Phát biểu chào mừng Hội thảo, đồng chí Trần Quốc Tỏ, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên bày tỏ vui mừng và vinh dự được Ban Chỉ đạo lựa chọn Thái Nguyên làm địa điểm và phối hợp tổ chức Hội thảo. Đồng chí nhấn mạnh: Là 1 trong 16 tỉnh của vùng, thời gian qua, Thái Nguyên đã đạt nhiều kết quả nổi bật trên các lĩnh vực, đặc biệt là phát triển kinh tế - xã hội. Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết số 37, tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện cơ bản đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ phát triển chung của vùng, đặc biệt là đáp ứng được nguyện vọng chính đáng của đông đảo đồng bào các dân tộc thiểu số ở cơ sở. Tuy nhiên, một số nội dung đặt ra trong Nghị quyết cũng chưa đạt được như mong muốn, còn gặp những khó khăn, hạn chế,...Chính vì vậy, tại Hội thảo này, đồng chí mong muốn được các đại biểu quan tâm chia sẻ về những thuận lợi, khó khăn và nguyên nhân, cũng như những kinh nghiệm hay, việc làm sáng tạo, hiệu quả trong quá trình thực hiện các quan điểm, cơ chế, chính sách, nguồn lực và định ra phương hướng, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh trong vùng, trong đó có tỉnh Thái Nguyên trong thời gian tới.

Báo cáo tại Hội thảo nêu rõ: Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết 37 của Bộ Chính trị, kinh tế - xã hội vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ và các địa phương trong vùng đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể: Tốc độ tăng GDP toàn vùng tăng bình quân giai đoạn 2004 - 2018 đạt 10%; GRDP bình quân đầu người năm 2018 đạt gần 45 triệu đồng/người gấp gần 12,9 lần so với 2004; Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, theo hướng hiện đại; đã phát huy được nội lực của vùng, thu hút mạnh các nguồn lực để tập trung đầu tư vào khu vực; an ninh – chính trị được ổn định, đời sống của nhân dân được cải thiện và nâng cao…Có 9/12 chỉ tiêu đạt và vượt mục tiêu Nghị quyết 37 đề ra; có 01/12 chỉ tiêu khả năng đạt được vào 2020; có 02/12 chỉ tiêu chưa hoàn thành.

Tuy nhiên, đến nay, Trung du và miền núi Bắc Bộ vẫn là vùng nghèo và khó khăn nhất của cả nước. Quy mô kinh tế còn nhỏ so với các vùng khác trong cả nước; nhiều tiềm năng, lợi thế chưa được khai thác hết hoặc được vận hành chưa phù hợp; tăng trưởng kinh tế chưa bền vững; chuyển dịch cơ cấu kinh tế của phần lớn các địa phương chậm; cơ cấu kinh tế vùng chỉ là phép cộng cơ học của các địa phương, chưa mang dấu ấn vùng. Tỷ lệ đạt tiêu chí nông thôn mới vùng còn thấp; tỷ lệ hộ nghèo còn rất cao, đến cuối năm 2018 là 15,82%.

Tại Hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến vào những điểm cốt lõi nhằm phát triển bền vững vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, như: Hướng phát triển bền vững về kinh tế của vùng; định hướng chính sách trong vấn đề giảm nghèo; phát triển kết cấu hạ tầng giao thông và đô thị; phát triển kinh tế cửa khẩu gắn với du lịch và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; mô hình quản trị liên kết vùng; thu hút và sử dụng hiệu quả các nguồn lực;…

Phát biểu kết luận Hội thảo, đồng chí Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết 37 đánh giá cao những ý kiến tham luận tâm huyết, trách nhiệm của các đại biểu. Đồng chí nhấn mạnh: Nghị quyết 37 đã đi vào cuộc sống; tác động lớn đến mọi mặt đời sống các địa phương trong vùng; là động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh các địa phương trong vùng, góp phần quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội của cả nước. Đồng chí Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết 37 cũng khẳng định: những ý kiến, đề xuất tại Hội thảo sẽ được Tổ Biên tập chắt lọc, tổng hợp đưa vào trong Báo cáo tổng kết Nghị quyết 37 đảm bảo phù hợp với yêu cầu và nhiệm vụ tổng kết đề ra, báo cáo Ban Chỉ đạo trước khi trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong thời gian tới.

* Chiều cùng ngày, Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với tỉnh Thái Nguyên tổ chức Hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết 37 của Bộ Chính trị khóa IX về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Trung du và Miền núi Bắc bộ đến năm 2020. Đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết 37 chủ trì Hội nghị.

Các thành viên Ban Chỉ đạo, đại biểu các Bộ, Ban, Ngành và địa phương đã tham gia đóng góp ý kiến vào dự thảo Báo cáo tổng kết Nghị quyết 37 của Bộ Chính trị. Các ý kiến tập trung vào kết quả các chỉ tiêu sau 15 năm thực hiện Nghị quyết 37 như: Tỷ lệ giảm nghèo, cơ cấu kinh tế, thu nhập bình quân đầu người, tỷ lệ che phủ rừng…Trên cơ sở đánh giá đúng thực tế, nhiều ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của các đại biểu đã phân tích nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế: năng lực sản xuất, tăng trưởng của một số địa phương trong vùng chưa bền vững; sự phát triển của các khu công nghiệp còn thiếu thống nhất trên quy mô liên kết tỉnh; thu nhập bình quân của vùng đang ở mức thấp trong số các Vùng trong cả nước;...Bên cạnh đó, những vấn đề cốt lõi về phát triển bền vững vùng Trung du và miền núi Bắc bộ; định hướng phát triển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cũng được các đại biểu đề cập tại hội nghị tổng kết.

Ghi nhận, đánh giá cao những ý kiến đóng góp của thành viên Ban Chỉ đạo, các bộ, ngành Trung ương và địa phương, đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết 37 đề nghị Tổ Biên tập Nghị quyết tổng hợp, làm cơ sở phục vụ việc hoàn thiện chuẩn bị trình báo cáo Bộ Chính trị trong thời gian tới./.