Miền Bắc, miền Trung bước vào chuỗi ngày nắng nóng

Sau nhiều ngày mưa dông, hôm nay (16/7), các tỉnh miền Bắc, miền Trung bước vào chuỗi ngày nắng nóng. Tây Nguyên và Nam Bộ giảm mưa.

Do ảnh hưởng của vùng áp thấp nóng phía Tây phát triển và mở rộng nên hôm nay (16/7), khu vực phía Đông Bắc Bộ ngày nắng, có nơi có nắng nóng, chiều tối và đêm có mưa rào và dông vài nơi. Gió đông nam đến nam cấp 2-3. Nhiệt độ thấp nhất 26-29 độ C, vùng núi có nơi dưới 26 độ C. Nhiệt độ cao nhất 32-35 độ, có nơi trên 35 độ C.

Thái Nguyên hôm nay ngày nắng, có nơi có nắng nóng, chiều tối và đêm có mưa rào và dông vài nơi. Gió đông nam đến nam cấp 2-3. Nhiệt độ thấp nhất 26-28 độ C. Nhiệt độ cao nhất 33-35 độ C, có nơi trên 35 độ C.

Dự báo nắng nóng ở miền Bắc có khả năng kéo dài đến 19/7. Từ đêm 19/7, do ảnh hưởng của áp cáo cận nhiệt đới hoạt động, miền Bắc bước vào đợt mưa dông mới, cục bộ có mưa vừa, mưa to.

Ngày 21-7 tới, giá xăng sẽ giảm về 26.000 đồng?

Bộ Công Thương cho biết, ngày 15-7, giá xăng A95 nhập khẩu từ Singapore đã rớt mạnh về mức 118 USD/thùng. Đây là mức giá rớt mạnh nhất trong vòng 5 tháng qua, mở ra cơ hội hạ nhiệt giá xăng trong kỳ điều chỉnh 21-7 tới.

Mức giá này tương đương với mức giá cuối tháng 2-2022. Thời điểm đó, giá xăng A95 trong nước đang duy trì ở mức 26.278 đồng/lít.

Giá xăng nhập giảm do giá dầu thô toàn cầu liên tục rớt dưới 100 USD/thùng trong thời gian dài vừa qua. Phiên giao dịch hôm 15-7, giá dầu Brent hiện là 99 USD/thùng và dầu WTI là 95 USD.

Các chuyên gia phân tích Ngân hàng ANZ cho biết, giá dầu giảm vì nhu cầu tiêu thụ xăng ở Mỹ giảm. Trong khi đó, sự bùng phát COVID tại Trung Quốc khiến nước này lại ra lệnh phong toả nhiều thành phố lớn khiến nhu cầu về xăng dầu cũng giảm mạnh. Sản lượng nhà máy lọc dầu của Trung Quốc trong tháng 6 đã giảm gần 10% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ngày 16/7: Có 705 ca COVID-19 mới, bệnh nhân nặng tăng lên

Bản tin phòng chống dịch COVID-19 ngày 16/7 của Bộ Y tế cho biết có 705 ca COVID-19 mới, giảm 251 ca so với hôm qua. Trong ngày số khỏi gấp 10 lần số mắc mới, nhưng bệnh nhân nặng gia tăng. Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 10.759.850 ca nhiễm, đứng thứ 12/227 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 112/227 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 108.564 ca nhiễm). Trong ngày 15/7 có 734.042 liều vắc xin phòng COVID-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vaccine đã được tiêm là 238.407.469 liều, trong đó:

+ Số liều tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là 209.112.599 liều: Mũi 1 là 71.293.068 liều; Mũi 2 là 68.819.594 liều; Mũi 3 (vaccine Abdala) là 1.511.912 liều; Mũi bổ sung là 14.146.911 liều; Mũi nhắc lại lần 1 là 46.827.403 liều; Mũi nhắc lại lần 2 là 6.513.711 liều.

+ Số liều tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi là 19.294.023 liều: Mũi 1 là 9.015.349 liều; Mũi 2 là 8.684.145 liều; Mũi nhắc lại lần 1 là 1.594.529 liều.

+ Số liều tiêm cho trẻ từ 5-11 tuổi là 10.000.847 liều: Mũi 1 là 6.917.545 liều; Mũi 2 là 3.083.302 liều.

10 nhóm đối tượng được hỗ trợ thêm tiền đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện

Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội thông tin, từ ngày 1-8-2022 đến ngày 31-12-2025, 10 nhóm đối tượng ở Hà Nội được hỗ trợ thêm tiền đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện theo Nghị quyết quy định một số nội dung, mức chi thuộc thẩm quyền của HĐND thành phố Hà Nội được HĐND thành phố thông qua tại kỳ họp thứ bảy, diễn ra đầu tháng 7-2022.

Đó là nhóm người lao động làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn dưới 3 tháng trước ngày 1-1-2018; người lao động làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn dưới 1 tháng từ ngày 1-1-2018 trở đi; người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố; người lao động giúp việc gia đình; người tham gia các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ không hưởng tiền lương; xã viên không hưởng tiền lương, tiền công làm việc trong hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã.

Ngoài ra, nông dân, người lao động tự tạo việc làm (người tự tổ chức hoạt động lao động để có thu nhập cho bản thân và gia đình); người lao động đã đủ điều kiện về tuổi đời, nhưng chưa đủ điều kiện về thời gian đóng để hưởng lương hưu (trừ trường hợp người lao động đã đủ điều kiện về tuổi để hưởng lương hưu, nhưng thời gian đóng bảo hiểm xã hội còn thiếu không quá 10 năm); người tham gia khác cũng thuộc đối tượng được hỗ trợ thêm tiền đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện.

Hà Nội cũng ưu tiên hỗ trợ người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều của thành phố giai đoạn 2022-2025. Theo đó, ngoài mức hỗ trợ đóng theo quy định chung áp dụng cho cả nước, người thuộc hộ nghèo trên địa bàn Hà Nội được hỗ trợ thêm 30% mức đóng; người thuộc hộ cận nghèo được hỗ trợ thêm 25% mức đóng. Đối tượng khác được hỗ trợ thêm 10% mức đóng.

Ngăn chặn nguy cơ dịch chồng dịch

Dịch Covid-19 tiếp tục có những diễn biến mới phức tạp. Cụ thể, gần đây, nước ta đã ghi nhận sự xuất hiện trong cộng đồng của cả hai biến thể phụ BA.4 và BA.5 của biến chủng Omicron. Đây là những biến thể gây ra nguy cơ cao dịch Covid-19 có thể lây lan mạnh mẽ.

Trong khi đó, các dịch bệnh mùa hè như sốt xuất huyết, tay chân miệng… cũng có những dấu hiệu lan rộng. Tại nhiều tỉnh, thành phố, dịch bệnh sốt xuất huyết đang gia tăng sớm hơn năm 2021 do điều kiện thời tiết thuận lợi cho muỗi truyền bệnh phát triển. Trong 6 tháng đầu năm 2022, cả nước ghi nhận 89.120 trường hợp mắc bệnh (tăng 148% so với cùng kỳ năm 2021), trong đó có 34 trường hợp tử vong. Theo dự báo, số ca bệnh trong thời gian tới tiếp tục gia tăng, cùng với đó là số nhập viện, số ca nặng cũng tăng lên.

Tương tự, số ca mắc bệnh tay chân miệng cũng đang tăng ở nhiều địa phương. Đặc biệt nguy hiểm, đây là bệnh dễ bùng phát vào mùa hè, vì điều kiện thời tiết nóng ẩm tạo thuận lợi để vi rút gây bệnh phát triển và sinh sôi.

Giữa nguy cơ bùng phát của các dịch bệnh mùa hè, điều đáng lo ngại nhất hiện nay chính là sự chủ quan, lơ là của người dân trong phòng, chống dịch đang tạo điều kiện thuận lợi cho dịch bệnh lây lan, dễ dẫn đến tình trạng dịch chồng dịch. Đơn cử, tại nhiều hộ gia đình, nhiều ổ lăng quăng (bọ gậy) không được xử lý; một bộ phận người dân sau khi tiêm vắc xin phòng Covid-19 mũi cơ bản hoặc đã từng mắc bệnh tỏ ra chủ quan, lơ là trong việc áp dụng các biện pháp phòng ngừa, chưa tích cực tiêm vắc xin mũi 3, mũi 4, kể cả tiêm vắc xin cho trẻ em. Thêm vào đó là tình trạng thiếu hóa chất, trang thiết bị, dịch truyền cao phân tử phục vụ công tác phòng, chống sốt xuất huyết… ở các cơ sở y tế.

Để ngăn chặn nguy cơ dịch chồng dịch, các cấp, ngành, địa phương cần thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, chủ động phòng, chống dịch bệnh; đề cao kỷ luật, kỷ cương, trách nhiệm của người đứng đầu. Cụ thể, phải tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm những giải pháp phòng, chống dịch Covid-19; đẩy mạnh tiêm vắc xin phòng Covid-19, thực hiện “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” để bảo đảm không bỏ sót đối tượng cần tiêm chủng, tăng tỷ lệ bao phủ vắc xin.

Với dịch sốt xuất huyết, ngành Y tế cùng các địa phương cần tiếp tục triển khai mạnh mẽ chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng và duy trì việc này ở mức độ phù hợp để ngăn chặn triệt để nguồn lây bệnh. Cùng với đó, cần tăng cường giám sát, phát hiện, xử lý kịp thời các ổ dịch trong cộng đồng; tổ chức tốt việc phân tuyến, thu dung, cấp cứu, điều trị bệnh nhân, ngăn ngừa các trường hợp tử vong; đồng thời có kế hoạch phân tuyến, hỗ trợ cán bộ điều trị có kinh nghiệm cho tuyến dưới để hạn chế chuyển tuyến khi không cần thiết, tránh quá tải bệnh viện.

Song song đó, ngành Y tế và các địa phương cần củng cố năng lực hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở; có phương án huy động, điều động, bổ sung nhân lực y tế, hỗ trợ công tác phòng, chống dịch, đặc biệt trong trường học. Quan tâm triển khai các hình thức động viên, khen thưởng đối với đội ngũ nhân viên y tế và mạng lưới cộng tác viên y tế. Đặc biệt, hỗ trợ các địa phương, đơn vị giải quyết ngay các khó khăn, vướng mắc trong công tác phòng, chống dịch bệnh; xử lý nghiêm các vi phạm về phòng, chống dịch bệnh (nếu có).

Mỗi người dân, mỗi cộng đồng dân cư cũng cần nêu cao ý thức, trách nhiệm, chung tay đẩy lùi các dịch bệnh, ngăn chặn hiệu quả nguy cơ dịch chồng dịch.

Giá vàng hôm nay 16-7: Giá vàng trong nước giảm mạnh

Trong phiên giao dịch rạng sáng ngày 16-7 (giờ Việt Nam) giá vàng thế giới đang ở mức hỗ trợ quanh 1.700 USD/ ounce nhưng không thể giữ được bất kỳ mức tăng vững chắc nào khi tâm lý người tiêu dùng đã cải thiện so với mức thấp nhất trong 40 năm được ghi nhận vào tháng trước.

Cùng chiều với diễn biến trên thị trường vàng thế giới, giá vàng trong nước rạng sáng hôm nay (16-7) giảm mạnh với mức giảm từ 200.000 đến 300.000 đồng/ lượng. Với mức điều chỉnh này, giá vàng trong nước về gần ngưỡng 67 triệu đồng/ lượng mua vào và quanh 68 triệu đồng/ lượng bán ra.

Rạng sáng, giá vàng SJC đã được điều chỉnh giảm 250.000 đồng ở cả hai chiều. Với mức giảm này, giá vàng SJC ở khu vực Hà Nội và Đà Nẵng đang mua vào mức 67,35 triệu đồng/lượng và bán ra mức 67,97 triệu đồng/lượng. Tại TP Hồ Chí Minh, vàng SJC vẫn đang mua vào mức tương tự với khu vực Hà Nội và Đà Nẵng nhưng bán ra thấp hơn 20.000 đồng. Giá vàng thương hiệu DOJI tại khu vực Hà Nội niêm yết ở mức 67,3 triệu đồng/ lượng mua vào và 67,9 triệu đồng/ lượng bán ra, giảm 250.000 đồng ở cả hai chiều so với rạng sáng ngày trước đó. Tại TP Hồ Chí Minh, giá vàng miếng thương hiệu DOJI được điều chỉnh giảm 300.000 đồng ở cả hai chiều xuống bằng mức giao dịch ở khu vực Hà Nội.

Giá vàng Phú Quý SJC đang là 67,33 triệu đồng/lượng mua vào và 67,93 triệu đồng/lượng bán ra, giảm 270.000 đồng ở cả hai chiều. Vàng Vietinbank Gold đang thu mua mức 67,4 triệu đồng/lượng và bán ra mức 68,02 triệu đồng/lượng, giảm 200.000 đồng ở cả hai chiều.

Với giá vàng trong nước gần như đứng yên và giá vàng thế giới niêm yết tại Kitco ở mức 1.708,6 USD/ounce (tương đương gần 48,6 triệu đồng/lượng nếu quy đổi theo tỷ giá Vietcombank, chưa thuế, phí), chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới không thay đổi nhiều so với rạng sáng ngày trước đó.

Dịch Covid-19 bùng phát mạnh tại nhiều quốc gia

Thủ tướng Australia Anthony Albanese, ngày 15-7, thông báo sẽ triệu tập một cuộc họp nội các quốc gia khẩn cấp vào ngày 18-7 nhằm thảo luận về cuộc khủng hoảng dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp.

Tuyên bố này được đưa ra sau khi Bộ trưởng Y tế Australia Mark Butler cảnh báo, hàng triệu người dân nước này đang có nguy cơ mắc Covid-19, trong đó một số người tái nhiễm. Ngày 15-7, Australia ghi nhận trên 40.000 ca nhiễm mới và trên 60 ca tử vong do Covid-19.

Cùng ngày, Bộ trưởng Bộ Nội vụ và An toàn Hàn Quốc Lee Sang-min cho biết, chính phủ nước này sẽ tăng cường thanh tra công tác kiểm dịch tại các sân bay lớn do số lượng du khách dự kiến sẽ tăng mạnh trong kỳ nghỉ hè, trong bối cảnh một làn sóng mới dịch Covid-19 đang bùng phát trở lại ở Hàn Quốc. Khoảng 200 nhân viên kiểm dịch sẽ được điều động thêm đến sân bay quốc tế Incheon và 7 sân bay khu vực khác.

Tại Nhật Bản, Thủ tướng Fumio Kishida khẳng định, chính phủ nước này sẵn sàng ứng phó với đợt bùng phát thứ bảy của dịch Covid-19 trong khi vẫn nỗ lực duy trì các hoạt động kinh tế - xã hội với tinh thần thận trọng tối đa. Ngày 15-7, Nhật Bản đã ghi nhận thêm 97.788 ca mắc mới với 33 ca tử vong. Hiện tại, dòng phụ BA.5 của biến chủng Omicron đã lây lan nhanh trên khắp các địa phương trong cả nước.