Bộ Công Thương gia hạn rà soát thuế chống bán phá giá với thép từ Trung Quốc

Ngày 12/7, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 1377/QĐ-BCT gia hạn thời hạn rà soát cuối kỳ áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với một số mặt hàng thép hình chữ H từ Trung Quốc.

Trước đó, ngày 13/10/2021, Bộ Công Thương đã có quyết định về việc rà soát cuối kỳ áp dụng biện pháp chống bán phá giá cho mặt hàng trên.

Theo quy định tại khoản 2 Điều 82 Luật Quản lý ngoại thương, thời hạn rà soát cuối kỳ việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá không quá 9 tháng kể từ ngày có quyết định rà soát, trong trường hợp cần thiết có thể gia hạn một lần nhưng không quá 3 tháng. Đối với vụ việc này, ngày hết hạn lần đầu là ngày 13/7/2022, và có thể gia hạn tối đa tới tháng 10/2022.

Căn cứ theo thực tiễn vụ việc, để có thêm thời gian xem xét và đảm bảo việc điều tra được tiến hành một cách toàn diện, khách quan, Bộ Công Thương đã ra quyết định gia hạn thời hạn rà soát cuối kỳ việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với một số mặt hàng thép hình chữ H có xuất xứ từ Trung Quốc tới ngày 5/9/2022.

Trước đó, hồi tháng 4/2021, mặt hàng tương tự (thép hình chữ H) có xuất xứ từ Malaysia nhập khẩu vào Việt Nam đã bị áp thuế chống bán phá giá tạm thời, do xác định hành vi nhập khẩu tăng mạnh và bán phá giá thép hình chữ H từ Malaysia đã gây sức ép đáng kể lên ngành sản xuất thép trong nước.

Vụ việc điều tra bắt đầu từ tháng 8/2020 sau khi Cục Phòng vệ Thương mại nhận được và thẩm định Hồ sơ yêu cầu áp dụng biện pháp chống bán phá giá của đại diện ngành sản xuất trong nước. Sau 8 tháng điều tra sơ bộ và 1 phiên tham vấn công khai, Bộ Công Thương đã quyết định áp thuế chống bán phá giá mặt hàng thép hình chữ H từ Malaysia với mức thuế tạm thời là 10,2℅.

Xuất khẩu sang EU tăng hơn 21% so với cùng kỳ nhờ tận dụng EVFTA

Theo Bộ Công Thương, trong 5 tháng đầu năm 2022, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và EU tiếp tục tăng trưởng nhờ lợi thế từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) mang lại.

Cụ thể, 5 tháng đầu năm, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và EU đạt 26,2 tỷ USD, tăng 14,36%, chiếm 8,55% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước.

Trong đó, xuất khẩu sang EU đạt 19,54 tỷ USD, tăng 21,1% so với cùng kỳ năm trước, chiếm 12,7% xuất khẩu cả nước. Các mặt hàng xuất khẩu tăng trưởng cao như máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 3,11 tỷ USD, tăng 15,3%; máy móc thiết bị và phụ tùng khác đạt 2,23 tỷ USD, tăng 15,8%; hàng dệt may đạt 1,66 tỷ USD, tăng 36,4%, trong đó xuất khẩu hàng dệt may sang Đức tăng 44%, Hà Lan tăng 43%; hàng thủy sản đạt 560 triệu USD, tăng 43,9%; cà phê đạt 0,78 tỷ USD, tăng 43,2%; gạo đạt 7,09 triệu USD, tăng 1,1%...

Ngày 13/7: Ca COVID-19 vượt mốc 1.000, cao nhất trong 40 ngày qua

Bản tin phòng chống dịch COVID-19 ngày 13/7 của Bộ Y tế cho biết có 1.001 ca COVID-19 mới, tăng 128 ca so với hôm qua; số khỏi bệnh tăng gấp 5 lần; Trong ngày không có F0 tử vong. Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 10.757.257 ca nhiễm, đứng thứ 12/227quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 112/227 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 108.538 ca nhiễm).

Trong ngày 12/7 có 366.938 liều vaccine phòng COVID-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vaccine đã được tiêm là 236.478.147 liều, trong đó:

+ Số liều tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là 208.122.419 liều: Mũi 1 là 71.291.239 liều; Mũi 2 là 68.813.593 liều; Mũi 3 (vaccine Abdala) là 1.511.880 liều; Mũi bổ sung là 14.145.741 liều; Mũi nhắc lại lần 1 là 46.553.591 liều; Mũi nhắc lại lần 2 là 5.806.375 liều.

+ Số liều tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi là 18.920.577 liều: Mũi 1 là 9.008.036 liều; Mũi 2 là 8.664.292 liều; Mũi nhắc lại lần 1 là 1.248.249 liều.

+ Số liều tiêm cho trẻ từ 5-11 tuổi là 9.435.151 liều: Mũi 1 là 6.594.496 liều; Mũi 2 là 2.840.655 liều.

Cấy ghép thành công tim heo biến đổi gene vào 2 bệnh nhân chết não.

Các nhà nghiên cứu thông báo công trình của các bác sĩ phẫu thuật tại Đại học New York (Mỹ) là một bước tiến trong mục tiêu dài hạn là sử dụng các bộ phận của heo để giải quyết tình trạng thiếu nội tạng thay thế của con người.

Theo Reuters, 2 trái tim hoạt động bình thường, không có dấu hiệu đào thải trong suốt 3 ngày thí nghiệm vào tháng 6 và tháng 7.

Môn Lịch sử có 52 tiết bắt buộc/năm: Giáo viên dạy Sử vừa vui, vừa bối rối

Báo Kinh tế & Đô thị thông tin, Lịch sử trở thành môn học bắt buộc với học sinh cấp THPT từ năm học 2022 - 2023 (thay vì môn lựa chọn như trước đó) đang thu hút sự quan tâm của dư luận xã hội. Đối tượng chịu tác động trực tiếp của việc này là các học sinh vừa đỗ vào lớp 10 và các trường THPT.

Đối với học sinh, Nguyễn Ngọc Minh Hằng vừa đỗ lớp 10 tại huyện Thanh Trì, Hà Nội cho hay: “Em rất yêu thích môn Lịch sử nên đã chọn môn học này. Sử mang đến niềm vui, chiều sâu tri thức, củng cố tình yêu nước trong thế hệ trẻ, do vậy là môn Sử rất đáng để học…”. Còn đối với các trường, một số hiệu trưởng cho rằng, nếu Lịch sử bắt buộc có 52 tiết/năm với học sinh lớp 10, 11, 12, chắc chắn sẽ phải điều chỉnh về sắp xếp giáo viên và chương trình. Những lớp học trước đó không chọn Sử, giờ bắt buộc học môn này thì sẽ lấy tiết đó ở đâu? Vì vậy, các nhà trường mong sớm được hướng dẫn cụ thể để thông rõ hơn.

Ùn tắc giao thông tại TPHCM gây thiệt hại 6 tỉ USD/năm: Cần giảm lượng xe máy tới mức nào?

Theo báo Lao động, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư gợi ý TPHCM tính toán định hướng sớm giảm dần hoặc loại bỏ xe máy để giải quyết tận gốc bài toán ùn tắc giao thông trước tình trạng ùn tắc giao thông khiến địa phương này thiệt hại khoảng 6 tỉ USD mỗi năm.

Theo thông tin, chia sẻ về vấn đề giao thông, ông Phan Công Bằng - Phó Giám đốc Sở GTVT TPHCM - cho biết chỉ số về giao thông của TPHCM chiếm khoảng 1/4 cả nước, điều này cho thấy những áp lực giao thông rất lớn. Tình trạng ùn tắc giao thông tại TPHCM được đánh giá là nghiêm trọng. Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã đặt vấn đề ùn tắc giao thông có làm cản trở lớn đến sự phát triển của TPHCM không? Ông Dũng nhấn mạnh cần giải quyết bài toán tận gốc là xe máy, liệu TP có định hướng sớm giảm dần hoặc loại bỏ xe máy không?

Gíá xăng giảm mạnh, bao giờ hạ nhiệt giá tiêu dùng?

Giá xăng dầu giảm mạnh trong kỳ điều chỉnh vừa qua khiến nhiều người dân kỳ vọng về việc giá thực phẩm, hàng hóa tiêu dùng giảm theo. Báo Lao động thông tin. thực tế nhiều mặt hàng đã tạo mặt bằng giá mới và không có dấu hiệu giảm giá. Giới chuyên gia nhận định: Cho dù với mức giảm mạnh giá xăng dầu lần này, vẫn chưa thể kỳ vọng sẽ có đợt giảm giá hàng hóa tương ứng. Theo PGS.TS Nguyễn Văn Nam, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thương mại, một nghịch lý đang tồn tại là giá xăng tăng thì hàng hóa thi nhau tăng theo giá xăng. Nhưng khi giá xăng đã giảm thì hàng hóa, dịch vụ đặc biệt là giá cước vận tải, taxi chưa có biến động lớn.

Ô tô tải đâm xe khách, 3 người tử vong ở Khánh Hòa

Vào lúc 23h ngày 11/7, xe ô tô tải BKS 72C - 128.22 do Đỗ Tiên Điệp (SN 1994, trú số 5 Hải Cường, Hải Hậu, Nam Định) điều khiển trên QL1 tỉnh Khánh Hòa theo hướng Nam - Bắc. Khi xe tải đến Km 1378+900 QL1A thuộc thôn Tân Phước Trung (xã Vạn Phước, huyện Vạn Ninh) xảy ra va chạm với xe ô tô khách BKS 30Z - 7978 do Phạm Xuân Cang (SN 1971) điều khiển theo hướng cùng chiều.Vụ tai nạn làm 2 người trên xe ô tô tải tử vong là (Nguyễn Văn Nam và Nguyễn Văn Tuấn); 1 người trên xe ô tô khách cũng tử vong là Lê Thị Xuân Hương (SN 1962, trú Bách Khoa, Hai Bà Trưng, Hà Nội). Hai chiếc xe cũng bị hư hại nặng.Theo Phòng CSGT Khánh Hòa, nguyên nhân ban đầu vụ tai nạn, do lái xe ô tô tải BKS 72C - 128.22 thiếu quan sát, không làm chủ tốc độ, điều khiển xe đâm vào đuôi xe khách BKS 30Z - 7978 đang lưu thông cùng chiều.