an” để phục vụ điều tra. Sau khi đăng nhập tài khoản chị P phát hiện tài khoản bị mất gần 2 tỷ đồng nên đã đến cơ quan công an trình báo.

Theo Công an TP Hà Nội, thời gian qua, mặc dù đã có rất nhiều cảnh báo về thủ đoạn giả danh cơ quan Công an để lừa đảo chiếm đoạt tài sản nhưng vẫn còn có người sập bẫy của các đối tượng. Do đó, cơ quan công an khuyến cáo người dân cần cảnh giác, tuyên truyền đến người thân, bạn bè về các thủ đoạn trên, tránh mắc bẫy của đối tượng xấu. Để làm việc với người dân, cơ quan công an sẽ trực tiếp gửi giấy mời, giấy triệu tập hoặc gửi qua công an địa phương, tuyệt đối không yêu cầu công dân chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng. “Khi phát hiện các trường hợp có dấu hiệu lừa đảo như trên, nhân dân cần báo ngay cho cơ quan công an nơi gần nhất” - Cơ quan công an cho biết.

Hải Phòng: Đang gội đầu cho khách, một phụ nữ bị người tình đâm tử vong

Cho rằng bạn gái có tình cảm với người khác, Thính dùng dao đâm chị T. tử vong tại quán, rồi ra Công an H.Thủy Nguyên (TP.Hải Phòng) đầu thú.

Vụ việc xảy ra vào lúc 17 giờ 35 phút ngày 18.8 tại salon tóc, móng của chị N.T.T ở địa chỉ A2 thôn Lò Cao, xã Kênh Giang, H.Thủy Nguyên (TP.Hải Phòng).

Theo điều tra, thời điểm xảy ra án mạng, chị T. (43 tuổi, trú tại thôn Hà Tê, xã Trung Hà, H.Thủy Nguyên, Hải Phòng) đang gội đầu cho khách thì Bùi Văn Thính (40 tuổi, trú tại xã Thủy Triều, cùng H.Thủy Nguyên) cầm dao, chạy vào giường gội đầu, đâm thấu ngực chị T. làm chị gục tại chỗ.

Mặc dù được người dân gần đó phát hiện đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa H.Thủy Nguyên nhưng chị T. đã không qua khỏi. Gây án xong, Thính đến Công an H.Thủy Nguyên đầu thú.

Được biết, chị T. và Thính có quan hệ tình cảm, cùng thuê địa điểm mở tiệm salon tóc, móng tại xã Kênh Giang được gần 3 năm.

Cả hai sống chung như vợ chồng, nhưng nhiều lần giữa 2 người xảy ra mâu thuẫn do Thính có tính ghen tuông. Hiện vụ việc đang được Công an H.Thủy Nguyên điều tra, làm rõ.

Hôm nay(19-8) Cả nước ghi nhận gần 3.000 ca COVID-19 mới

Bản tin phòng chống dịch COVID-19 ngày 19/8 của Bộ Y tế cho biết, cả nước ghi nhận 2.983 ca mắc COVID-19 mới; có gần 7.000 bệnh nhân khỏi, gấp hơn 2 lần số mắc mới.

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 11.379.554 ca nhiễm, đứng thứ 12/227quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 112/227 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 114.714 ca nhiễm).

Về tình hình điều trị, theo số liệu của Bộ Y tế, trong ngày có 6.975 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh, nâng tổng số ca được điều trị khỏi lên 10.056.190 ca. Số bệnh nhân đang thở ô xy là 86 ca, trong đó: Thở ô xy qua mặt nạ là 73 ca; Thở ô xy dòng cao HFNC: 5 ca; Thở máy không xâm lấn: 3 ca; Thở máy xâm lấn: 5 ca.

Trong ngày không ghi nhận ca tử vong. Như vậy, tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 43.103 ca, chiếm tỷ lệ 0,4% so với tổng số ca nhiễm.

Tổng số ca tử vong xếp thứ 24/227 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 134/227 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 6/49(xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 27/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 5 ASEAN).

An Giang: Có dấu hiệu mua bán người trong vụ 42 lao động tháo chạy khỏi casino

Chiều 19/8, Công an tỉnh An Giang cho biết, vụ 42 người tháo chạy khỏi casino Rich World (thuộc xã Sampeou Poun, huyện Kaoh Thom, tỉnh Kandal, Campuchia) để bơi qua sông nhập cảnh trái phép về Việt Nam có dấu hiệu của hành vi mua bán người. Hiện, công an tỉnh này đang tiếp tục điều tra, làm rõ.

Theo một lãnh đạo Công an tỉnh An Giang, trước mắt, công dân về thì tiếp nhận quản lý, kiểm tra sức khoẻ, lấy lời khai.

Bước đầu các đối tượng khai có dấu hiệu mua bán người, bị lừa sang Campuchia làm việc nhẹ lương cao. Tuy nhiên, khi đặt chân sang Campuchia thì bị bán vào các casino dưới sự quản lý của các đối tượng người nước ngoài.

“Đa số các đối tượng trở về là người từ các tỉnh miền Trung và miền Nam. Mặc dù nhập cảnh trái phép là sai, và các đối tượng sẽ phải xử lý theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, xét về góc độ nào đó họ cũng là nạn nhân. Hiện, chúng tôi đã báo cáo và kiến nghị UBND tỉnh thông báo đến các tỉnh, thành có người liên quan trong vụ việc để sớm có kế hoạch tiếp theo", lãnh đạo Công an tỉnh An Giang thông tin.

Trước đó, vào khoảng 9h ngày 18/8, một nhóm người từ casino Rich World đã đồng loạt bơi qua sông Bình Di (thuộc thị trấn Long Bình, huyện An Phú, tỉnh An Giang; đoạn đối diện chốt 21, Đồn Biên phòng cửa khẩu Long Bình). Tại đây, lực lượng biên phòng đã bắt giữ 40 người.

Qua rà soát, Đồn Biên phòng cửa khẩu Long Bình xác định, vụ việc trên có đến 42 người cùng nhập cảnh trái phép. Ngoài 40 người bị bắt thì 2 người còn lại là Đ.M.H. (16 tuổi, ngụ TP. Kon Tum, tỉnh Kon Tum) bơi sông Bình Di về bị mất tích; N.T.H (25 tuổi, ngụ TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) bị bảo vệ casino Rich World bắt giữ lại.

Bước đầu các đối tượng khai nhận, đa phần đều xuất cảnh trái phép ở khu vực biên giới các tỉnh phía Nam. Sau khi sang Campuchia thì hợp đồng và làm việc tại casino Rich World; một số người trước đó làm việc tại các casino đối diện tỉnh Tây Ninh, Long An do người Trung Quốc quản lý.

Tuy nhiên, do bị bắt làm việc quá thời gian quy định nhưng không được nghỉ ngơi và không được trả lương nên các đối tượng đã bàn bạc, tập trung tại địa điểm, rồi đồng loạt tấn công bảo vệ casino để chạy ra cổng và bơi sông Bình Di nhập cảnh vào Việt Nam.

Hiện, 40 người nói trên đã được cơ quan chức năng tỉnh An Giang bố trí ăn nghỉ tại Nhà văn hóa xã Đa Phước, huyện An Phú. Riêng, thiếu niên mất tích đến nay vẫn chưa tìm được.