Thái Nguyên thông qua chính sách phát triển du lịch cộng đồng
Thái Nguyên có 6/9 địa phương có đầy đủ các điều kiện để có thể phát triển du lịch cộng đồng

Thời gian qua, du lịch cộng đồng được đánh giá là một trong những mô hình phát triển du lịch có nhiều đóng góp cho chương trình giảm nghèo và phát triển bền vững, tạo ra những trải nghiệm thú vị cho khách du lịch trên cơ sở khai thác những tài nguyên du lịch tại cộng đồng.

Tại Thái Nguyên - vùng đất có truyền thống lịch sử, văn hóa, địa phương có nhiều tiềm năng về tài nguyên du lịch với đầy đủ các điều kiện để có thể phát triển du lịch cộng đồng, đặc biệt tại một số địa phương như: thành phố Thái Nguyên, huyện Đại Từ, Võ Nhai, Phú Lương, Định Hóa, thành phố Sông Công. Tuy nhiên, hiện nay ở Thái Nguyên mới chỉ có một số mô hình du lịch sinh thái, cộng đồng như ở xã La Bằng, huyện Đại Từ; Tân Cương, thành phố Thái Nguyên; xã Phú Đình, Định Hóa; Phú Thượng, Võ Nhai.

Được định hướng để trở thành điểm du lịch cộng đồng, từ năm 2019, một dự án bảo tồn nhà sàn có kiến trúc gốc của người Tày đã được thực hiện ở xóm Mỏ Gà, xã Phú Thượng, huyện Võ Nhai. Những nếp nhà truyền thống được gìn giữ, tư duy làm du lịch cũng bắt đầu được định hình đối với người dân nơi đây

Chị Hoàng Thị Điều, xóm Mỏ Gà, xã Phú Thượng, huyện Võ Nhai cho biết suy nghĩ: “Mỗi người dân ở đây đều phải cố gắng giữ gìn bản sắc dân tộc để khách đến một lần vẫn muốn đến nữa để tìm hiểu, khám phá vẻ đẹp văn hóa của dân tộc chúng tôi”.

Phát triển du lịch cộng đồng dựa trên tiềm năng và thế mạnh của địa phương. Xóm Mỏ Gà còn ở vị trí gần với khu du lịch hang Phượng Hoàng – suối Mỏ Gà và Điểm du lịch Mỏ Mắm, tỉnh Lạng Sơn. Đây là điều kiện thuận lợi trong việc liên kết tạo tour du lịch, đa dạng hóa sản phẩm du lịch và khai thác nguồn khách đông đảo từ các khu du lịch lân cận.

Bà Hà Thị Bích Hồng, Bí thư huyện ủy Võ Nhai cho rằng: “Mô hình du lịch cộng đồng ngoài sự đầu tư của nhà nước, doanh nghiệp thì cần có sự vào cuộc của người dân: Từ thay đổi tư duy, cách làm với trách nhiệm với cộng đồng để mỗi mô hình của nhà dân phát triển bền vững, giữ gìn đúng bản sắc dân tộc của một huyện miền núi, vùng cao”.

Cùng với Phú Thượng Võ Nhai, La Bằng cũng là một trong những trọng điểm, nằm trong định hướng phát triển du lịch khu vực sườn đông của dãy Tam Đảo được huyện Đại Từ xác định đầu tư phát triển.

Anh Nguyễn Văn Tới, xóm Tân Sơn, xã La Bằng, huyện Đại Từ cho biết về dự định trong thời gian tới:“Trong tương lai, tôi mong muốn xây dựng 1 tour du lịch kết nối với các vùng khác để tạo nên vòng tròn khép kín, vừa học hỏi lẫn nhau vừa hỗ trợ phát triển du lịch mạnh hơn”.

Có thể nói, Thái Nguyên có thế mạnh để phát triển du lịch cộng đồng và các điểm đến đã bước đầu khai thác có hiệu quả, tạo nên sự đa dạng về sản phẩm du lịch góp phần hấp dẫn du khách. Tuy nhiên, cơ bản các điểm vẫn còn mang tính tự phát, phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, thiếu sự đầu tư, sản phẩm du lịch còn đơn điệu, chất lượng dịch vụ và nhận thức của người dân về du lịch cộng đồng còn hạn chế.

Để đáp ứng được sự phát triển du lịch của tỉnh và nguyện vọng của nhân dân, cũng như góp phần kéo dài thời gian lưu trú, trải nghiệm của du khách tại mảnh đất xứ trà, tỉnh Thái Nguyên đã quan tâm đẩy mạnh phát triển loại hình du lịch cộng đồng, điều này được thể hiện trong nội dung Đề án phát triển du lịch tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 đã được HĐND tỉnh thông qua ngày 23/3/2021.

Đặc biệt, tại kỳ họp thứ 4 vừa qua, HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV đã chính thức thông qua chính sách hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn. Theo đó, tỉnh sẽ dành trên 25 tỷ đồng tập trung hỗ trợ để xây dựng 05 mô hình điểm về phát triển du lịch cộng đồng.

Thái Nguyên thông qua chính sách phát triển du lịch cộng đồng
Thái Nguyên sẽ dành trên 25 tỷ đồng hỗ trợ xây dựng 5 mô hình điểm về phát triển du lịch cộng đồng.

Cụ thể: Năm 2022, xây dựng 1 điểm ở xã La Bằng, huyện Đại Từ và 1 điểm ở thành phố Thái Nguyên; năm 2023 xây dựng 1 điểm ở huyện Phú Lương; Năm 2024 xây dựng 1 điểm xóm Mỏ Gà, xã Phú Thượng, huyện Võ Nhai; Năm 2025 xây dựng 1 điểm ở huyện Định Hóa hoặc 1 điểm ở hồ Ghềnh Chè, xã Bình Sơn, thành phố Sông Công. Nghị quyết này đã nhận được nhiều ý kiến thảo luận tại kỳ họp.

Một số đại biểu cho rằng cần lồng ghép các nội dung của chính sách với các chương trình, đề án khác, tránh lãng phí nguồn lực. Bên cạnh đó, cần gắn nội dung của chính sách phù hợp với đặc thù của từng địa phương.

Đại biểu Ma Công Trình, Tổ đại biểu huyện Định Hóa nêu ý kiến: “Mong muốn nghị quyết phải mềm hóa với một số địa phương như huyện Định Hóa, Võ Nhai. Mong các đồng chí trong ban dự thảo xem xét, tham mưu. Một cái nhà sàn giờ khoảng 700-800 triệu mới làm được, nếu chỉ hỗ trợ người dân 200-300 triệu thì khó mà làm được. Nên xem xét hỗ trợ thêm xi măng hay vật liệu gì đó để triển khai thuận lợi hơn”.

Đại biểu Phạm Việt Dũng, Tổ đại biểu thành phố Thái Nguyên chia sẻ: “Liên quan đến hỗ trợ đến các điểm du lịch cần gắn với sản phẩm du lịch, cần gắn với sản phẩm nông nghiệp đã đạt tiêu chuẩn OCOP để tăng cường việc giới thiệu, quảng bá và tiêu thụ sản phẩm nông sản địa phương”.

Ngay sau khi Nghị quyết được thông qua, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch- cơ quan tham mưu về lĩnh vực này sẽ tiếp tục có những giải pháp để Nghị quyết sớm đi vào cuộc sống.

Bà Nguyễn Thị Mai, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Nguyên cho biết cụ thể về lộ trình: “Sau khi nghị quyết được thông qua, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Nguyên là cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo phát triển du lịch tỉnh Thái Nguyên sẽ tham mưu cho Ban chỉ đạo và UBND tỉnh ban hành kế hoạch và triển khai hỗ trợ các điểm du lịch trên địa bàn bằng hướng dẫn cụ thể về tiêu chí, điều kiện và tổ chức thực hiện chính sách này hiệu quả, đúng pháp luật và đảm bảo đúng tiến độ thời gian đã đề ra”.

Chính sách hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng sẽ là đòn bẩy để du lịch cộng đồng phát triển tương xứng với tiềm năng, thế mạnh sẵn có, góp phần tạo việc làm cho người lao động, hình thành các điểm du lịch mới thu hút khách, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thái Nguyên trong giai đoạn tới.